Người đàn ông tử vong sau 4 tháng bị chó hàng xóm cắn
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình vừa ghi nhận một người tử vong do bệnh dại, sau khi bị chó nhà hàng xóm cắn cách đây hơn 4 tháng.
Bệnh nhân là ông N.T.H (sinh năm 1974, ở phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới). Theo lời kể của gia đình, ngày 3/3, ông H bị chó của nhà hàng xóm cắn vào ngón trỏ bàn tay phải. Vết thương nông, chảy máu không nhiều. Ông H chỉ dùng nước rửa vết thương, không tiêm vaccine phòng dại.
Khi cắn bệnh nhân, 2 ngày sau con chó chết. Từ khi bị chó cắn cho đến ngày 11/7, bệnh nhân sống khỏe mạnh bình thường, nhưng đến chiều cùng ngày bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi.
Qua ngày 12/7, bệnh nhân trở nặng và gia đình đưa đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới để điều trị. Bệnh nhân vào viện tối 12/7 và được chẩn đoán ban đầu nghi dại.
Đến 14h ngày 13/7, bệnh nhân chuyển biến rất nặng, gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Khi chuyển viện, ông H được chẩn đoán bệnh dại lên cơn.
Khi đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh dại và trả về. Bệnh nhân về đến nhà lúc 18h18 ngày 14/7 nhưng tử vong trên đường về nhà.
Theo CDC tỉnh Quảng Bình, ngay khi nhận được thông tin ca bệnh nhập viện từ Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nghi do bệnh dại, đơn vị đã cử cán bộ phối hợp với Trung tâm Y tế TP Đồng Hới, Trạm Y tế phường Đồng Sơn trực tiếp điều tra dịch tễ tại khu vực dân cư nơi gia đình bệnh nhân sinh sống. Lực lượng chức năng phát hiện thêm 1 trường hợp liên quan đến con chó cắn người tử vong, bị chó cắn cùng ngày với bệnh nhân tử vong.
Đó là nam sinh T.M.Q (sinh năm 2012, cũng trú tại phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới). Cháu Q. bị con chó trên cắn ở vùng vai, vết cắn nông, chảy máu ít.
Ngay sau khi bị con chó này cắn, người nhà đã đưa cháu Q. đến CDC tỉnh tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại, đúng, đủ liều. Hiện tại sức khỏe của cháu Q. bình thường.
Ngành y tế Quảng Bình khuyến cáo, ngay sau khi bị động vật cắn, liếm hay cào xước, cần rửa vết thương ngay lập tức bằng nước sạch cùng với các dung dịch có thể tiêu diệt virus dại, như: Xà phòng, povidone iodine… rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị vết thương cũng như tiêm vaccine phòng dại.
Trường hợp vết thương gần thần kinh trung ương (vùng đầu, mặt, cổ) hoặc biết chắc chắn là chó dại cắn, sẽ được chỉ định tiêm huyết thanh chống bệnh dại. Người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm thì việc ngăn chặn sự khởi phát triệu chứng và tử vong của bệnh dại sẽ càng có hiệu quả cao.
Người dân không nên chủ quan, lơ là khi thời tiết nắng nóng kéo dài, súc vật rất dễ phát bệnh. Vì vậy, ngoài việc tiêm phòng đầy đủ vaccine cho chó mèo, các gia đình có trẻ nhỏ nên hạn chế cho các bé tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo; nhất là chó mèo bị ốm chưa rõ nguyên nhân cần được cách ly hoàn toàn để bảo đảm an toàn sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Theo CDC Quảng Bình, trong vòng chưa đầy 2 tháng của mùa nắng nóng năm nay, tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp trên địa bàn tỉnh tử vong do bệnh dại. Trước đó, ngày 21/5, bé gái N.G.H (SN 2020), ở thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) cũng đã tử vong do chó dại cắn. Cả 2 trường hợp đều không tiêm vaccine phòng dại khi bị chó cắn và nhập viện khi đã lên cơn, không còn khả năng cứu chữa.