Người dân xã Tân Phúc mong mỏi đập tràn vượt suối Đàn

Từ nhiều năm nay, hơn 200 học sinh tiểu học và THCS ở các thôn: Tân Bình, Tân Lập, Tân Thủy, xã Tân Phúc (Lang Chánh) phải vượt qua con suối Đàn để đến trường. Vào ngày nắng, đường khô ráo thì việc đi lại đỡ vất vả. Nhưng vào những ngày mưa, suối chảy xiết thì các em không thể vượt suối đến trường. Một số phụ huynh có điều kiện phương tiện, để đưa con em mình đến được trường phải đi đường vòng theo con đường dân sinh trơn trượt, với quãng đường từ 3 - 7km.

Một phụ huynh ở thôn Tân Bình, xã Tân Phúc đưa con em vượt suối Đàn học thêm ngày hè.

Thông thường, lòng suối Đàn rộng chừng 5m, nhưng khi mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về, lòng suối lại trở nên rộng hơn gấp nhiều lần. Kể cả trong ngày nắng ráo, học sinh ở 3 thôn trên đến trường phần nhiều trong tình trạng ướt sũng, lấm lem bùn đất. Điều này được người dân nơi đây giải thích, do đường lên xuống suối là đường đất, trơn trượt, dễ ngã. Lòng suối cũng có rất nhiều đá bị rêu bám, các cháu rất dễ bị ngã, nhất là những học sinh tiểu học. Có những gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, ông bà phải đưa cháu đến trường. Đường trơn trượt, nhiều hôm cả ông lẫn cháu bị ngã ở suối đành phải quay về.

Xã Tân Phúc có 9 thôn, trong đó có 3 thôn Tân Bình, Tân Lập, Tân Thủy với 536 hộ dân, hơn 2.300 nhân khẩu nằm bên kia suối Đàn. Con đường chính thông thương với bên ngoài là đường dân sinh nhỏ hẹp nối vào tỉnh lộ 530B. Tuy nhiên, nếu đi theo con đường này về trung tâm xã phải di chuyển trên quãng đường từ 3 - 7km. Trong khi, nếu đi qua suối Đàn, hộ ở xa nhất cũng chỉ cách chưa đầy 2km. Trong đó, điều kiện giao thông ở thôn Tân Bình gặp khó khăn hơn cả. Đây là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tiếp giáp với xã Văn Nho (Bá Thước). Lâu nay, cuộc sống của họ cũng chỉ gắn với cây luồng, cây sắn, giá bán thấp hơn giá sàn thị trường vì đường giao thông khó khăn. Bởi từ đây, muốn ra bên ngoài, hoặc đi theo đường dân sinh nhỏ hẹp với chiều dài gần 5km, qua thôn Tân Thủy ra tỉnh lộ 530B, hoặc vượt qua suối Đàn qua thôn Tân Phong về trung tâm xã. Do đường về trung tâm xã gần hơn, nên bao lâu nay họ vẫn bất chấp hiểm nguy để vượt qua suối Đàn, kể cả trong mùa mưa lũ, để mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Đến nay, thôn Tân Bình có 122 hộ thì mới chỉ có 5 hộ thoát khỏi diện nghèo, số còn lại là hộ nghèo và cận nghèo...

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, cho biết: Cử tri và Nhân dân xã Tân Phúc đã nhiều lần gửi tâm tư, nguyện vọng đến Đảng, Nhà nước sớm đầu tư xây dựng con đường từ thôn Tân Phong qua suối Đàn nối với tỉnh lộ 530B để tháo gỡ khó khăn cho đời sống dân sinh ở các thôn Tân Thủy, Tân Bình, Tân Lập và Tân Phong. Nếu được Nhà nước đầu tư xây dựng, xã Tân Phúc sẽ vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất để thực hiện dự án.

Theo ông Hà Văn Việt, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Lang Chánh, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, UBND huyện đã khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng con đường nối thôn Tân Phong với tỉnh lộ 530B, đi qua các thôn Tân Phong, Tân Bình, Tân Lập với chiều dài toàn tuyến là 1,7km. Nếu dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và cấp kinh phí, người dân nơi đây sẽ có tràn liên hợp vượt suối Đàn, tạo thuận lợi cho người dân giao thương buôn bán và các em học sinh đến trường an toàn.

Bài và ảnh: Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nguoi-dan-xa-tan-phuc-mong-moi-nbsp-dap-tran-vuot-suoi-dan/190666.htm