Người dân Tân An chung sức bảo tồn bia Chăm Tư Lương
Nhiều hộ dân ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã tự nguyện hiến đất tạo lối đi, mở rộng khuôn viên nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích bia Chăm trên địa bàn.
Theo người dân thôn Tư Lương, khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, trong khi phát rẫy, bà con trong thôn phát hiện hòn đá tạc nhiều dòng ký tự lạ nên gọi là hòn đá chữ. Đến giữa năm 2010, các nhà khoa học đã biết đến thông tin này. Sau khi nghiên cứu, dịch nghĩa, các nhà khoa học cho rằng, đây là tấm bia, khắc chữ Chăm thuộc Vương quốc Champa trong quá khứ, gọi là bia Chăm Tư Lương. Đây là minh chứng về sự xuất hiện của đế chế Champa trên cao nguyên và mối quan hệ với quốc gia Đại Việt, ít nhất đến cuối thế kỷ XV.
Với những giá trị to lớn đó, năm 2017, UBND huyện Đak Pơ đã vận động người dân hiến đất làm lối đi và mở rộng khu vực bia. Theo đó, toàn bộ khuôn viên bia có diện tích 255 m2 được bao bọc bởi bờ tường cao 40 cm, phía trên là hàng rào lưới B40 cao 1,2 m, giăng ngang qua 22 trụ bê tông và 1 cửa sắt cao 1,9 m, rộng hơn 3 m. Ngoài ra, huyện còn làm mái che, thảm bê tông nền và làm bảng chỉ dẫn đến khu vực bia.
Bia Chăm Tư Lương nằm trong bụi cây gai rậm rạp, muốn tiếp cận phải đi qua rẫy của gia đình ông Nguyễn Thời-Bí thư Chi bộ thôn Tư Lương. Ý thức được giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, ông Thời đã bàn bạc với người thân hiến khoảng 280 m2 đất. Từ đó, con đường nối tới bia Chăm dài 70 m, rộng 4 m đã hình thành, giúp các nhà khoa học, người dân đến tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan thuận lợi.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn (cùng thôn) tự nguyện hiến gần 111 m2 đất để mở rộng diện tích khu vực bia đá. Ông chia sẻ: “Trước đây, khi chưa biết nội dung ghi trên bia, nhiều người cho rằng phía dưới có kho báu nên tìm cách đào bới; một số hộ dân còn chăn thả gia súc xung quanh khu vực bia. Vì thế, khi nghe tin địa phương xây dựng hàng rào bảo vệ bia, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất, đồng thời vận động để người dân không xâm phạm khuôn viên bia”.
Ngoài diện tích đất do gia đình ông Thời, ông Tuấn hiến tặng, hiện nay, UBND xã Tân An đang quản lý mảnh đất 5% rộng khoảng 1.000 m2 bên cạnh khu vực bia Chăm Tư Lương. Chính quyền địa phương có kế hoạch làm bãi đậu xe của khách du lịch khi về tham quan, tìm hiểu.
Trao đổi với P.V, ông Lê Kim Ngọc-Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: “Kể từ khi phát hiện bia đá có khắc chữ tại thôn Tư Lương, người dân và chính quyền địa phương xem đây là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Chúng tôi đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể và các thôn tập trung tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân biết được giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời trên vùng đất Tân An. Đồng thời, tiếp tục vận động các hộ dân có đất xung quanh khu vực bia đá hiến tặng thêm để trồng cây bóng mát, hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; thành lập tổ bảo vệ, chăm sóc cây cảnh… Bên cạnh đó, gắn kết các điểm du lịch sinh thái, văn hóa trên địa bàn với bia Chăm Tư Lương, quảng bá rộng rãi cho người dân cũng như du khách biết”.