Người dân Thủ đô háo hức trải nghiệm tàu Cát Linh-Hà Đông

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai tại Việt Nam. Chính bởi vậy, việc chính thức đưa tuyến đường sắt này vào hoạt động đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân.

Hầu hết hành khách đều cảm thấy khá hài lòng khi di chuyển bằng tàu điện trên cao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hầu hết hành khách đều cảm thấy khá hài lòng khi di chuyển bằng tàu điện trên cao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhà ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội), nhưng từ sáng sớm, ông Vũ Tiến Bảo đã bắt xe buýt từ nhà đến ga Cát Linh (Đống Đa) để được trải nghiệm chuyến tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông.

Từng sinh sống và làm việc ở nước ngoài, ông Bảo chia sẻ, Hà Nội muốn giảm ùn tắc và ô nhiễm, tất yếu phải phát triển giao thông công cộng đường sắt đô thị.

“10 năm để có được đoàn tàu đô thị đầu tiên thực sự là sự chờ đợi quá lâu. Tôi mong muốn đoàn tàu này đưa vào vận hành sẽ phần nào giảm được ùn tắc của trục đường từ Quốc lộ 6, Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông) và đường Nguyễn Trãi”, ông Bảo chia sẻ.

Hành khách đi tàu để trải nghiệm và ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hành khách đi tàu để trải nghiệm và ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Là một trong những hành khách đầu tiên trải nghiệm tàu đường sắt tại Hà Nội, anh Phạm Công Long, nhà ở Cát Linh, Đống Đa cho biết: “Tôi thấy các thiết bị tại các ga tàu rất hiện đại, mỹ quan. Có thể thấy đây là phương tiện rất văn minh và thuận lợi cho người dân. Hy vọng người dân sẽ sử dụng nhiều hình thức giao thông này”.

Theo anh Linh, mức giá quy định của một chuyến di chuyển bằng phương tiện đường sắt đô thị trên cao là hoàn toàn hợp lý, bảo đảm chi phí vận hàng và chất lượng phục vụ cho người dân.

Có mặt tại ga Cát Linh từ sáng sớm và không quên thực hiện các biện pháp phòng dịch, bác Phùng Văn Bảng và Nguyễn Thị Sinh, cả 2 đã hơn 70 tuồi (Hà Đông, Hà Nội) hào hứng cho biết, chúng tôi chờ đợi rất lâu và hôm nay sẽ đi hết tuyến để tham quan và trải nghiệm hình thức giao thông này.

“Tôi thường hay sử dụng xe buýt để di chuyển nhưng giờ sẽ chuyển sang tàu điện vì lý do an toàn hơn, tránh tắc đường và đúng giờ”, bác Nguyễn Thị Sinh nói thêm.

Ông Phùng Văn Bảng chia sẻ: “Tôi đi tàu hỏa nhiều rồi nhưng chưa bao giờ được đi tàu điện trên cao, nên rất háo hức muốn trải nghiệm … Nếu thuận tiện và an toàn tôi sẽ khuyên những người thân trong gia đình đi tàu điện thay vì đi xe cá nhân để góp phần giảm ùn tắc giao thông”.

Chị Hoàng Thị Thu Trang đưa 2 con cùng đi trải nghiệm tuyến tàu Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: VGP

Chị Hoàng Thị Thu Trang đưa 2 con cùng đi trải nghiệm tuyến tàu Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: VGP

Gia đình chị Hoàng Thị Thu Trang đưa 2 con đi từ Phùng Khoang lên ga Cát Linh để trải nghiệm tàu metro Cát Linh - Hà Đông. Theo nhận xét của chị, quá trình tàu chạy rất êm, trên tàu sạch sẽ, mát mẻ. “Tôi khá ấn tượng về cơ sở vật chất của nhà ga, sạch sẽ và thoáng mát. Nhân viên nhà ga hướng dẫn người dân chu đáo. Các chuyến tàu bảo đảm được thời gian quy định giữa các điểm dừng. Tôi hy vọng rằng đất nước mình sẽ có nhiều mô hình vận tải như thế này”.

Sau thời gian dài chờ đợi thì đây là trải nghiệm thực tế khiến chị rất hài lòng. Thủ tục khai báo y tế, lấy vé và lên tàu cũng rất nhanh. Theo chị Trang, buổi hôm nay là chị đi trải nghiệm và bắt đầu sang tuần chị sẽ đi làm luôn bằng tàu điện. nhà chị đúng 2 điểm lên xuống là đến cơ quan, rất thuận tiện.

“Chỉ mong mọi người cùng có ý thức thực hiện phòng, chống dịch; giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bến tàu, trong toa để cùng được dịch vụ tốt nhất”, chị Trang vui vẻ nói.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ hoạt động liên tục từ 5h-22h hằng ngày. Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến.

Trong vòng 15 ngày đầu, Metro Hà Nội sẽ thực hiện miễn phí cho hành khách đi tàu, sau đó mới bán vé. Giá vé của tuyến được xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, giá vé chặng từ 8.000 đến 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, đi 1km cộng thêm 600 đồng. Giá vé ngày là 30.000 đồng, vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người, đối tượng ưu tiên 100.000 đồng/người.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, đi trên cao, với 12 nhà ga gồm: ga Cát Linh, ga La Thành, ga Thái Hà, ga Láng, ga Đại học Quốc gia, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân 3, ga bến xe Hà Đông, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và ga bến xe Yên Nghĩa.

Để có thể lên tàu trải nghiệm, hành khách lên tầng 2 của 12 ga trên dọc tuyến, lấy thẻ từ ở quầy vé để vận hành hệ thống kiểm soát, như mở cửa kiểm soát ra vào, cửa lên tàu, khai báo thông tin điện tử.

Diệu Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/nguoi-dan-thu-do-hao-huc-trai-nghiem-tau-cat-linhha-dong/452327.vgp