Người đặt nền móng, xây dựng tư tưởng mác-xít ở Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là nhà yêu nước Việt Nam đầu tiên đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và cũng là người Việt Nam đầu tiên trở thành người cộng sản chân chính, đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành thành viên của Quốc tế Cộng sản.
Cùng với việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân quốc tế và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, Hồ Chí Minh là người có công đầu tiên truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, gieo “hạt giống cộng sản” và trực tiếp chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Nghị lực phi thường, tìm đường cứu nước
Ngay sau khi đội quân xâm lược Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống quân xâm lược. Các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta liên tiếp nổ ra, song đều thất bại, bị dìm trong biển máu, đau thương, căm hận ngút trời. Đến những năm đầu thế kỷ 20, nước ta đã lâm vào tình cảnh khủng hoảng đường lối chính trị rất nghiêm trọng, phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến của nhân dân ta đi vào ngõ cụt, bế tắc.
Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, lại tận mắt chứng kiến cảnh đau thương, sự mất mát, thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20, người thanh niên Nguyễn Tất Thành tuy rất khâm phục các bậc tiền bối, song đã quyết định ra đi tìm con đường cứu nước mới. Trải qua nhiều gian nan, cực nhọc, phải bôn ba, làm nhiều nghề để kiếm sống, tự bảo vệ mình, có lúc tưởng chừng như khó vượt qua khó khăn, thách thức, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trước sau như một, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng và lẽ sống đã chọn, quyết tâm tìm cho được con đường cứu nước, cứu dân. Năm 1920, Người đã đọc luận cương của V.I.Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, đăng trên Báo L’Humanité (Nhân đạo). Bản luận cương là lời giải đáp đầy đủ, sâu sắc và thuyết phục nhất đối với Người về những câu hỏi, những điều thắc mắc mà bấy lâu trăn trở, tìm tòi, khát vọng tìm kiếm. Người viết: “Luận cương của V.I.Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(1).
Đọc luận cương của V.I.Lenin, tham gia hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Đây là kết quả tất yếu khách quan của nhiều năm bôn ba tìm kiếm, phát hiện chân lý và sự tinh tế cảm nhận; nó hoàn toàn không phải là sự tình cờ, ngẫu nhiên, sự may mắn như ai đó đã nói, đã viết. Tin tưởng và đi theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại là bước nhảy vọt về chất trong nhận thức của Người, là một sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, quyết định tầm nhìn, quan điểm, lập trường; sự lựa chọn con đường cứu nước, cứu dân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Đây là sự hội tụ, kết tinh ý chí, khát vọng và tinh thần của cả một dân tộc; phản ánh tâm nguyện của nhiều bậc tiền bối, các chí sĩ, sĩ phu yêu nước đương thời mong mỏi nhưng chưa có điều kiện thực hiện.
Có thể nói rằng, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận Mác-Lênin đã giúp Hồ Chí Minh nhìn nhận, đánh giá, phân tích, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng thế giới và tìm ra con đường giải phóng dân tộc Việt Nam; chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc, phản ánh sinh động triết lý nhân sinh về lẽ sống, mục tiêu tìm đường cứu nước, giải phóng cho “đồng bào tôi” kể từ ngày Người rời Bến cảng Nhà Rồng-Sài Gòn (5-6-1911) ra đi tìm đường cứu nước.
Người truyền bá tư tưởng mác-xít ở Việt Nam
Chủ nghĩa Mác-Lênin chính là nguồn gốc lý luận quyết định bước phát triển mới về chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu không có Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng chỉ là một nhà yêu nước như bao nhà yêu nước khác ở Việt Nam đầu thế kỷ 20: Chung một khát vọng giải phóng dân tộc để giành lấy tự do, độc lập. Nếu không đọc luận cương của V.I.Lenin, chưa trở thành người cộng sản chân chính thì quan điểm, tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chưa thể tạo ra bước ngoặt cách mạng, không có điều kiện để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam và do đó, Người không thể đặt nền móng cho tư tưởng mác-xít đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa kết trái trên quê hương mình. Chính Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trang bị cho Hồ Chí Minh thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng để Người tìm ra con đường cứu nước mới, đưa Người vượt lên phía trước, khắc phục căn bản sự khủng hoảng về chính trị và sự bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc, “gieo mầm cộng sản” ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giúp Người tổng kết lịch sử và kinh nghiệm thực tiễn, chọn lọc những gì là tinh túy nhất, cần thiết nhất để truyền bá vào Việt Nam; khơi nguồn, đắp móng cho tư tưởng cách mạng phát triển ở Việt Nam đầu thế kỷ 20; khắc phục quan điểm duy tâm, tôn giáo, phương pháp tư duy siêu hình thống trị xã hội Việt Nam thời đó.
