Người đảng viên 'đầu tàu' tìm hướng đi cho nông sản

Không chỉ tận dụng lợi thế từ sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1961) - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành, Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán còn nỗ lực tìm hướng đi riêng để sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, biến khát vọng làm giàu chính đáng của nông dân thành hiện thực...

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành luôn tìm giải pháp nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra

Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành luôn tìm giải pháp nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra

Người Đảng viên “đầu tàu”

Đến thăm khu vực ao nuôi thủy sản ở Cù lao An Hòa, xã Phú Hựu, có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành tôi hiểu rõ hơn về sự thay đổi của vùng quê nơi đây. Ông Bình chia sẻ: “Tôi vào Đảng từ năm 1989, khi đó công tác tại Văn phòng UBND huyện Châu Thành. Đến năm 2005 - 2010, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã An Nhơn. Sau khi về hưu, tôi làm Bí thư Chi bộ ấp An Hòa, xã An Nhơn (nay là xã Phú Hựu). Dù bất kì ở vị trí công tác nào, bản thân tự nhắc nhở, đảng viên phải tiên phong, nói đi đôi với những việc làm thiết thực, hỗ trợ người dân”.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, vùng Cù lao An Hòa dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về canh tác cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản... nhưng việc sản xuất của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên đầu ra bấp bênh. Trước thực tế đó, để nâng tầm ngành hàng cá tra, sau thời gian tìm hiểu, năm 2010, ông Bình vận động nông dân cùng chung chí hướng thành lập HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành với 10 thành viên, diện tích canh tác 5ha mặt nước.

“Những ngày đầu, do còn thiếu kinh nghiệm nên thủy sản nuôi không đạt, cá tra bị bệnh nhiều nên sản lượng không đạt như mong đợi. Hơn nữa, thời điểm năm 2010, nghề nuôi cá tra gặp nhiều thăng trầm, thậm chí người nuôi phải “treo ao”. Để phát triển ngành hàng này, tôi quyết tâm xây dựng lối đi riêng với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường” - ông Bình chia sẻ.

Thị trường tiêu thụ được xem là yếu tố “sống còn” của người sản xuất, vì vậy để có đầu ra ổn định cho HTX, ông Nguyễn Thanh Bình kết nối Công ty TNHH Cỏ May để hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ông Bình cho biết: “Từ khi liên kết với doanh nghiệp, HTX tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ khâu nguyên liệu đến đầu ra sản phẩm. Từ đó, sản phẩm cá tra thương phẩm của HTX ngày càng tạo dựng được uy tín, niềm tin đối với doanh nghiệp thông qua các đơn đặt hàng ngày càng tăng lên. Điều này, tạo điều kiện cho thành viên làm ăn, tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm tải áp lực đầu ra thị trường”.

Tham gia HTX từ những ngày đầu, ông Lê Hồng Đức (xã Phú Hựu), thành viên HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành, chia sẻ: “Khi tham gia vào HTX, tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật được khuyến cáo. Cùng với đó, triển khai giải pháp cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi bằng cách xử lý men vi sinh. Từ đó, hạn chế tỷ lệ hao hụt, bảo vệ môi trường. Đến nay, với 3ha nuôi cùng hướng đi đúng đắn của HTX, sản phẩm cá tra có đầu ra ổn định, không phải lo chuyện “được mùa, mất giá” như trước kia”.

Không dừng lại đó, ông Nguyễn Thanh Bình còn tiên phong trong việc thành lập Canh Tân Hội quán. Từ mô hình này, ông cùng các thành viên cùng nhau thành lập HTX Nông sản an toàn An Hòa (xã Phú Hựu). Thời gian qua, ông Bình cũng là người “tiếp lửa” cho nông dân canh tác nhãn theo hướng an toàn. Ông Bình chia sẻ: “Trước đây, nông dân xứ Cù lao An Hòa chủ yếu canh tác theo phương thức cũ, năng suất chỉ đạt khoảng 18 - 20 tấn/ha. Sau khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 20 - 25 tấn/ha. Bên cạnh đó, nông dân tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất nhờ tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý theo hướng an toàn, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật... Đặc biệt là giúp thành viên thay đổi tư duy canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Đồng chí Lý Văn Giàu - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Hiện nay, HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành và HTX Nông sản an toàn An Hòa được xem là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Qua đó góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng cá tra và nhãn của huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, là người có tư duy đột phá, chịu khó học hỏi, nhạy bén, dám nghĩ dám làm. Bản thân đồng chí Bình luôn nêu cao vai trò học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, có lối sống giản dị, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên và giữ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân”.

