Người dân vùng cao Điện Biên làm giàu bằng mô hình trồng dứa mật
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên đã thu về hàng chục triệu đồng mỗi vụ nhờ mô hình trồng dứa mật.
Có nguồn thu ổn định...
Khoảng 8 năm trở lại đây, nhận thấy dứa mật là loại cây trồng có chất lượng, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền địa phương đã tích cực vận động để người dân bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng dứa mật. Loại cây trồng này đã mang lại hiệu quả ngoài mong đợi.
Riêng bản Pu Lau, đến nay đã có khoảng 100ha dứa mật. Năng suất đạt khoảng 20-30 tấn/1ha. Với giá bán dao động từ 8.000-13.000 đồng/kg, 1 ha dứa mật mang lại thu nhập cho người dân gần 200 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, bản Pu Lau nói riêng và xã Mường, huyện Điện Biên nói chung là một trong những địa phương có diện tích trồng dứa mật lớn của tỉnh Điện Biên.
Trước đây trên diện tích đất của gia đình, ông Sùng A Hù ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên chủ yếu trồng sắn, ngô, lúa nương nhưng năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Cuộc sống gia đình vất vả, làm mãi cũng chỉ đủ ăn, không để dành, dư giả được là mấy.
Nhưng nhờ mạnh dạn chuyển đổi 3.000m2 đất này sang trồng dứa, hiện nay, mỗi vụ thu hoạch dứa, sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi từ 60 - 80 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định hàng năm, gia đình ông Hù có thêm tiền để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống, mua sắm các thiết bị cần thiết cho gia đình. Qua đó giúp gia đình ông Hù xóa nghèo vươn lên làm giàu.
Ông Sùng A Hù cho biết: “Trồng dứa rất nhàn, mỗi năm chỉ làm cỏ 2 lần và vun gốc. Đặc tính cây dứa lại chịu hạn, không cần phải tưới nước, bón phân ít và không dùng đến thuốc trừ sâu. So với các cây trồng khác như: mía, sắn, ngô, thì trồng dứa đầu tư ít hơn nhưng lợi nhuận kinh tế lại cao hơn. Đầu ra của quả dứa hiện nay cũng rất ổn định”.
Cách vườn dứa của ông Sùng A Hù khoảng 1km, gia đình Vàng A Sống ở bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cũng đang trồng gần 4.000m2 dứa mật. Vườn dứa của anh Sống đang trong giai đoạn thu hoạch, chuyển về bán cho các thương lái từ thành phố Điện Biên Phủ vào mua.
Trước đây gia đình anh thuộc hộ nghèo, thu nhập gia đình phụ thuộc vào lúa nương. Từ năm 2016, anh đã chuyển đổi gần 4.000m2 đất trồng lúa nương sang trồng giống dứa mật, mỗi vụ dứa mang lại thu nhập khoảng 70 - 90 triệu đồng, một nguồn thu đáng kể đối với hộ nghèo.
“Trước đây tôi cũng làm nương lúa thôi, nhưng từ năm 2016, tôi thấy cây dứa phát triển kinh tế tốt nên tôi phá lúa nương sang trồng dứa. Từ năm 2016 tới nay, cây dứa đã giúp chúng tôi phát triển kinh tế, giảm được đói nghèo rồi. Thành công với mô hình này, gia đình tôi dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa”, anh Vàng A Sống cho hay.
Đồng hành cùng người dân
Theo Trưởng bản Vàng A Nếnh ở bản Pu Lau có 112 hộ dân, hầu hết đều trồng dứa, hộ trồng ít từ 500-700m2, hộ trồng nhiều thì vài ha. Cây dứa mật được người dân mang về trồng ở Pu Lau từ những năm 1990, ban đầu người dân chỉ trồng tự phát để phục vụ nhu cầu ăn uống của gia đình
Nhờ sự tích cực vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất trồng ngô, sắn, lúa nương kém hiệu quả sang trồng dứa mật. Hiện bản Pu Lau có khoảng 100 ha diện tích trồng dứa; trong đó, khoảng 60 ha diện tích đang cho thu hoạch. Nhờ trồng dứa đã giúp người dân trong bản có nguồn thu nhập ổn định, hộ trồng ít thu từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, hộ có diện tích lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ. Đến nay cả bản chỉ còn duy nhất một hộ nghèo.
Ngoài ra, để có đầu ra ổn định cho cây dứa, giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện Điện Biên đã tổ chức hướng dẫn người dân sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Đến nay đã có hợp tác xã và cả các công ty về thu mua cho bà con. Từ mô hình này mà nhiều xã trong vùng học hỏi lẫn nhau để phát triển thành vùng sản xuất theo đặc điểm của địa phương. Chính vì vậy mà đến nay dứa đã trở thành cây chủ lực giúp bà con xóa đói giảm nghèo ở không chỉ bản Pu Lau mà là trên cả địa bàn xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.
Ông Thào A Giàng, Giám đốc Hợp tác xã dứa Pu Lau, nhận định: “So với các cây trồng khác, thì cây dứa có nhiều ưu điểm như: Dễ trồng, thích nghi với điều kiện về đất đai, khí hậu ở các khu vực miền núi, đất dốc. Hiện nay địa phương đã và đang khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích cây dứa, đồng thời liên hệ giúp bà con có đầu ra ổn định. Hy vọng rằng, giá dứa giữ được mức cao trong thời gian dài như vậy sẽ ngày càng nhiều người dân địa phương có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu”.
Hiện tại, UBND huyện Điện Biên đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Hội Nông dân huyện triển khai mô hình thâm canh dứa tại bản Pu Lau. Mục đích của mô hình nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là hướng người nông dân sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Pu Lau trở thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.