Người dân 'xóm phao' trên sông Hồng và ước mong về một cái Tết bình dị
Những ngày giáp Tết Tân Sửu, xóm phao thuyền tại bãi giữa ven sông Hồng vẫn vắng lặng. Người dân nơi đây vẫn còn mải miết tìm kế mưu sinh.
Cách trung tâm thành phố khoảng 1,5km, men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống, lối vào xóm phao thuyền không một bóng người, thoảng đâu đó tiếng chó sủa giữ nhà. Không khí vắng lặng đến trầm buồn bao phủ lên xóm nhỏ.
Từ nhiều năm nay, “xóm phao” hay còn gọi xóm bãi giữa thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên được biết đến là xóm 3 không: không điện, không nước sạch, không chữ. Cuộc sống của những người dân nơi đây gần như tách biệt hoàn toàn với phố thị. Mỗi gia đình trong xóm là một câu chuyện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung, vì cuộc sống nên phải xa quê, tha phương cầu thực và "trôi nổi" lên Hà Nội làm nhiều nghề để mưu sinh.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm “xóm phao”, một người dân đã giới thiệu và chỉ đến nhà ông Nguyễn Đăng Được (hay còn gọi là ông Được “đen”). Đây là người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông này. Mọi câu chuyện về “xóm phao”, về cuộc sống của người dân trong xóm đã được ông kể lại.
Là người Bố Trạch (Quảng Bình), sau khi đi bộ đội về, ông Nguyễn Đăng Được lưu lạc và trụ lại mưu sinh ở Hà Nội đã gần 40 năm. Sau gần 10 năm làm đủ mọi nghề để kiếm sống, ông thuê được một mảnh đất ở bãi giữa để chăn nuôi, trồng trọt và sống luôn tại đó. Sau này, có thêm nhiều người đến ở đã tạo thành xóm ngụ cư giữa sông Hồng. Do được người dân trong xóm quý mến và kính nể, họ đã bầu ông làm “trưởng xóm”.
Ông Được “đen” cho biết, “xóm phao” hiện có 32 hộ với 100 nhân khẩu sinh sống, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn. Để tiện cho việc sinh hoạt cũng như không phải trả chi phí tiền thuê đất ở trên bãi, các hộ trong xóm đã dựng những căn nhà tạm làm trên bè, thùng phuy hoặc phao để ở. Người dân ở đây đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định nên họ chỉ có thể kiếm sống bằng các công việc như: bốc vác thuê trong chợ, đi nhặt ve chai, đồng nát hay bán ngô nướng để kiếm sống.
Cuộc sống tạm bợ của người dân sinh sống ở đây khiến cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - thất học - rồi lại đói nghèo luôn đeo bám các thế hệ nối tiếp ở xóm này.
Theo chỉ dẫn của ông Được, men theo lối mòn nhỏ, chúng tôi tìm đến “xóm phao”. Xóm nhỏ như một ốc đảo chông chênh, ọp ẹp. Những căn nhà được che chắn tạm bợ bằng những tấm bìa carton, gỗ ép, mái được lợp bằng proximang. Mùa nóng còn có thể chịu được, nhưng vào mùa đông thì gió lùa lạnh tê tái.
Đến “xóm phao” vào ban ngày, rất khó để gặp được người dân ở nhà, bởi hầu hết họ đi làm cả ngày, trẻ con thì học, đến tối cả xóm mới lục tục về nghỉ ngơi.
Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng, khoảng 10-12m2 với vô số đồ đạc bừa bộn trên sàn gỗ cũ nát như: giường chiếu, nồi, niêu, xoong chảo, bà Trần Thị Thu (64 tuổi) là người hiếm hoi ở nhà vì đang ốm. Bà Thu cho biết, do thời tiết trở lạnh nên bà bị ốm liên tục, cả tuần nay phải nằm bẹp ở nhà. Do nhà không kín gió nên cứ lạnh là bệnh ho của bà lại tái phát.
