Người dân Singapore tin tưởng và lạc quan về hành trình chống đại dịch Covid-19

Người dân Singapore bày tỏ sự lạc quan và tinh thần tự tin chống dịch mà chính phủ nước này đang duy trì đến hiện tại.

Lạc quan của người dân Singapore

Khi Singapore bắt tay vào chiến lược chung sống với Covid-19 thì thành phố giàu có của Đông Nam Á này đã chứng kiến tỷ lệ nhiễm bệnh tăng vọt. Vào thời điểm đó, nhiều người đặt câu hỏi liệu chiến lược chống dịch của nước này có đang đi đúng hướng hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy tỷ lệ lây nhiễm nhanh chóng giảm sau đó, và người dân Singapore bắt đầu lạc quan hơn trong kế hoạch xoay chuyển tình thế ứng phó tốt với đại dịch của chính phủ, ngay cả vào thời điểm phát hiện biến thể Omicron mới đáng lo ngại.

"Tôi cho rằng Covid-19 chỉ giống như bệnh cúm bình thường đối với tất cả mọi người", Glacier Chong, một người dân ở Singapore nói khi đang ngắm cảnh đường phố và thưởng thức nhạc Giáng sinh phát ra từ những chiếc loa lớn trên đường.

"Mọi người đã có thói quen với điều đó. Vì vậy, việc mắc bệnh Covid-19 được hiểu là căn bệnh có thể chữa được", Chong nhấn mạnh.

Ngồi cùng với Galcier Chong ở đài phun nước dọc theo phố Orchard Road, Marcus Yeo nói rằng anh không quá lo lắng về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron sau các thành công trong hành trình chống dịch kiên trì của của Singapore.

"Biến thể có thể chưa xuất hiện ở Singapore. Tuy nhiên, nhìn vào hành trình chống dịch của chúng tôi, từ giai đoạn đầu đến hiện tại, tôi nghĩ rằng người dân Singapore sẽ ổn cả thôi", Marcus Yeo nhận định.

Hầu hết sự tự tin đó xuất phát từ các con số thống kê của Chính phủ Singapore. Với 94% dân số đủ điều kiện tiêm phòng đầy đủ và 26% đã tiêm mũi nhắc lại, ngay cả khi số ca mắc bệnh bắt đầu tăng lên, khoảng 99% người dân không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Điều đó có nghĩa là hệ thống chăm sóc sức khỏe đang chịu nhiều áp lực nhưng không bao giờ quá tải. Tử vong tăng nhưng vẫn giữ được ở mức thấp.

"Singapore đã thành công trong chương trình tiêm chủng. Chính phủ cũng áp dụng các biện pháp cấm người dân chưa tiêm phòng đến nhà hàng hoặc trung tâm thương mại. Nhìn chung, quốc gia này đạt mức độ tự tin nhất định về chính sách ứng phó với đại dịch", ông Alex Cook – một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

"Có lẽ bài học chính rút ra từ Singapore là khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ", ông Alex Cook nhấn mạnh.

Vào thời điểm đầu tiên của dịch bệnh, các trung tâm thương mại và kinh doanh ở quốc gia Đông Nam Á đã giữ cho các ca mắc Covid-19 ở mức thấp nhất bằng cách áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Bằng chiến lược tiêm chủng đầy đủ, một chế độ kiểm tra và theo dõi tích cực cũng như các hướng dẫn nghiêm ngặt về sức khỏe và an toàn, quốc gia 5,5 triệu người đã cảm thấy tự tin hơn vào tháng 8, bắt đầu "hành trình chuyển đổi sang một quốc gia kiên cường chống dịch".

Đây là một phần của quyết định của chính phủ, điều chỉnh xu hướng điều trị Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu, thừa nhận khả năng đưa số ca bệnh về 0 là điều khó thực hiện và đã đến lúc để đưa cuộc sống trở lại bình thường, từng bước ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh triển khai tiêm chủng rộng rãi, Singapore cũng tính đến phương án xét nghiệm toàn diện, nhanh chóng xác định và cô lập các ổ dịch mới. Mặt khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đảm bảo để đối phó với bất kỳ trường hợp nghiêm trọng nào xảy ra.

Hành trình chống dịch của Singapore

Biến thể Delta có mức độ lây lan cao đã khiến chiến lược của Singapore từng rơi vào "đường cong". Trong tháng Chín, chính phủ nước này một lần nữa phải áp dụng lại biện pháp ngăn chặn phạm vi lây nhiễm, chẳng hạn như giảm quy mô nhóm tụ tập xã hội và ăn uống tại nhà hàng. Tính đến cuối tháng 10, Singapore tiếp tục đợt bùng phát mới và tỷ lệ lây nhiễm tiếp tục ghi nhận tồi tệ nhất. Trong tuần này, số ca mắc đã giảm xuống. Tại đỉnh dịch, Singapore ghi nhận hơn 53000 ca/ngày và hiện tại đã dưới 1000 ca/ngày.

Theo thống kê của Our World in Data, tỷ lệ tử vong ở Singapore hiện tại giữ ở mức thấp.

Ông Cook cho biết, chính phủ đã bắt đầu cho phép thực hiện cách ly tại nhà vào cuối tháng 8 đối với bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng, thay vì nhập viện hoặc đến các cơ sở điều trị.

"Mục đích của chính sách này là giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế nhưng cũng có thể là giảm nguy cơ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng", ông Cook nói thêm.

Theo ông Cook, trước nguy cơ có các đợt bùng phát nghiêm trọng trong tương lai, các quốc gia nên cân nhắc nghiêm túc về việc cho bệnh nhân nhiễm bệnh tự cách ly tại nhà, cho dù chỉ là triệu chứng nhẹ", ông nói.

Ông Lý Hiển Long ngày 29/11 nhấn mạnh, sự xuất hiện của biến thể Omicron đòi hỏi người dân Singapore phải chuẩn bị "nhiều va chạm hơn trên hành trình chống dịch" do virus đột biến.

"Chúng ta có thể phải lùi lại vài bước trước khi có thể tiến thêm nhiều bước nữa. Tuy nhiên, bất chấp dịch bệnh, tôi tin tưởng rằng cuối cùng chúng ta sẽ tìm ra cách sống chung với virus và tiếp tục cuộc sống an toàn với những gì chúng ta muốn làm".

Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung thông báo sẽ thực hiện các biện pháp mở cửa trở lại dựa theo đánh giá về biến thể Omicron đồng thời tăng cường xét nghiệm với khách du lịch và nhân viên tuyến đầu chống dịch.

Theo ông Cook, các biện pháp phòng ngừa và tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Singapore có vị thế tốt để ứng phó với sự xuất hiện của biến thể mới.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-dan-singapore-tin-tuong-va-lac-quan-ve-hanh-trinh-chong-dai-dich-covid-19-20211201165251479.htm