Người dân TPHCM lúng túng khi dùng phiếu đi chợ
Siêu thị gần nhà hết thực phẩm cần thiết, siêu thị bên đường còn hàng nhưng khác quận làm cho người cầm phiếu đi chợ chẳng thể vào mua sắm.
Dù đã phát phiếu đi chợ theo ngày chẵn lẻ, quy định khung giờ... nhưng lượng khách đổ về siêu thị rất đông
Trưa ngày 1/8, chị Thùy Dương (ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM) đến siêu thị Co.op Food gần nhà mua thực phẩm. Tuy nhiên, từ khi Vissan phát hiện có nhiều ca mắc COVID-19 trong công ty thì đã ngưng cung cấp thịt heo cho nhiều hệ thống siêu thị, nhiều ngày qua, Coop Food An Lạc đã không có thịt để bán.
“Do cần mua thịt, tôi cầm phiếu đi chợ đến cửa hàng San Hà gần đó nhưng thịt đã hết từ sớm. Tôi đem phiếu đến Bách Hóa Xanh ngoài đầu đường nhưng lại thuộc P.16, Q.8, trong khi phiếu của tôi là P.An Lạc nên tôi không thể vào mua sắm. Thật không biết làm thế nào”.
Chị Tâm (30 tuổi, lao động tự do) cho biết: “Nhà trọ của tôi 3 phòng mới được phát chung một phiếu đi chợ 1 lần/tuần. Không biết ai đi ai không. Là lao động thất nghiệp, tiền không có nên chúng tôi không dám mua hàng ở siêu thị. Chợ tự phát đã dẹp từ lâu nên cuộc sống cáng thêm khó khăn”.
Mấy ngày nay, khách mua hàng tại siêu thị MM Mega Market An Phú (P.An Phú, TP Thủ Đức) phản ánh, cửa hàng hết nhiều mặt hàng thịt heo từ khá sớm. “Lúc 14 giờ ngày 29/7, tôi đem phiếu đi chợ đến mua thực phẩm tại MM Mega Market An Phú. Khi đến quầy thịt heo, tôi bất ngờ khi không còn một vỉ thịt nào. Nhiều khách hàng đến sau cũng đành lướt qua vì không còn thịt để mua” – anh T. (khách hàng) cho biết.
Tại chợ Bình Thới (Q.11, TPHCM), từ khi đơn vị này tạm ngưng hoạt động cho COVID-19, mỗi ngày thường có xe bán hàng lưu động đến trước chợ để phục vụ người dân. Tuy nhiên muốn vào, khách hàng không chỉ trình thẻ đi chợ mà thẻ còn phải đúng phường, đúng ngày mới được “thông chốt”.
“Tôi mới dọn về quận 11 nên không rành về các chợ, siêu thị trên địa bàn. Bình thường tôi vẫn đến chợ Bình Thới mua thức ăn. Ngày 27/7, tổ trưởng đưa tôi phiếu đi chợ và dặn cứ cầm theo sẽ được mua hàng.
Tuy nhiên, khi tôi trình giấy cho người giữ chốt trước chợ Bình Thới thì họ cho biết chỉ có người phường 10 mới được vào, còn tôi phường 9 thì đến phường 9 để mua. Thật sự nơi gần thì mình không được vào, còn chợ ở phường 9 ở đâu thì… không biết.
Chị Linh (ngụ Q.3, TPHCM) cũng chật vật khi chạy lòng vòng 5-7 nơi cũng chưa được vào mua sắm. Buổi sáng chị đã có mặt tại Co.op Mart Nhiêu Lộc đã thấy dòng người dài xếp hàng cả trăm mét. Nhắm không chờ nổi, chị vòng qua Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu, sau gần 30 phút xếp hàng, chị trình phiếu đi chợ nhưng nhân viên siêu thị giải thích, phường Võ Thị Sáu đi vào ngày chẵn, trong khi hôm nay 1/8 là ngày lẻ.
Ngán ngẩm, chị tìm được một cửa hàng Bách Hóa Xanh, sau khi được vào mua sắm thì không còn rau, thịt nhưng mong muốn…
“Trong siêu thị còn ít củ quả, một ít hải sản… mình gom đại vì không còn sự lựa chọn nào khác vì các chợ trên địa bàn quận đều đã ngừng hoạt động, trong khi siêu thị nào cũng chật kín khách. Còn chờ ngày chẵn trúng vào lúc đi làm thì sao đi mua hàng?” – chị Linh than thở.
Theo tìm hiểu, đa số các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đều có khá đông khách hàng xếp hàng. Nhiều mặt hàng thịt, rau hết hàng từ rất sớm.
Theo MM Mega Market Việt Nam, dù khách đến mua sắm đều có phiếu đi chợ nhưng lượng khách vẫn rất đông. Khách hàng cũng tranh thủ mua nhiều thực phẩm đã khiến nhiều mặt hàng thiếu cục bộ.
Cũng theo hệ thống này, mặc dù có quy định đóng cửa lúc 17h30 nhưng từ 15h30, siêu thị này đã phải tạm ngưng tiếp nhận khách.
Theo Sở Công Thương TPHCM, việc triển khai phiếu/thẻ ra vào chợ tại các quận, huyện không đồng bộ theo từng địa bàn; chưa có cơ chế kiểm tra việc thực hiện và chưa bảo đảm khống chế lượng khách ra – vào điểm bán phù hợp; một số nơi còn tình trạng tập trung đông người và phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh.
Các hệ thống bán lẻ cũng cho biết hiện nay có những bất cập trong phân chia khu vực, thời gian đi mua sắm cho người dân. Cụ thể, có nơi cấp phiếu đi mua hàng theo khung giờ, ngày chẵn lẻ và chỉ được mua trên địa bàn phường đang cư trú; nhưng cũng có nơi mở rộng phạm vi địa lý, người dân mua sắm tại các điểm bán trong quận.
Sở Công Thương TPHCM đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận huyện, các đơn vị quản lý điểm bán trên địa bàn rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thiết bị thực hiện tại khu vực. Chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, chợ truyền thống.
Từ đó, đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ sung tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của dân trên địa bàn sao cho phù hợp, thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm.
Lập chợ dã chiến
Huyện Củ Chi (TPHCM) hiện có 3 chợ dã chiến tại xã Phước Vĩnh An, xã Hòa Phú và xã Nhuận Đức. Tùy theo điều kiện tại địa phương mà chính quyền xác định địa điểm họp chợ nhưng đều là những địa điểm rộng, thoáng, đảm bảo giãn cách.
Tại 3 chợ này, từ 6 giờ sáng, các tiểu thương vận chuyển hàng hóa, thực phẩm và bày ra bán. Mỗi chợ có trung bình 11 sạp hàng được bố trí cách nhau 5m với đầy đủ thịt, cá, rau củ quả. Tiểu thương được chính quyền xã miễn phí toàn bộ chi phí thuê sạp, đồng thời được xét nghiệm COVID-19 trong thời gian bán hàng phục vụ người dân. Người dân mỗi ấp được xã phát phiếu đi chợ, mua sắm trong khung giờ từ 6 giờ đến 11 giờ, từ thứ 2 đến thứ 7.