Người dân Tân Phượng nhộn nhịp vào vụ quế mới

Cây quế từ lâu đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của đồng bào dân tộc Dao ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Mỗi năm, vào dịp tháng 3, tháng 8 âm lịch – giai đoạn cành và lá quế non phát triển cũng là lúc bà con nông dân ở đây bước vào vụ khai thác quế mới.

Cũng như nhiều gia đình trồng quế trong xã, sau nhiều năm khai thác theo hình thức tỉa cành, tỉa thưa cây, gia đình anh Trịnh Thừa Sang ở thôn Bó Mi, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái quyết định khai thác hết đồi quế của nhà để bán. Do diện tích thu hoạch nhiều, anh Sang đã thuê thêm đội bóc quế có kinh nghiệm tại địa phương.

Toàn xã Tân Phương có hơn 100 ha đất trồng quế

Toàn xã Tân Phương có hơn 100 ha đất trồng quế

“Để vỏ quế đáp ứng yêu cầu tốt, người bóc phải cẩn thận với từng công đoạn như chọn hướng chặt cây đổ, lựa kích thước các đoạn để khoanh vỏ loại 1, đến quá trình tách bóc làm sao để vỏ ít bị nứt, rách, gãy tự do. Khi bóc, kích thước đoạn ống vỏ quế sẽ tùy theo yêu cầu của chủ nhà. Nếu vị trí khai thác thuận lợi, cây quế thân nhẵn, róc vỏ thì chỉ cần 10 - 15 phút là có thể bóc được khoảng 5kg vỏ” - chị Bàn Thị Vị, một trong những người có kinh nghiệm bóc vỏ quế ở xã Tân Phượng cho biết.

Người dân Tân Phượng không chỉ trồng quế mà đã tìm hiểu và học được cách chế biến quế thành các sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho gia đình. Những gia đình trồng, chế biến quế trong xã bây giờ không chỉ đủ ăn mà điều kiện chất lượng cuộc sống đã cải thiện tốt hơn trước.

Hiện nay, quế sau khi thu hoạch về, người dân không còn phải bán vỏ tươi luôn cho các thương lái như trước đây, mà sẽ sơ chế và phân loại vỏ theo chất lượng từ A, B, C đến hàng vụn. Những ống vỏ quế tốt nhất, trong quá trình khai thác không bị nứt, gãy vỏ, không bị quá mỏng… sẽ được làm thành quế ống sáo. Mặt hàng này chế biến tuy cầu kỳ, nhưng bán được giá cao, trên dưới 70.000 đồng/kg vỏ khô, tùy từng thời điểm.

Người dân xã Tân Phượng bóc, sơ chế vỏ quế

Người dân xã Tân Phượng bóc, sơ chế vỏ quế

Cây quế bắt đầu được bà con người Dao xã Tân Phượng, huyện Lục Yên đưa vào trồng từ khoảng năm 1993. Hiện xã có hơn 100 ha đất chuyên trồng quế. Cây quế cũng đã góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo trên địa bàn xã. Kết thúc năm 2024, dù là một xã vùng cao, giao thông không thuận lợi, đại đa số là bà con dân tộc Dao đỏ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống dưới 12%, thu nhập bình quân đạt 35 triệu đồng/người/năm.

Vỏ quế sau khi khai thác, thu mua về sẽ được bà con phân loại chất lượng theo mức A, B, C đến hàng vụn.

Ông Triệu Văn Nhơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: “Những năm gần đây, quế đã trở thành cây mũi nhọn của địa phương, các hộ dân đã trồng tập trung với diện tích lớn, có thu nhập cao. Xã cũng phối hợp với Kiểm lâm, Trung tâm hỗ trợ Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân quy trình canh tác, trồng tập trung cho có hiệu quả cao. Hàng năm xã cũng có kế hoạch cụ thể cho các thôn, sau đó các thôn sẽ triển khai đến người dân trồng vào những diện tích như đất sử dụng ổn định lâu năm, đất không có tranh chấp giữa các hộ dân”.

Với quy trình khai thác và sơ chế quế cẩn thận, công phu, người dân Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái đang từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế. Vụ quế mới này đã và đang lại mang đến cho người dân niềm vui, sự kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc.

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-dan-tan-phuong-nhon-nhip-vao-vu-que-moi-post1189041.vov