Người dân TP.HCM mong muốn điều gì trong năm mới?

Trong năm mới Nhâm Dần 2022, nhiều người dân TP.HCM mong muốn dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường như vốn có.

Đó là chia sẻ của nhiều người dân TP.HCM khi được hỏi về mong ước điều gì trong năm mới, sau khi trải qua một năm sóng gió vì đại dịch COVID-19.

BS Trương Nhựt Cường

BS Trương Nhựt Cường là một trong những người trực tiếp tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 số 6. Chứng kiến người tử vong nhiều và quá nhanh khiến tâm lý bị ảnh hưởng, nhiều đêm BS Cường thức trắng "chỉ mong sao cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt".

BS Cường tranh thủ giờ nghỉ ngơi ít ỏi nói chuyện với người nhà thời điểm chống dịch căng thẳng.

BS Cường tranh thủ giờ nghỉ ngơi ít ỏi nói chuyện với người nhà thời điểm chống dịch căng thẳng.

Khi tham gia phòng, chống dịch, có người hỏi chúng tôi có sợ không? BS Cường khẳng định nếu câu trả lời là không tức là đang nói dối. Bởi phía sau, ai cũng có gia đình, cuộc sống và cả tương lai.

"Chúng tôi luôn mong muốn rằng, những người đã vượt qua đại dịch hãy tiếp tục sống và cống hiến thật xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của nhân dân và lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch", BS Cường nói.

Anh Huỳnh Bảo Long (ngụ quận 8) có chị gái mất vì COVID-19

Chị gái ra đi để lại ba đứa nhỏ khiến tôi rất đau lòng. Năm qua, tôi đã cố gắng rất nhiều để làm chỗ dựa tinh thần cho ba cháu. Ba đứa nhỏ thật ra là con của em gái tôi (đã mất vì ung thư trước đó, chồng bỏ đi không lo cho con), chị gái tôi mới đem ba đứa về nuôi mà không ngờ COVID-19 ập tới "cướp chị ấy" hồi tháng 8/2021. Ba đứa nhỏ tưởng chừng có người mẹ thứ hai chăm sóc, nào ngờ lại mồ côi mẹ thêm lần nữa, mất mát quá lớn đối với các cháu.

Giờ bốn cậu cháu dựa vào nhau mà sống, đứa lớn lớp 11, đứa thứ hai lớp 8 và đứa nhỏ nhất lớp 3. Hiện tại tôi vẫn đi làm và lo cho các cháu được, không đến nỗi quá khó khăn, nhưng không biết tương lai ra sao, sợ sức khỏe không đảm bảo thì các cháu không có ai lo...

Đại dịch ở thành phố, nhiều người mất người thân, không chỉ riêng gia đình tôi, bản thân tôi còn khỏe mạnh là tôi nghĩ mình còn may mắn. Vì thế dù có buồn tôi cũng phải cố gắng vì ba đứa nhỏ. Mong năm mới đến, dịch COVID-19 sẽ hết, mọi người trở về cuộc sống bình thường như trước đây.

"Người người, nhà nhà vui chơi Tết nhưng không quên 5K, gìn giữ thành quả chống dịch cả thành phố đã làm được, để xứng với những hy sinh của y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu trong chống dịch và không còn cảnh ly tán, mất mát như năm cũ", anh Long nhắn nhủ.

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp)

Năm 2021, dịch bệnh khó khăn, quá trình dạy học trực tiếp bị gián đoạn làm giáo viên phải dạy trực tuyến gây nhiều áp lực, mệt mỏi mà hiệu quả lại không cao. Điều này cũng làm cho tâm lý giáo viên không ổn định, ba mẹ học sinh không an tâm đi làm khi con học online. Bên cạnh đó, học sinh khi học trực tuyến quá lâu đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ, sức khỏe tâm thần và cả tâm lý.

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp).

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp).

