Người dân Vũ Quang điều chỉnh nhịp sống, 'thích nghi' với dịch bệnh
Xác định dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên nhiều người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã chuẩn bị tâm lý, điều kiện cùng những 'kịch bản' ứng phó tích cực.
Bà Trần Thị Lan (thôn 4, xã Ân Phú) chăm sóc lại vườn trong những ngày ở nhà chống dịch. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Hiểu rõ những tác hại nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, bà Trần Thị Lan (thôn 4, xã Ân Phú) luôn ý thức được việc giữ gìn sức khỏe cho mình và gia đình bằng việc chấp hành nghiêm quy định phòng dịch của địa phương cũng như những khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bà Lan cho biết: “Từ ngày có dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, tôi luôn chủ động đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Đặc biệt, tôi thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phương tiện thông tin đại chúng để chủ động sắp xếp, điều chỉnh công việc của bản thân cho phù hợp, an toàn".
Bà Lan hạn chế ra ngoài để chung tay cùng chính quyền sớm đẩy lùi dịch bệnh. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Cũng theo bà Lan, mặc dù các lực lượng chức năng đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống Covid-19, song dịch bệnh vẫn có thể xảy ra và lây lan trong cộng đồng. Do vậy, mỗi người phải chủ động phòng tránh dịch bệnh bằng việc tăng cường tập thể dục, thể thao mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.
Cùng với đó, cần phải có thái độ hợp tác, trung thực với cơ quan chức năng khi khai báo thông tin, lịch trình di chuyển nhằm kiểm soát chặt chẽ những nguy cơ; thay đổi thói quen tụ tập đông người, đến những điểm công cộng khi không cần thiết để phòng dịch hiệu quả.
Chị Trần Thị Thanh Dung ở thôn 4 (xã Thọ Điền) thực hiện nghiêm túc cách ly y tế tại nhà. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Được xác định là trường hợp F2, gia đình chị Trần Thị Thanh Dung ở thôn 4 (xã Thọ Điền) đã chủ động khai báo với nhân viên y tế để lấy mẫu xét nghiệm và tiến hành cách ly y tế tại nhà theo đúng quy định.
Mặc dù đến nay, chị Dung và 4 thành viên khác trong gia đình đã hết thời gian cách ly y tế tại nhà, song, gia đình chị vẫn hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết và thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch mà ngành y tế địa phương khuyến cáo.
Anh Nguyễn Thanh Hoài (chồng chị Dung) tranh thủ thời gian ở nhà đồng hành cùng con trong việc học. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Chị Dung chia sẻ: “Dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và có thể xảy đến với bất kỳ ai. Cùng với chuẩn bị về thực phẩm, việc chủ động về kỹ năng, tâm lý trong phòng, chống dịch cũng rất quan trọng. Khi dịch bệnh xảy ra hoặc bản thân có liên quan đến các ca nhiễm Covid-19, thay vì lo lắng, hoang mang, người dân nên bình tĩnh khai báo y tế, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan chức năng".
Gia đình chị Dung chỉnh trang lại vườn tược, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết.
Chị Dung cũng cho biết thêm: “Ngoài tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch mà địa phương tuyên truyền, gia đình tôi cũng chú trọng đến phát triển sản xuất. Sau khi hết thời hạn cách ly y tế tại nhà, gia đình đã tập trung gieo trỉa 5 sào ngô, đậu và chăm sóc gần 1 ha cam đang trong thời kỳ rộ quả để kịp thời vụ”.
Cũng theo chị Dung, thời điểm này, không chỉ gia đình chị mà hầu hết các hộ dân trên địa bàn vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, đúng tinh thần chỉ đạo của chính quyền các cấp về việc thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép” trong tình hình mới.
Anh Trần Văn Mừng (ở giữa) - Bí thư Đoàn xã Quang Thọ phối hợp tổ chức gắn các pano phòng, chống dịch Covid-19 tại các cụm dân cư trên địa bàn.
“Không chia sẻ thông tin gây hoang mang cho cộng đồng, chủ động, tự giác khai báo thông tin trung thực khi trở về từ vùng dịch...” là suy nghĩ cụ thể về góp phần phòng ngừa dịch bệnh của anh Trần Văn Mừng - Bí thư Đoàn xã Quang Thọ.
Anh Mừng cho biết: Hiện nay, từ trẻ em đến người cao tuổi đều tiếp cận với mạng xã hội, trong khi trên mạng liên tục có những thông tin trái chiều được cập nhật, lan truyền, nên mọi người, đặc biệt là giới trẻ phải tự trau dồi kiến thức, biết chọn lọc và có tư duy phản biện trước khi tiếp thu, chia sẻ thông tin, tránh gây tâm lý hoang mang cho mình và người khác.
Anh Mừng cùng tổ phản ứng nhanh của xã tham gia tuyên truyền lưu động đến từng thôn xóm để người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Anh Mừng tâm sự: "Những ngày dịch bệnh bùng phát ở TP Hà Tĩnh, Thạch Hà, Lộc Hà, TX Hồng Lĩnh, Hương Sơn..., trên mạng xã hội, nhiều người liên tục đưa thông tin về tình hình dịch bệnh, trong đó đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ sẵn sàng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, vô tình khiến nhiều người thêm lo lắng.
Để góp phần phòng, chống dịch bệnh, khi tham gia mạng xã hội, mọi người chỉ chia sẻ thông tin từ cơ quan báo chí truyền thông chính thống, không nên theo “tâm lý đám đông”, dẫn tới lo lắng, đổ xô mua thực phẩm, hàng tiêu dùng dự trữ, chen chúc mua khẩu trang y tế… trong khi điều quan trọng nhất phải làm chính là hạn chế đến những nơi đông người. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, giữ thế chủ động và không hoang mang nếu không may dịch bệnh xảy đến”.
Có thể thấy, đa số người dân Vũ Quang đều đã “thích nghi” và có sự chuẩn bị tích cực để “sống chung” với dịch bệnh. Sự chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19 của mỗi người, mỗi gia đình, chính là “liều vắc-xin” quan trọng góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh và hạn chế tối đa thiệt hại nếu dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.