Vợ chồng bà Thu có “thâm niên” ở bãi giữa sông Hồng được 30 năm nay. Hai ông bà không có con. Những ngày khỏe thì bà Thu nhặt sắt vụn hay bán ngô nướng trên cầu Long Biên, còn chồng bà đi làm thuê khắp nơi, ai mướn gì làm nấy. Những ngày trái gió trở trời như thế này, ông bà đau ốm, không đi làm được đồng nghĩa với việc “treo niêu”, có gì ăn nấy.
Bưng bát cơm nguội trên tay, bà Thu lập cập bước lên bờ, định đến quán cóc gần đó xin chút thức ăn của đám khách nhậu để ăn cố chút cơm cho khỏi đói. Bà Thu thều thào nói, mấy hôm ốm đau không đi bán ngô được nên vợ chồng bà không còn tiền mua thức ăn, phải ăn cơm trắng hoặc đi xin thức ăn để sống qua ngày.
Ngày Tết đang đến rất gần, bà Thu chỉ mong mình khỏi ốm để tiếp tục lên cầu bán ngô, kiếm chút tiền, mua thêm ít thịt lợn, cân bắp cải và mấy củ su hào để đón Tết. Năm nay do dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên bà Thu chỉ ước có vậy.
Cũng có tới 20 năm sống ở “xóm phao”, chị Lê Anh Ngọc cho biết, công việc chính của mẹ con chị từ nhiều năm nay là bán ngô, bán nước trên cầu Long Biên. Mẹ con chị bắt đầu bán hàng từ 9h sáng đến 1-2h đêm, bất kể trời nóng hay lạnh, mưa hay nắng. Ngày nào thời tiết thuận lợi, bán được hàng, mẹ con chị cũng kiếm được vài ba trăm nghìn đồng, còn ngày nào mưa hay rét thì có khi chỉ kiếm được vài chục đến 100.000 đồng. Cuộc sống cơ cực, vất vả là vậy nhưng mẹ con chị Ngọc vẫn bám trụ ở “xóm phao”, không muốn lên bờ sống, có thể do thói quen sinh hoạt đã “ngấm” vào người họ hơn 20 năm nay. Cũng như bà Thu, mẹ con chị Ngọc chỉ có ước muốn là thời tiết thuận lợi, dịch bệnh qua đi, có nhiều sức khỏe để đi làm, kiếm sống.
Ngoài kia, không khí Tết đã về trên khắp các nẻo đường, ngõ phố nhưng đối với người dân xóm Phao, Tết không khác mấy so với ngày thường, bởi gánh nặng mưu sinh vẫn trĩu nặng trên đôi vai họ. Năm nay dường như Tết còn khó khăn hơn khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các thành phần trong xã hội.
Ngay cả gia đình ông Được, người được coi là “trưởng xóm”, có “cơ ngơi khang trang” nhất xóm, không khí Tết cũng không khác là mấy, khái niệm “ngày Tết” vẫn rất xa vời.
Khi được hỏi có mong ước gì trong ngày Tết, ông Nguyễn Đăng Được bày tỏ: “Tôi sống ở đây đã 3 đời, vất vả, khổ cực đã quen rồi, chỉ mong dịch bệnh qua đi, kinh tế được hồi phục, mưa thuận gió hòa, bà con xóm phao kiếm được nhiều việc làm để cuộc sống được cải thiện, bớt phần khốn khó. Tôi chỉ mong các cháu nhỏ trong xóm có điều kiện ăn học tốt hơn để sau này thoát khỏi cảnh lênh đênh trên sông nước”.
Hơn nửa đời người phiêu bạt trên sông nước, Tết đến, xuân về, người dân xóm Phao chỉ mong ước, năm mới mưa thuận gió hòa, sông nước đừng dâng lên đột ngột, vợ chồng, con cái hòa thuận, bình an, cuộc sống ổn định là hạnh phúc lắm rồi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo phường cùng với Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên đều tới thăm hỏi, động viên, tặng gạo, bánh chưng cho các gia đình cư trú tại “xóm phao”.
Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm có thể sẽ hạn chế hơn. Ủy ban phường mong muốn các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng chia sẻ, quan tâm hơn nữa để người dân ngụ cư ở xóm Phao có một cái Tết tươm tất và đầm ấm hơn./.