"Tôi chỉ mong dịch được kiểm soát thật tốt trong năm mới 2022, tìm ra thuốc có hiệu quả mạnh mẽ và tốt hơn nữa để chữa khỏi COVID-19. Có như vậy, mới giảm đi sự mất mát như năm qua. Quan trọng hơn là trường học không bị đóng cửa, học sinh an tâm đi học trực tiếp trở lại như trước để các em được phát triển toàn diện hơn", cô Đẹp nói.

Giang Thị Mộng Như, sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM

Với Như, nhìn lại một năm dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cảm xúc đọng lại nhiều nhất chính là sự nuối tiếc. Nuối tiếc lớn nhất chính là khi phải chứng kiến những mất mát, tổn thất nặng nề của người dân Sài Gòn, nơi mình sinh ra và lớn lên, lại không thể giúp ích gì để giảm bớt đi được sự khó khăn ấy.

Nuối tiếc vì một khoảng thời gian dài học trực tuyến, những hoạt động cộng đồng của các CLB/Đội/Nhóm ở trường đều phải gác lại, rất nhiều những chương trình truyền thống hằng năm mà em và tất cả mọi người đều rất mong chờ đều phải hoãn và hủy vì dịch diễn biến phức tạp.

Giang Thị Mộng Như, sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Giang Thị Mộng Như, sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM.

Nuối tiếc vì những dự định và mục tiêu riêng của bản thân cũng phải nhường chỗ những ngày dài “ai ở đâu ở yên đó” để mong cho Sài Gòn mau qua “cơn bạo bệnh”. Nhưng sau tất cả, những nuối tiếc này đều rất xứng đáng, xứng đáng vì được một lần nữa đổi lấy sự bình yên của người dân thành phố, nơi mà có gần 9 triệu người dân luôn dõi theo từng hơi thở và yêu thương hết mực Sài Gòn.

"Như mong muốn năm mới, tất cả trường học được mở cửa để tất cả sinh viên được đi học lại, lên giảng đường, gặp thầy cô, bạn bè sau những ngày xa cách", Như nói.

Anh Nguyễn Xuân Thu, làm nghề buôn bán tại quận 7

Sinh sống và làm việc tại TP.HCM từ năm 2018, chưa bao giờ tôi rơi vào tình trạng khó khăn như năm qua khi cả tôi và vợ làm công nhân phải nghỉ việc kéo dài do dịch COVID-19. Nhưng bù lại “trong cái rủi lại có cái may”, khi Khu chế xuất tạm thời đóng cửa, giữa lúc thất nghiệp, thành phố giãn cách xã hội đi lại khó khăn, tôi chuyển hướng kinh doanh và bước đầu đã có chút thành công.

Năm 2021, dịch bệnh căng thẳng, nhưng tôi lại có được chút may mắn trong công việc khi cửa hàng giò chả nhỏ được nhiều người biết tới mua ủng hộ. Đáng nhớ nhất là thời điểm khó khăn nhất, vợ chồng tôi quyết định bỏ công việc nhà máy, kinh doanh giò chả Ước Lễ - món ăn nổi tiếng của quê tôi (làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Qua việc buôn bán, tôi không chỉ đủ trang trải cho gia đình mùa dịch, mà còn có thể góp chút sức nhỏ cho từ thiện, giúp những người khó khăn trong đợt dịch vừa qua ở thành phố.

"Năm 2022, tôi sẽ mở rộng kinh doanh riêng, đồng thời giúp được ai thì giúp bởi tôi rất hiểu trải qua lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ập tới mất việc, thất nghiệp nó rất “khủng khiếp”. Tôi mong muốn trong năm mới, dịch COVID-19 sẽ biến mất hoặc nếu còn chỉ nhẹ thôi, như cảm cúm ấy vì nó đã khiến thành phố này quá mất mát, đau thương rồi", anh Thu chia sẻ mong muốn trong năm mới.

MAI CÁT(thực hiện)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-dan-tp-hcm-mong-muon-dieu-gi-trong-nam-moi-ar659104.html