Người dân vùng ngập lụt nên làm gì sau khi nước rút?
Các nguy cơ về tai nạn, bệnh tật vẫn hiện diện sau khi nước lũ rút, vậy người dân nên làm gì để đảm bảo an toàn và khôi phục nhịp sống bình thường?
Hiện tại, nước lũ tại một số tỉnh thành phía Bắc có dấu hiệu rút bớt. Khi đó, có nhiều việc cần làm để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh bệnh tật do ô nhiễm, trở lại cuộc sống bình thường.
Nên làm gì sau khi nước lũ rút?
Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tài sản của nhân dân sau thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo người dân nên thực hiện các hướng dẫn sau:
1. Chỉ được di chuyển từ nơi sơ tán trở về nhà khi có lệnh của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, cứu hộ cứu nạn.
2. Kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị điện trước khi sử dụng đề phòng tai nạn, điện giật.
3. Khắc phục, sửa chữa nhà cửa, hệ thống điện, cấp nước, thông tin.
4. Tham gia cùng chính quyền dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa cơ sở hạ tầng, dập dịch bệnh và xử lý môi trường.
5. Vệ sinh nhà cửa, vật dụng và môi trường xung quanh nơi ở, khu vực công cộng.
6. Đảm bảo an toàn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh sau lũ.
Sau lũ, người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... bằng các biện pháp sau:
- Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Khử trùng nước sử dụng cho uống và sinh hoạt, bảo đảm dùng nước sạch trong ăn uống.
- Làm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút.
- Ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, chú ý vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
- Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của lực lượng chức năng (có thể dùng vôi bột).
- Phun hóa chất diệt côn trùng, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải đựng nước, hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Chú ý mắc màn khi đi ngủ.
- Kịp thời phát hiện và dập tắt các bệnh truyền nhiễm. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Cách xử lý nước sinh hoạt sau bão lũ
Tại vùng ngập, các nguồn nước bị nhiễm bẩn, công trình cấp thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt có thể trở nên nghiêm trọng. Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh, người dân có thể thực hiện các biện pháp làm sạch nước.
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên Trường Đại học Y tế Công cộng hướng dẫn cách làm sạch nước bằng phèn chua, viên khử khuẩn làm sạch nước Aquatabs (hoặc viên Cloramin B) như sau:
- Dùng 1 gram (khoảng 1 thìa con, thìa cà phê) phèn chua tán nhỏ, hòa với một bát nước rồi đổ dần vào thùng nước 20 lít, khuấy đều. Sau khi cho phèn chua vào, nước trong thùng sẽ trở nên trong veo trong mấy phút. Đợi khoảng 30 phút là người dân có thể gạn lấy nước trong. Nếu không sẵn phèn chua, có thể dùng vải sạch để lọc nước, loại bỏ cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong.
- Cho 1 viên khử khuẩn Aquatabs vào thùng nước vừa đánh phèn xong rồi chờ 30 phút để nó tan ra hết để tiêu diệt các loại vi khuẩn. Nếu không có Aquatabs, có thể dùng viên Cloramin B 250mg để khử khuẩn. Tuy nhiên 1 viên Cloramin B 250mg được dùng cho 25 lít nước. Với thùng 20 lít, bạn cần bớt đi khoảng 1/5 viên.
Theo chuyên gia, chỉ với cách làm đơn giản như vậy, người dân đã có một thùng 20 lít nước sạch đã khử khuẩn để dùng trong sinh hoạt, rửa rau, đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân. Loại nước đã xử lý này sau khi đun sôi lên có thể dùng tạm để ăn uống.
PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh cũng lưu ý rằng cách xử lý nước lũ lụt thành nước sinh hoạt kể trên chỉ là giải pháp tình thế trong thiên tai thảm họa, áp dụng khi người dân không tiếp cận được với các nguồn nước sạch.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-dan-vung-ngap-lut-nen-lam-gi-sau-khi-nuoc-rut-ar895565.html