Ông Nguyễn Thanh Bình thường xuyên đến nhà các thành viên để chia sẻ kỹ thuật sản xuất cá tra, đáp ứng nhu cầu thị trường

Ông Nguyễn Thanh Bình thường xuyên đến nhà các thành viên để chia sẻ kỹ thuật sản xuất cá tra, đáp ứng nhu cầu thị trường

Thay đổi tư suy sản xuất

Từ những thành công ban đầu, hướng đến sản xuất mang tính bền vững cho ngành hàng cá tra và nhãn, ông Nguyễn Thanh Bình cùng các thành viên HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành và HTX Nông sản an toàn An Hòa mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm kho chứa thức ăn cho cá tra, kho chứa nhãn... Với hiệu quả bước đầu, các mô hình kinh tế hợp tác này thu hút thêm thành viên tham gia là những kỹ sư nông nghiệp trẻ để cùng sản xuất, phát triển thị trường.

HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành ngày càng phát triển lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, HTX có khoảng 20 thành viên tham gia sản xuất, diện tích nuôi hơn 20ha. Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường hơn 5.000 tấn cá tra thương phẩm. Nhờ ký kết hợp đồng, giá cá tra thành phẩm bán ra được giữ mức bình ổn. Vì thế mà 5 năm qua, các thành viên luôn có lãi ổn định.

Xác định mục tiêu là nâng cao giá trị cho cây nhãn, ông Bình cùng các thành viên HTX Nông sản an toàn An Hòa xây dựng quy trình sản xuất. Theo đó, nông dân thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép lại đầy đủ quá trình phát triển. Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tổng diện tích nhãn của HTX Nông sản an toàn An Hòa được chứng nhận VietGAP là 113ha; 20ha được chứng nhận GlobalGAP và có 122ha được cấp mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính như: Mỹ, EU... Ngoài ra, HTX được Viện Thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng thực thẩm định “Thực phẩm sạch - An toàn vì sức khỏe người tiêu dùng”. Hiện tại, HTX liên kết với doanh nghiệp cung ứng nhãn phục vụ cho xuất khẩu với khoảng 100 tấn/tháng.

Ông Võ Văn Thuận - thành viên HTX Nông sản an toàn An Hòa nhận xét: “Từ khi tham gia HTX, ông Bình đã lèo lái “con thuyền” phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX, góp phần đưa cây nhãn của vùng Cù lao An Hòa “bay xa”. Ông Bình còn làm “đầu tàu” trong việc thay đổi tư duy sản xuất nhãn theo hướng an toàn, hướng đến sự phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Thanh Bình áp dụng quy trình sản xuất nhãn, giúp nông sản đạt chất lượng, tiếp cận sâu với thị trường

Ông Nguyễn Thanh Bình áp dụng quy trình sản xuất nhãn, giúp nông sản đạt chất lượng, tiếp cận sâu với thị trường

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm: “Thời gian tới, tôi tiếp tục gắn bó cùng các thành viên sản xuất cá tra và nhãn theo hướng hiện đại hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; mở rộng quy mô sản xuất, kho chứa, bảo quản, chế biến phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước... Đồng thời trong quá trình làm việc, bản thân luôn ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và xác định khi còn sức khỏe phải luôn cố gắng cùng nông dân phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương”.

Đồng chí Lý Văn Giàu - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Với vai trò là Giám đốc HTX Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành và Chủ nhiệm Canh Tân Hội quán, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đã tích cực tham gia nhiều mô hình, phong trào do Hội Nông dân triển khai, phát động, nổi bật là phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp”. Từ đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu cho người tiêu dùng...”.

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/nguoi-dang-vien-dau-tau-tim-huong-di-cho-nong-san-132539.aspx