Tết Thanh minh năm nay bắt đầu từ ngày 4/4 (ngày 26/2 Ân lịch) kéo dài đến ngày 20 - 21/4 (ngày 13/3 Âm lịch, thời điểm bắt đầu tiết Cốc vũ).
Vào dịp Tết Thanh minh, nhiều người dù ở xa xôi, bận nhiều công việc cũng luôn cố gắng sắp xếp để về tảo mộ để thắp nén hương thành kính dâng lên ông bà, tổ tiên.
Ghi nhận của PV, chiều 7/4, tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình), nhiều gia đình chuẩn bị lễ vật, đến viếng mộ phần người thân. Tại đây, các phần mộ được sửa soạn, dọn dẹp sạch sẽ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Mai (66 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chồng bà đã mất gần 2 năm, nhưng bà chưa thể nguôi ngoai nỗi đau. “Hai vợ chồng tôi là bạn từ thời phổ thông, chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 40 năm. Khi anh ấy ra đi, tôi như mất một nửa cuộc đời”, bà Mai nói.
Bà Mai cho biết, dù khoảng cách từ nhà đến mộ chồng ở công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên rất xa, nhưng cuối tuần nào bà cũng lên đây để "tâm sự" với chồng. “Tôi không hóa vàng trên phần mộ của chồng mình, thay vào đó tôi hóa nhật ký mà tôi viết cho chồng mỗi ngày. Dịp Tết Thanh minh cũng vậy, thay vì đốt vàng mã, tôi sẽ đốt những trang nhật ký, hy vọng anh ấy sẽ nhận được", bà Mai chia sẻ.
"Chồng tôi là người sống rất tinh tế và tình cảm. Chính vì thế, có chuyện vui, buồn cả hai đều chia sẻ cho nhau. Mỗi lần viết vào nhật ký, tôi như được trò chuyện với chồng, lúc đó tôi lại vơi đi nỗi nhớ”, bà Mai nói thêm.
Cũng như nhiều gia đình khác, chiều nay gia đình cụ Nguyễn Xuân Nguyên (SN 1938, ở Đống Đa, Hà Nội) cũng đến công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên để tảo mộ. Ở tuổi 86, dù sức khỏe có phần yếu đi so với năm trước nhưng cụ Nguyên vẫn cùng con cháu tới mộ phần người vợ quá cố của mình trong dịp Tết Thanh minh này.
Bà Đào Thanh Huyền (52 tuổi - con dâu cụ Nguyên) cho biết, vì ông đã lớn tuổi và phải ngồi xe lăn nhưng năm nào ông cũng lên thăm mộ bà đôi lần. "Nếu ông mệt quá, không thể đi lại, di chuyển được thì mỗi lần thực hành lễ ở nghĩa trang, chúng tôi đều phải quay lại video cho ông xem để ông yên tâm”, bà Huyền nói.
Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Ngày Tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn. Tảo mộ ngày Tết Thanh minh là phong tục đẹp của người Việt từ bao đời nay.
Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình cho biết, khi đi tảo mộ ngày Tết Thanh minh, các gia đình cần sắm sửa lễ vật chu đáo, nhưng quan trọng hơn cả là thành tâm. Có thể dâng lễ chay hoặc lễ mặn tùy từng gia đình. Tùy theo phong tục địa phương mà có điều chỉnh phù hợp, nhưng nhà chùa khuyên người dân tránh dâng cúng những đồ sát sinh trong Tết Thanh minh.
Đại Đức Thích Trí Thịnh cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay, việc giáo dục truyền thống gia đình, truyền thống dân tộc và nét đẹp văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ là việc rất cần thiết. Chỉ có như vậy các giá trị tốt đẹp mới không bị mai một và sẽ trường tồn mãi mãi.