Người dân về quê đón Tết sớm
Mặc dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay, nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu di chuyển về quê sớm ăn Tết.
Ngày 12/1, đang mua vé ở bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) để đi về thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), chị Nguyễn Kim Anh (37 tuổi) cho biết, chị quyết định về sớm để tránh ùn tắc những ngày cuối năm. “Tôi thu xếp công việc để về quê trước, chồng tôi phải đến sát Tết mới về được. Giá vé hôm nay không khác so với ngày thường là mấy. Tôi không đặt trước nhưng lên bến vẫn mua được vé” - chị Kim Anh chia sẻ.
Theo ghi nhận, tại bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), ngày 12/1 có nhiều khách mua vé hơn bình thường. Hầu hết các quầy bán vé đều có khách, trong đó các tuyến từ TPHCM đi Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam là đông nhất.
Đại diện bến xe miền Đông cho biết, trung bình có khoảng 2.500 đến 3.000 hành khách di chuyển qua bến, tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, cao điểm sẽ tập trung vào 4 ngày tới (từ 25 tới 29 Tết) với khoảng gần 15.000 lượt khách mỗi ngày.
Tương tự tại bến xe miền Tây, lượng hành khách cũng bắt đầu tăng khi nhiều người có nhu cầu về quê sớm. “Thu xếp công việc cuối năm cũng ổn nên tôi quyết định đưa cả nhà về quê ăn Tết sớm. Tôi mua 4 vé xe khách giường nằm đi về Cà Mau, giá cũng chỉ hơn 200 nghìn đồng mỗi vé, không cao hơn ngày thường bao nhiêu. Mấy năm trước tôi về sát Tết rất đông, năm nay mình về sớm để có thêm thời gian bên gia đình” - anh Nguyễn Văn Dũng trú tại quận 8 chia sẻ.
Được biết, việc di chuyển về quê thời điểm này được cho là khá sớm khi nhiều doanh nghiệp, công ty và các cơ quan nhà nước có lịch làm việc sang tuần tới mới bắt đầu nghỉ Tết.
Theo ông Thái Văn Truyền - Giám đốc Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện nay vé tàu từ TPHCM đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc vẫn còn khá nhiều, khoảng 7.000 vé. Tuy nhiên những vé này chủ yếu là ở thời gian không thuận lợi, gồm khung giờ xuất phát ngày 29,30 Tết. Hành khách sẽ phải đón năm mới Quý Mão 2023 trên tàu nếu mua những vé ở khung thời gian trên.
Trước đó, đường sắt là đơn vị bán vé tàu tết khá sớm cho hành khách có nhu cầu di chuyển từ TPHCM về quê. Sau nhiều lần tăng cường thêm các chuyến tàu vì nhu cầu hành khách tăng cao, dịp Tết năm 2023, đơn vị này vận chuyển khoảng 200 nghìn lượt hành khách trong thời gian cao điểm Tết (gồm 10 ngày trước và 15 ngày sau Tết). Đây là số lượng rất lớn so với 2 năm trước, tuy nhiên so với thời điểm chưa có dịch Covid-19, lượng hành khách vẫn chỉ bằng khoảng 70%.
Theo một số nhà xe, hiếm năm nào lượng hành khách tăng cao và mua vé sớm như năm nay. Mới giữa tháng 12, hàng nghìn vé xe Tết tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Trung đã được đặt mua. Số lượng khách đi tập trung đông sau ngày 20 tháng Chạp. Về giá vé dịp Tết cũng chỉ tăng từ 40 đến 50% so với ngày thường.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM) cho biết, thời gian một tháng trước và sau Tết, tình hình xe khách ở TPHCM khá nóng với nhu cầu di chuyển tăng cao. Hiện thành phố đang trong giai đoạn chuyển giao giữa bến xe miền Đông mới và cũ nên xảy ra tình trạng nhiều nhà xe không vào bến. Các nhà xe này bán vé thông qua mạng xã hội, đón trả khách tại nhiều khu vực khác nhau. Mặc dù được quảng cáo nhiều nhưng đã xảy ra tình trạng hành khách sau khi mua vé bị chèn ép, không có chỗ ngồi ưng ý, bị lấy thêm phụ phí.... Vì vậy, để tránh bị thiệt hại, hành khách có nhu cầu di chuyển nên mua vé tại các bến xe, các nhà xe có đăng ký hoạt động để cơ quan chức năng có thể can thiệp, giúp đỡ.
Ngoài ra ông Hải cũng thông tin kế hoạch các phương tiện phục vụ Tết. Theo đó, lượng phương tiện sẽ tăng khoảng 70-80% so với ngày thường trong khi giá vé tăng dao động ở mức từ 40-60% so với ngày thường, tùy từng tuyến, chặng cụ thể.
Tại Hà Nội, các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, lượng khách bình quân tăng khoảng 200% so với ngày thường, ngày cao điểm tăng khoảng 300%. Tổng số xe dự kiến cho 3 bến xe (Mỹ Ðình, Gia Lâm, Giáp Bát) dịp Tết Nguyên đán gần 2.500 lượt xe/ngày. Do lượng khách tăng nên những ngày này, xung quanh các Bến xe, các xe khách chạy chậm đón khách bên đường gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đình Quyền - Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, Thanh tra Sở liên tục phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông, Ban Quản lý các bến xe kiểm tra, xử lý các xe khách tuyến cố định dừng, đỗ đón, trả khách ngoài khu vực bến xe. Trong đó, tập trung tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Ðào Việt Long, thành phố đã ban hành kế hoạch vận tải hành khách dịp Tết và giao các đơn vị trung thực hiện, có kế hoạch bố trí xe dự phòng nhằm bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân. Cơ quan quản lý đã yêu cầu các nhà xe phải niêm yết giá cước trên xe theo đúng quy định, không tùy tiện tăng giá cước, phụ thu khi chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Các bến xe phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị vận tải kịp thời bán vé khi lượng khách tăng đột biến, không để hành khách phải xếp hàng chờ đợi lâu.
Số ngày nghỉ Tết Nguyên Đán năm nay kéo dài 7 ngày, từ ngày 21-26/1/2023 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão). Lượng khách về quê tại các bến xe dự báo tăng cao. Trong đó, lượng hành khách tập trung cao điểm vào 3 đợt. Đợt cao điểm trước lễ Ông Công Ông Táo từ ngày 20-23 tháng Chạp (ngày 11-14/1/2023) phục vụ chủ yếu là các đối tượng sinh viên, học sinh, người lao động tự do được nghỉ sớm về quê. Đợt cao điểm giáp Tết từ ngày 26-29 tháng Chạp (ngày 17-20/1/2023) đón lượng khách về quê ăn Tết. Đợt cao điểm sau Tết, từ ngày 5-8 tháng Giêng (26-29/1/2023) đón lượng khách trở về Hà Nội và lượng khách đi trở lại tại các tỉnh để làm việc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-dan-ve-que-don-tet-som-5707513.html