Người dân Thủ đô 'đội rét' đi tảo mộ cuối năm
Cận Tết Nguyên đán 2025, dù thời tiết giá rét, nhiều người dân Hà Nội vẫn vượt cả trăm km lên nghĩa trang ở Hòa Bình để tảo mộ, mời gia tiên về đón năm mới.
Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn. Từ ngày 10 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) trở đi, người Việt ở khắp mọi nơi đều tới các nghĩa trang, phần mộ của ông bà tổ tiên để tảo mộ.
Vào ngày lễ này con cháu cùng nhau kéo về thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng cho tổ tiên mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an.
Theo ghi nhận của chúng tôi, bất chấp thời tiết giá lạnh, trong những ngày này tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên (TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã bắt đầu nô nức người dân tìm đến các khu mộ tổ tiên để thắp hương, cầu nguyện và trang trí phần mộ của người thân trong gia đình.
Mọi người cùng phát cỏ, dọn dẹp mộ phần, trang trí lại mộ phần cho tươm tất rồi mời ông bà, tổ tiên cùng về nhà đón tết cùng con cháu.
Ông Trần Văn Ty (ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, phần mộ của vợ ông nằm tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Năm nào khi cận Tết, ông cũng cùng con cháu đi tảo mộ, thắp cho vợ ông nén hương, mời bà về đón năm mới cùng gia đình. Cũng nhân dịp này, ông muốn nhắc nhở cho con cháu biết, đây là phần mộ của ai để mà tưởng nhớ.
Bà Hà Thị Chiến (ngụ quận Long Biên, Hà Nội) cùng người thân cũng di chuyển đến nghĩa trang này từ sáng sớm. Bà Chiến cho biết, gia đình bà có mộ phần 4 người thân lại đặt tại Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên.
“Mỗi năm, đại gia đình tôi sẽ lên mộ phần người thân khoảng 4 lần vào ngày cuối năm và các ngày giỗ. Dịp này cũng nhắc nhở con cháu luôn hướng về gia đình, cội nguồn dù bận “trăm công ngàn việc”, bà Chiến nói.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay, tảo mộ dịp cuối năm là một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Phong tục này không chỉ thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên mà còn là dịp để gia đình sum họp, cùng nhau ôn lại truyền thống và nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".