Người để lại sự nghiệp âm nhạc đồ sộ
Nguyễn Văn Tý là một trong số những nhạc sĩ đồng hành bền bỉ với đời sống văn nghệ nước nhà suốt nhiều năm. Hình ảnh Nguyễn Văn Tý (1925 - 2019) trong âm nhạc của ông là một chân dung con người Việt Nam sống động, phong phú, nhờ hai đặc điểm hấp dẫn nhất: sự điêu luyện trong khai thác dân ca và sự tinh tế trong chi tiết phản ánh tâm lý con người. Ông ra đi, nhưng đã để lại một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ cho thế hệ mai sau.
Ngắm bông lúa to thấy ra bao ý tình
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rất thành công với các đề tài xây dựng đất nước, nhất là đề tài nông thôn và hình tượng người phụ nữ thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và khi đất nước thống nhất.
Ông được xem là "vua" của các đề tài nông nghiệp khi rất nhuần nhuyễn trong khai thác các chất liệu dân gian, từ hát chèo hay trống quân của đồng bằng Bắc Bộ (Bài ca năm tấn, Người giỏi chăn nuôi) đến dân ca H’Mông (Em đi làm tín dụng); từ quan họ (Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa) đến dân ca đồng bằng sông Cửu Long (Dáng đứng Bến Tre); và khi cần, cũng có những bài hơi hướng nhạc nhẹ thành công (Mùa xuân cô đi nuôi dạy trẻ). Những bài ca về các vùng quê của ông cũng gặt thành công vang dội, như Bài ca năm tấn, Chim hót trên đồng đay cho Hưng Yên, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ và Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh cho tỉnh Nghệ Tĩnh trước đây. Bên cạnh Dáng đứng Bến Tre ông còn có ca khúc cho Quảng Nam - Ðà Nẵng hay Vũng Tàu. Những bài hát cho thiếu nhi cũng là một dấu ấn đáng kể với Màu áo chú bộ đội, Em tập lái ô-tô... Ở đề tài nào, ông cũng nhìn ra chân dung riêng của đối tượng nghệ thuật; chân dung nào cũng chi li cụ thể, cho thấy khả năng quan sát và nặng tình với nhân vật, điển hình như cách ông gắn thao tác nhà nông với tâm tình người nông dân, mà cụ thể ở đây là một người phụ nữ đảm đang:
Tiếc công ai mười hẹn chín hò/Bài ca 5 tấn (ớ ơ ớ ơ ớ) đang chờ, đang chờ về với ta/ May áo cũng phải xem tà (tình tình ơi) may áo cũng phải xem tà/ Thâm canh xem chỉ tiêu lên từng việc ấy/ Ngắm bông lúa to ta thấy ra bao ý tình (Bài ca năm tấn, 1967).
Sự tinh tế của Nguyễn Văn Tý khiến cho những lời cổ động hiệu quả ở chỗ chúng luôn bắt đầu từ thấu hiểu tâm tình quần chúng. Mỗi cá nhân dường như được tác giả thuyết phục rằng ông đang lắng nghe họ, đang sống cùng họ và chia sẻ những cảm xúc của họ. Ðôi trai gái nơi công trường thủy lợi thấy việc lên đường góp sức xây dựng quê hương là lẽ tự nhiên: Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ/ Thấy mùa phượng vĩ ta ngỡ gặp mùa thi/ Cũng ngày phượng nở hai đứa mình cùng đi/ Cuộc đời vẫy gọi ta nhớ bao lần đi (Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, 1976).
Nguyễn Văn Tý qua âm nhạc đã gây được ảnh hưởng to lớn đến quần chúng và nói lên một điều quan trọng: Mọi cuộc kiến thiết xã hội thành công trước hết nhờ khả năng vận động quần chúng. Nhưng vận động như thế nào? Ðiều rất ít người làm được trong âm nhạc thành công như Nguyễn Văn Tý, đó là bằng một tình cảm chân thật và cảm hứng trữ tình.
Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc
Nguyễn Văn Tý có duyên với tính nữ trong hình tượng âm nhạc. Kể từ Dư âm (1950) là một khúc ca lãng mạn ca ngợi vẻ đẹp và tiếng hát "êm như lời nguyện" của người đẹp "ôm đàn dìu muôn tiếng tơ", qua Mẹ yêu con (1956) là lời tình tự về một người mẹ công dân đón mừng hòa bình, đến Bài ca phụ nữ Việt Nam (1970) khắc họa chân dung cô đọng về người phụ nữ thời chiến, rồi Dáng đứng Bến Tre (1980) mượt mà biểu tượng người phụ nữ mới; tất cả đem lại một ấn tượng nhất quán về một vẻ đẹp thích ứng với thời cuộc. Ngay cả những giọng ca thành công nhất với âm nhạc Nguyễn Văn Tý cũng là những giọng ca nữ hàng đầu của thanh nhạc Việt Nam, như các ca sĩ: Bích Liên, Thanh Huyền, Tuyết Thanh, Thúy Hà; hay sau này như các giọng ca: Ngọc Yến, Thu Nở, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo. Những giọng ca nam khi thể hiện âm nhạc của ông cũng ghi dấu ấn ở màu sắc dân ca, nhất là các bài song ca nam nữ.
Tính nữ ấy giúp cho những bài ca có sắc thái tuyên truyền, thậm chí "đặt hàng" (một cách nói dân dã chỉ việc đi thực tế sáng tác ở địa phương hay ngành thời trước), trở thành một "đặc sản" của Nguyễn Văn Tý. Ông thành công với cách hóa thân vào vai "em" - từ cô gái vùng cao "trải mấy năm qua em đi làm tín dụng" đến cô gái đi nuôi dạy trẻ "mong đàn em mau ngoan". Ông nhìn thấy tình cảm của những người nghèo, như muôn đời vẫn thế, cái tình cảm giữa quân dân từ những người mẹ "thức thâu đêm vá áo": "Ðời mẹ nghèo, trông áo rách, áo rách nên thương", hay những đứa trẻ của thời chiến quá quen với "màu áo chú
bộ đội": Ði trên đường cát bụi/ Lại ánh sắc mầu vàng, có mầu đỏ đất núi/ Xen nâu đất đường làng (Màu áo chú bộ đội, 1978).
Từ tấm áo rách của người chiến sĩ "mang theo cả tình thương của mẹ" đến mầu áo người lính xen mầu đất bụi đường làng qua đôi mắt trẻ thơ dường như gói trọn một tình tự quân dân của một thời gây được nhiều cảm động cho người nghe. Nguyễn Văn Tý nhìn thấy sức mạnh của đất nước từ những con người bình dị, cả sự nghiệp sáng tác của ông miệt mài cổ vũ
cho sức mạnh ấy.
Nguyễn Văn Tý đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000. Tuy đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 94, nhưng ông còn để lại câu chuyện thật xúc động và cả những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ mai sau về cách tiếp cận hiện thực của người làm nghệ thuật.