Người Việt Nam tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin, làm theo phương pháp luận mác-xít, đúng như Hồ Chí Minh căn dặn: Nắm lấy cái tinh thần biện chứng pháp, tức là thu nạp được cái bản chất “cốt lõi”, “linh hồn sống” của nó là phép biện chứng duy vật, vận dụng nó một cách sáng tạo vào cuộc sống để tìm ra những chủ trương đúng, giải pháp hay, biện pháp phù hợp để thực hiện mục đích cách mạng, chứ không phải học tập, tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin để thành lập trường phái này, môn phái kia và dựng lên các vấn đề tư tưởng viển vông để bàn luận vô bổ.
Sự phát triển tư tưởng mác-xít ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là kết quả tất yếu của quá trình xâm nhập và thẩm thấu Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam gắn liền với công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; nhờ đó mà tư tưởng yêu nước gắn liền với tư tưởng quốc tế vô sản. Mục tiêu cứu nước, cứu dân ở Việt Nam đầu thế kỷ 20 của các sĩ phu yêu nước được “lột xác”, đã trút bỏ “bộ quần áo thầy tu” khổ hạnh của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, đi vào thực tiễn cách mạng sinh động; Chủ nghĩa Mác-Lênin đóng vai trò là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, soi sáng con đường đấu tranh cách mạng cho quần chúng nhân dân, giúp họ thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Có thể khẳng định rằng, sự xâm nhập và lan tỏa mạnh mẽ của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20 là nhân tố đóng vai trò quyết định sự hình thành và phát triển hệ tư tưởng của giai cấp vô sản ở nước ta.
Công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh trong việc đặt nền móng, xây dựng nền tảng tư tưởng mác-xít ở Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, Người đã gắn những nguyên lý phổ biến của Chủ nghĩa Mác-Lênin với tinh hoa tư tưởng, văn hóa của dân tộc Việt Nam và tư tưởng, văn hóa phương Đông; biến nó thành đạo lý, triết lý nhân sinh chỉ đạo hành động, lẽ sống của mọi người. Rõ ràng, với việc trang bị thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin cho đội ngũ cán bộ cốt cán ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, Hồ Chí Minh đã giúp họ vượt qua biên giới của nước mình, hòa nhập vào cách mạng thế giới, sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam-đảng mác-xít kiểu mới, đội tiên phong của giai cấp công nhân, bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức, là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam trong những năm 1920, 1930 và ảnh hưởng của nó đến sự hình thành, phát triển tư tưởng mác-xít thời kỳ này chủ yếu là xác lập thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng. Tinh thần “biện chứng pháp” đã thể hiện sâu sắc trong các văn kiện, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng. Các văn kiện thành lập Đảng như Chính cương vắn tắt của Đảng, Điều lệ tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và các nghị quyết của Đảng ta soạn thảo từ năm 1930 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thể hiện tinh thần sống động của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thấm nhuần sâu sắc giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa xã hội khoa học.
Có thể khẳng định rằng, việc truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định sự ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển của phong trào cách mạng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, góp phần giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn Chủ nghĩa Mác-Lênin, những giá trị trường tồn của nó: Quan niệm duy vật về lịch sử; học thuyết giá trị thặng dư; phép biện chứng duy vật và giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc.
Cũng như trước đây và hiện nay, Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam giúp Đảng ta nghiên cứu, tổng kết, giải đáp những vấn đề thời sự nóng hổi do thực tiễn cách mạng Việt Nam đặt ra, cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Đó cũng là điều giải thích tại sao chúng ta phải ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là cơ sở lý luận-thực tiễn sinh động để chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, chống các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, góp phần làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
-----------------------------------
(1) "Hồ Chí Minh toàn tập", NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tập 12, tr.562
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương