Người dân TP.HCM mong sớm thực hiện các dự án cải tạo kênh rạch
Một trong những vấn đề cốt lõi để việc di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch thực hiện có hiệu quả là làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong từng dự án.
LTS: Mới đây, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các cấp lập đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch để trình UBND TP, Thành ủy, HĐND xem xét trong quý I-2025. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhằm giải quyết đồng thời nhiều vấn đề bức xúc của TP.HCM như giảm ô nhiễm môi trường; khơi thông dòng chảy sông, kênh rạch để giảm ngập nước; chỉnh trang, cải tạo đô thị và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Việc di dời, giải tỏa nhà trên và ven sông, kênh rạch để thực hiện cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là với một đô thị lớn như TP.HCM. Tuy nhiên, những điểm nghẽn về tài chính, cụ thể là bồi thường, tái định cư (TĐC) khiến kế hoạch di dời của TP.HCM chưa thể thực hiện được sau nhiều năm.
Người dân mong mỏi từng ngày
Vào những ngày đầu tháng 11-2024, chúng tôi tìm đến rạch Cầu Bông (ngay chân cầu Bông, nơi dự án rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh đi qua). Đập vào mắt chúng tôi là những dãy nhà lụp xụp, xiêu vẹo được dựng tạm bợ trên những chiếc cọc chênh vênh hai bên mép bờ kênh. Dưới lòng kênh, dòng nước đen ngòm, nhiều túi nylon, rác thải sinh hoạt trôi theo dòng nước.
Bà NTN, ngụ hẻm 27 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, cho biết tình trạng ô nhiễm ở con kênh này trở nên nghiêm trọng hơn những năm gần đây. Nguyên nhân là do sự gia tăng dân số, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn hạn chế.
“Chúng tôi mong dự án cải tạo con rạch sớm được thực hiện để chúng tôi chuyển đến nơi khác có môi trường sống tốt hơn. Tình trạng ô nhiễm ở đây ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô nước rút, nước rạch đen kịt, lòng rạch đầy rác thải, bốc mùi hôi nồng nặc. Mùa mưa thì nước lại tràn bờ, rác thải trôi lềnh bềnh khắp nơi. Sống ở đây có những lúc đeo cả mấy lớp khẩu trang vẫn ngửi thấy mùi hôi. Thỉnh thoảng tại khu vực có đơn vị vớt rác nhưng được vài hôm rác từ đâu lại trôi về đầy rạch” - bà N than thở.
Tương tự, anh TT, ngụ hẻm 51 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, nói: “Chúng tôi nghe tin sẽ triển khai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã lâu nhưng vẫn chưa thấy thực hiện nên sốt ruột lắm. Những ngôi nhà trong xóm ngày càng xuống cấp, có căn đã đổ sụp, muốn sửa chữa lại cũng khó. Chúng tôi mong dự án sớm thực hiện để người dân được định cư ở nơi mới, sạch sẽ, khang trang hơn”.
Tại quận 8, chị Đặng Thị Thanh Thúy (sống ven kênh Đôi, đường Hoài Thanh, quận 8) cũng rất mong muốn dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi sớm được thực hiện để người dân an cư lạc nghiệp.
“Người dân sống ven kênh Đôi đa phần là những hộ khó khăn, nhà tôi có đến 14 người sinh sống, mưu sinh chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ qua ngày. Ngoài việc ô nhiễm thì tình hình an ninh nơi đây cũng không tốt. Có lần trộm đột nhập vào nhà bằng đường kênh, lấy đi nhiều tài sản của gia đình tôi. Chúng tôi cũng được nghe nhiều thông tin về dự án di dời cải tại kênh Đôi thời gian qua, rất mong dự án sớm được thực hiện, Nhà nước có phương án bồi thường phù hợp để người dân sớm ổn định cuộc sống” - chị Thúy nói.
Kinh nghiệm từ dự án lớn
Thời gian qua, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều dự án cải tạo kênh rạch, trong đó có thể kể đến là dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi; dự án cải tạo kênh Hàng Bàng...
Để việc di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch đạt hiệu quả cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ phương án bồi thường đến TĐC cho người dân. Nguyên tắc sau khi thu hồi đất là người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Do đó, khi thu hồi đất cần tính toán đến việc TĐC tại chỗ cho người dân, đồng thời cần tính toán đến vấn đề việc làm, tạo kế sinh nhai cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án.
GS-TS LÊ THANH HẢI, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên
(ĐH Quốc gia TP.HCM)
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, lãnh đạo UBND quận 12 cho biết việc di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch là chủ trương đúng đắn, hợp lý. Đa số những gia đình ở trên, ven sông, kênh rạch là những hộ khó khăn, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nếu có phương án di dời phù hợp thì người dân sẽ đồng thuận, ủng hộ chủ trương chung của TP và sớm bàn giao mặt bằng.
Theo lãnh đạo UBND quận 12, với dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, khi thực hiện GPMB, quận cũng đã gặp một số khó khăn vì đa số những hộ dân sống ở khu vực này không có giấy tờ nhà. Vì vậy, chính quyền địa phương phải hiểu rõ địa bàn, tình hình từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, tình cảm và vấn đề kinh tế của người dân.
“Ngoài ra, khi triển khai việc thu hồi, địa phương phải nắm chắc hồ sơ pháp lý của từng trường hợp. Đối với người dân không có giấy tờ nhà phải xét quá trình sinh sống, trên cơ sở đó đề xuất và vận động cho đúng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng là công tác cần được quan tâm. Trong suốt quá trình thực hiện, quận 12 đã nhận được sự hỗ trợ của Ban Dân vận, đi sâu, nắm bắt, tuyên truyền, thuyết phục người dân. Điều quan trọng hơn là phải lắng nghe nguyện vọng của người dân, hạn chế tối đa phản ứng” - lãnh đạo UBND quận 12 chia sẻ.
Tương tự, để hoàn tất công tác thu hồi đất, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cải tạo kênh Hàng Bàng, lãnh đạo UBND quận 5 chia sẻ quận đã chỉ đạo Ban bồi thường GPMB phối hợp với các phòng ban chuyên môn và sở, ngành TP xem xét, đánh giá pháp lý đối với từng trường hợp thu hồi đất. Đồng thời thường xuyên tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ các hộ dân để ghi nhận, củng cố đầy đủ các yếu tố pháp lý cần thiết. Từ đó xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC đúng với quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, với phương châm bảo vệ quyền lợi cao nhất của người dân trong việc bồi thường, hỗ trợ.
Không chỉ hai dự án trên, các dự án khác như dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm và dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi cũng đang được tiến hành khẩn trương thực hiện các thủ tục để hoàn thành bàn giao mặt bằng.
Theo UBND quận Bình Thạnh, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh có 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng. Mặc dù khối lượng GPMB rất lớn nhưng phía quận Bình Thạnh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Với dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 8, thông tin từ ngày 25-11 đến 25-1-2025 sẽ có 60 ngày hiệp thương phương án bồi thường chi tiết của từng hộ dân. Hiện quận 8 đã thành lập nhiều tổ công tác để tiếp xúc, vận động người dân đồng ý phương án di dời. Sau ngày 25-1-2025, quận sẽ tổ chức chi trả, bố trí TĐC, thu hồi đất của dự án này theo quy định.
TS PHẠM TRẦN HẢI, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM
Ba vấn đề cần giải quyết và hai cơ chế khả thi
Để thực hiện tốt công tác di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch ở TP.HCM phải giải quyết nhiều vấn đề.
Thứ nhất, cần phải có dữ liệu cập nhật, đầy đủ và chính xác về số căn nhà trên và ven sông, kênh rạch phải di dời. Từ đó, tiến hành phân tích, đánh giá cụ thể nhằm mục đích chuẩn bị quỹ nhà ở TĐC, nhà ở xã hội, nhà ở tạm cư với số lượng và tỉ lệ phù hợp để bố trí cho người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, chuẩn bị hỗ trợ về tài chính, ổn định đời sống, ổn định sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng để có các chính sách phù hợp, tránh gây căng thẳng, bức xúc cho người dân khi thực hiện công tác GPMB.
Thứ hai, cần bảo đảm kinh phí cho việc GPMB và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội.
Thứ ba, bảo đảm sự đồng thuận từ người dân địa phương để chương trình di dời nhà trên và ven sông, kênh rạch được triển khai nhanh chóng và thuận lợi. Cần có chính sách hài hòa để tất cả thành phần xã hội (người dân trong khu vực phải di dời và người dân ở lân cận khu vực phải di dời) đều hưởng lợi từ chương trình.
Để giải quyết vấn đề thứ nhất, cần có một cuộc điều tra xã hội học với quy mô lớn. Cuộc điều tra xã hội học được tiến hành một cách khoa học và khẩn trương, dựa trên nền tảng dữ liệu địa chính, nhà ở và dân cư của các địa phương.
Để giải quyết vấn đề thứ hai và thứ ba, cần có các cơ chế điều tiết lợi ích từ các thành phần hưởng lợi (điều tiết giá trị gia tăng từ đất) để thu hồi chi phí thực hiện chương trình và bồi thường thỏa đáng cho các thành phần chịu thiệt (bị thu hồi đất) khi thực hiện.
Hai cơ chế sau đây được xem là khả thi nhất trong điều kiện thực tiễn của TP.HCM.
Một là cơ chế mở rộng biên chỉnh trang: Thu hồi đất vượt khỏi ranh giới hành lang trên bờ sông, kênh rạch. Quỹ đất ngoài hành lang trên bờ sông, kênh rạch sẽ được sử dụng cho các công trình hạ tầng xã hội và bán đấu giá để thu hồi kinh phí thực hiện.
Hai làcơ chế điều chỉnh đất: Người dân đồng thuận góp các lô đất hiện hữu của mình để thực hiện cải tạo, tái thiết một khu vực đô thị nhất định và nhận lại thành phẩm là lô đất trong khu vực đô thị trên sau khi cải tạo, tái thiết. Lô đất nhận lại có diện tích nhỏ hơn nhưng thường có giá trị cao hơn.