Người dân thả cá tiễn 'ông Công ông Táo'

Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người Việt lại thực hiện lễ thả cá chép tiễn 'ông Công ông Táo' lên trời.

Từ ngày 20 đến 22 tháng Chạp, ở các địa phương tại Thanh Hóa đã tập nập người mua, bán cá chép, chuẩn bị cho lễ “tiễn ông Táo chầu trời” theo tín ngưỡng dân gian.

Theo ghi nhận, giá bán lẻ cá “cúng ông Táo” năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, khoảng 200.000đ/1kg.

Cá chép vàng là loại cá phổ biến nhất dùng trong ngày tiễn ông Công ông Táo.

Sáng 25-1 ( tức ngày 23 tháng Chạp) ở những khu vực có ao hồ của TP Thanh Hóa, người dân đổ về thả cá tiễn ông Công, ông Táo khá đông.

Tại mỗi điểm thả cá, hầu hết đều có những panô nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường.

Một số điểm thả cá người dân, chính quyền địa phương còn làm “cầu trượt” cho cá chép lên trời ngày 23 tháng Chạp.

Theo kinh nghiệm, thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội sống. Bên cạnh đó, khi thả cá chép, không nên đứng thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ.

Không thả cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.

Người xưa quan niệm rằng, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của gia đình trong năm qua.

Tới đêm giao thừa, Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa. Bởi thế, cứ đến ngày ông Công ông Táo, trong mâm cúng của người Việt không thể thiếu cá chép.

Hoàng Đông

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-tha-ca-tien-ong-cong-ong-tao/152269.htm