Người dân Thái Nguyên tiếc nuối khi cây cầu treo 15 năm tuổi bị 'khai tử'
Cầu treo Đồng Liên (Thái Nguyên) đã đưa vào sử dụng gần 15 năm nay bất ngờ bị yêu cầu tháo dỡ vì dính nhiều sai phạm, khiến nhiều người dân địa phương tiếc nuối.
Ngày 30/5, nhiều người dân tập trung ở khu vực cầu Đồng Liên (xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) để phản đối việc cây cầu treo 15 năm tuổi bị rào lại, không được tiếp tục sử dụng để chuẩn bị tháo dỡ.
Ngày 24/5 vừa qua, Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên (chủ đầu tư) ra thông báo sẽ đóng cầu treo Đồng Liên, ngưng sử dụng từ ngày 30/5. Việc đóng cầu để phục vụ công tác khảo sát, lên phương án tháo dỡ cầu theo chỉ đạo của UBND TP Thái Nguyên.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Thái Nguyên chỉ ra rất nhiều sai phạm của Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên trong việc thi công cầu, điển hình như: Hạn chế, vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư, về xây dựng, đất đai, thu phí đường bộ… Nay buộc phải tháo dỡ công trình mắc nhiều sai phạm.
Về việc này, ông Vũ Đình Song, Giám đốc Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên cho rằng: "Các cấp lãnh đạo có cho phép làm thì công ty mới làm và đã hoạt động được nhiều năm. Bây giờ bảo sai phạm là không khách quan. Đề nghị cấp lãnh đạo cho tu sửa, kiểm định lại để cây cầu được đi lại bình thường".
Theo thông tin người dân chia sẻ, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người thường xuyên đi học, đi làm, đi viện và vận chuyển hàng hóa nông sản qua cây cầu dân sinh này. Phía bên kia cầu là các phường Hương Sơn, Tân Thành, Trung Thành, Tích Lương có nhiều trường Đại học, THPT, bệnh viện tỉnh và khu công nghiệp lớn.
Thường xuyên đi lại qua cầu, anh Nguyễn Văn Linh (xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên) cho hay: "Con em nhân dân xã Đồng Liên đi học các trường bên kia sông Cầu rất đông. Bây giờ chớm mùa thi đi lại càng nhiều, nếu đóng hẳn cầu thì rất bất tiện, các cháu phải đi vòng thêm 5-10km mỗi lượt để đến trường".
Chị Nguyễn Thị Huân (xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên) cũng chia sẻ khó khăn nếu không có cây cầu này. Chị bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương kéo dài thời gian cho người dân lưu thông đến khi có cầu mới.
"Nhà tôi có 6 người trong độ tuổi lao động đều làm công nhân ở các khu công nghiệp Điềm Thụy, Sông Công và trong TP Thái Nguyên. Nếu đóng cầu, chúng tôi phải đi vòng đến công ty mất 80km mỗi ngày và sẽ phát sinh tốn kém tiền xăng xe rất nhiều. Người dân tha thiết đề nghị chính quyền đừng vội vã tháo dỡ cầu treo. Xây xong cầu mới thì phá bỏ chưa muộn", chị Huân bày tỏ.
Cũng có nhiều người chia sẻ sự tiếc nuối khi cây cầu đang sử dụng bình thường phải phá dỡ vì sai phạm của nhà đầu tư.
"Trước đây người dân hiến đất làm cầu, làm đường cả tỉnh biết. Nay lại phải phá dỡ vì sai phạm. Tôi cứ thấy tiếc công trình còn sử dụng tốt mà đã dẹp bỏ, lãng phí lắm. Dân thì khổ không có đường đi", ông Đặng Văn Ngào (ở xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình) trăn trở.
Để đưa nguyện vọng của bà con đến các cấp chính quyền, trước đó, người dân các xã liên quan đã tập trung đến trụ sở tiếp công dân tỉnh Thái Nguyên kiến nghị không tháo dỡ cầu treo Đồng Liên.
Ngày 28/5, Phó chủ tịch UBND TP Thái Nguyên Phạm Đức Giang dẫn đầu đoàn cán bộ của chính quyền thành phố đến cơ sở đối thoại với Nhân dân về việc này.
Ông Giang khẳng định, việc Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên thực hiện tháo dỡ cầu treo Đồng Liên là đúng theo quy định pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh. Đây là công trình xây dựng không đảm bảo các quy định về quản lý chất lượng, không có căn cứ để khắc phục.
Tuy nhiên, đa số ý kiến của người dân tại buổi đối thoại không đồng tình về việc tháo dỡ cầu treo Đồng Liên.
Ngày 30/5, chính quyền và ngành chức năng của TP Thái Nguyên, xã Đồng Liên đã cử cán bộ chuyên môn đến giải thích, tuyên truyền, vận động người dân dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn đảm bảo an ninh trật tự địa phương.
Cầu treo Đồng Liên được khảo sát năm 2009 và được UBND tỉnh Thái Nguyên đồng ý chủ trương xây dựng cầu theo công văn 695, ngày 18/5/2009. Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên là chủ đầu tư xây dựng.
Cầu được đưa vào sử dụng từ ngày 1/1/2010 theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao.
Cầu có bề mặt cầu rộng 2,7m, chiều dài 156m. Đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, bề mặt rộng 4m.