Người dân tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Lực lượng dân quân tự vệ phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) đi từng nhà hướng dẫn người dân đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên VNeID. Ảnh: K.Liễu

Lực lượng dân quân tự vệ phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa) đi từng nhà hướng dẫn người dân đóng góp ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên VNeID. Ảnh: K.Liễu

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được người dân trong tỉnh tham gia góp ý thông qua nhiều kênh khác nhau. Không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, nhiều ý kiến còn bày tỏ sự đồng thuận với những điểm đổi mới quan trọng trong dự thảo lần này.

Nhiều hình thức tham gia thuận tiện, thiết thực

Để tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, người dân trong tỉnh có góp ý trực tiếp ở ứng dụng VNeID trên điện thoại hoặc góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ; gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến.

Các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu tiến độ, tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, địa phương mình, chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học. Chính quyền địa phương các cấp tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thời gian lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 6-5-2025 và hoàn thành vào ngày 5-6-2025.

Hiện các xã, phường, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh đã và đang triển khai nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đến rộng rãi đến người dân. Tại trụ sở UBND các xã, phường trên toàn tỉnh, bản in dự thảo đã được niêm yết công khai. Các buổi họp tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ, họp các đoàn thể đều lồng ghép nội dung lấy ý kiến vào chương trình sinh hoạt.

Thông tin hướng dẫn cách tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được các trưởng nhóm Zalo của các tổ nhân dân ở khu phố 7 (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) đăng tải rất chi tiết. Bà Đặng Thị Kim Phụng, Bí thư Chi bộ khu phố 7, phường Thống Nhất, cho biết: “Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là nhiệm vụ chính trị - pháp lý hệ trọng không chỉ cần thiết mà còn là yêu cầu cấp bách của thực tiễn, để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng. Trên tinh thần đó, khu phố đã triển khai tuyên truyền vận động người dân tham gia tích cực đóng góp ý kiến”.

Công an tỉnh Đồng Nai hướng dẫn chi tiết các bước thực hiện góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID như sau:

Bước 1: Đăng nhập ứng dụng VNeID hoặc website https://vneid.gov.vn/ bằng tài khoản định danh điện tử mức 2 đang hoạt động.

Bước 2: Người dân thực hiện truy cập vào “Tiện ích lấy ý kiến người dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013” trên ứng dụng VNeID.

Bước 3: Chọn vào “Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023”.

Bước 4: Chọn “Đọc” để đọc nội dung các Điều sửa đổi, bổ sung và thực hiện góp ý. Người dân lựa chọn từng điều để đọc và góp ý. Trường hợp người dân thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung thì chọn “Tán thành”. Nếu người dân có ý kiến khác cần góp ý thì lựa chọn “Góp ý điều khác”.

Lưu ý: Sau khi hoàn tất việc góp ý, người dân cần nhập thông tin về chức vụ/học vị của cá nhân để hoàn tất việc gửi góp ý.

Người dân đồng thuận cao

Theo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục C06, Bộ Công an), tính đến ngày 14-5, ứng dụng VNeID tiếp nhận hơn 4,3 triệu ý kiến góp ý về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó có có 99,9% ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Riêng tại Đồng Nai, theo thống kê của Công an tỉnh tính đến ngày 16-5, toàn tỉnh đã thực hiện góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 qua VNeID được 20.559/1.824.300 trường hợp, đạt tỷ lệ 1,13%. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm đổi mới, sát thực tế, thể hiện tinh thần dân chủ, pháp quyền và phát triển bền vững. Nhiều người dân Đồng Nai bày tỏ sự đồng tình cao với những nội dung trọng tâm của dự thảo này.

“Hiến pháp là nền tảng của luật pháp và của sự phát triển bền vững. Tôi thấy rất mừng vì người dân như chúng tôi được lắng nghe ý kiến. Tôi đã góp ý tán thành nội dung dự thảo vì thấy rằng, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước” - ông Trần Văn Lâm (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Tìm hiểu về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, bà Nguyễn Thị Bích Huyền (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) nhận xét, dự thảo này có các quy định giúp xây dựng bộ máy hiệu quả, phục vụ dân tốt hơn.

“Dự thảo nêu đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (không quy định chi tiết tên gọi từng cấp như Hiến pháp năm 2013). Như vậy sẽ tạo thuận lợi, linh hoạt, chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện, tránh thủ tục hành chính rườm rà” - bà Huyền dẫn chứng.

Việc góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là cơ hội để người dân Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung thể hiện tiếng nói của mình trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, mỗi ý kiến dù nhỏ cũng góp phần làm nên một bản Hiến pháp hoàn thiện, dân chủ và hợp lòng dân.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202505/nguoi-dan-tich-cuc-tham-gia-gop-y-sua-doi-hien-phap-nam-2013-8a63272/