Người đeo khẩu trang và ủng hộ vaccine ở Anh bị tấn công

Đeo khẩu trang không còn là quy định bắt buộc ở Anh nhưng 95% người trưởng thành vẫn chọn làm như vậy. Họ đôi khi phải đối diện với sự đe dọa, tấn công từ nhóm phản đối.

Một ngày tháng 7, Olivia Day bị cuốn vào cuộc biểu tình chống vaccine Covid-19, khẩu trang và lệnh phong tỏa ở London. Cảm thấy kinh hãi trước bầu không khí giận dữ, cô chạy trốn vào cửa hàng gần nhất.

Ngay khi bước ra ngoài, Olivia cùng gia đình bị một cặp vợ chồng trung niên chỉ vào mặt rồi hét lên: “Bỏ khẩu trang ra đi, đồ thỏ đế!”. Đám đông cũng nhanh chóng hướng về họ và đồng thanh hô vang “Tháo ra!”.

Olivia, mắc chứng ám ảnh sợ hãi, nhớ lại: “Tôi lập tức rơi nước mắt. Tôi ngã ra sàn nhà và không thể thở được”.

Từ đó, Olivia cảm thấy lo lắng khi đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Cô sợ mình bị chửi bới hoặc lạm dụng một lần nữa.

“Nhiều người kiên quyết bài trừ khẩu trang. Tôi muốn tránh đối diện với thái độ cực đoan như vậy khi có thể”, cô nói.

 Một người có mặt tại Công viên Hyde để tham gia cuộc biểu tình chống quy định đeo khẩu trang trong các cửa hàng và siêu thị tháng 7/2020. Ảnh: Independent.

Một người có mặt tại Công viên Hyde để tham gia cuộc biểu tình chống quy định đeo khẩu trang trong các cửa hàng và siêu thị tháng 7/2020. Ảnh: Independent.

Bị đe dọa vì đeo khẩu trang

Theo VICE, một bộ phận người Anh có tư tưởng chống khẩu trang. Các kiến nghị của chính phủ về việc cấm vật dụng này đã thu thập được hàng chục nghìn chữ ký.

Điều này bất chấp các bằng chứng hiện có cho thấy việc đeo khẩu trang có thể làm giảm sự lây lan của Covid-19. Đây được xem là chủ đề gây tranh cãi nhất hậu đại dịch.

Trước “Ngày Tự do”, thời điểm các hạn chế Covid-19 được nới lỏng ở Anh, nhiều nhân viên bán hàng chia sẻ nỗi sợ hãi về việc khách hàng trở nên quá khích khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Các báo cáo cũng cho thấy cả nhân viên và khách hàng đều bị lạm dụng khi đeo khẩu trang, chưa nói đến việc khuyến khích người khác làm điều tương tự.

Hiện, khi một tỷ lệ lớn dân số được tiêm chủng đầy đủ, hướng dẫn phòng, chống dịch vẫn bao gồm đeo khẩu trang, dù đó không còn là yêu cầu bắt buộc. Thực tế, những người đã được chủng ngừa vẫn có thể lây lan virus mà không có triệu chứng. Đối với những người chưa hoặc không thể tiêm vaccine, điều này gây nguy hiểm.

 Nhiều người bị đe dọa, tấn công vì vẫn đeo khẩu trang sau “Ngày Tự do”. Ảnh: Mike Kemp/In Pictures.

Nhiều người bị đe dọa, tấn công vì vẫn đeo khẩu trang sau “Ngày Tự do”. Ảnh: Mike Kemp/In Pictures.

Sam Knight (39 tuổi) dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng do mắc bệnh hen suyễn hiếm gặp. Nhiều lần, khi đeo khẩu trang ra ngoài, cô nhận về cái nhìn hằn học từ người lạ, thậm chí bị gọi là “đồ khốn nạn” trước mặt con cái.

“Chỉ cần nghĩ đến virus, tôi đã đủ sợ hãi mỗi khi ra ngoài. Vậy mà giờ đây, tôi còn phải bảo vệ bản thân trước sự lạm dụng của người xung quanh chỉ vì đeo khẩu trang”, cô nói.

Sau “Ngày Tự do”, Emma Carney (35 tuổi) vẫn đeo khẩu trang khi ngồi trong quán rượu với bạn. Cô muốn bảo vệ bản thân khi mới chỉ tiêm một mũi vaccine.

Một người đàn ông tiến đến gần họ và quát lên: “Đây là cái gì? Tôi nghĩ thứ này phải tuyệt chủng rồi chứ”. Sau đó, anh ta bắt đầu chạm vào chiếc khẩu trang mà bạn cô đang đeo.

“Người đàn ông đó say xỉn và dường như muốn đánh nhau. Tôi gạt tay anh ta ra và cùng người bạn rời khỏi đó thật nhanh”, Emma nhớ lại.

Sự việc khiến Emma cảm thấy tức giận. “Đó chỉ là một chiếc khẩu trang. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại bận tâm như vậy”.

Sự bài xích khó hiểu

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 95% người trưởng thành ở Anh vẫn đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Điều đó có nghĩa nhóm chống khẩu trang chỉ chiếm thiểu số. Lý do chính khiến họ phản đối việc đeo khẩu trang là “không hiệu quả”, “không hợp vệ sinh” và “vô nhân đạo”.

Matthew Rhucroft (37 tuổi) tuyên bố anh chưa bao giờ đeo khẩu trang, trừ khi ở trong bệnh viện hoặc viện dưỡng lão.

“Đó là biểu tượng cuối cùng của sự kiểm soát. Chính những người đeo khẩu trang đang kìm hãm chúng ta. Họ cứ nói mãi về đại dịch và Hội chứng Stockholm khiến chúng ta rối trí”, anh nói.

Rhucroft khẳng định anh chưa công khai phản ứng với bất kỳ ai ngoài đời. Tuy nhiên, người đàn ông từng thách thức mọi người trên mạng về việc đeo khẩu trang.

“Hầu hết khẳng định họ không suy nghĩ cho bản thân và muốn được công nhận là đang làm điều đúng đắn. Đó là tâm lý bầy đàn”, anh nói.

 Nhiều người cảm thấy khó hiểu trước làn sóng phản đối vaccine và khẩu trang từ một nhóm nhỏ trong xã hội. Ảnh: BBC.

Nhiều người cảm thấy khó hiểu trước làn sóng phản đối vaccine và khẩu trang từ một nhóm nhỏ trong xã hội. Ảnh: BBC.

Chris (42 tuổi) nói anh cảm thấy tiếc cho những người đeo khẩu trang đã bị “truyền bá” và “khủng bố”. “Họ bị phản đối vì đang kéo dài sự khốn khổ chung của nhân loại”, anh nói.

Đối với những người tiếp tục đeo khẩu trang, viễn cảnh này là điều khó hiểu.

Gần đây, Evianne Suen, sinh viên 22 tuổi đến từ Hong Kong (Trung Quốc), đang trên đường đến siêu thị ở London thì bị một người đàn ông đi đường hét lên: “Hãy tháo khẩu trang ra”.

Trải nghiệm này khiến cô e dè và thêm sợ hãi khi đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Trước đó, Evianne nói việc đeo khẩu trang chỉ đơn giản là điều tự nhiên. “Trong văn hóa của chúng tôi, đó là ý thức lịch sự, không phải sự ích kỷ mà là nghĩ cho người khác. Đó không phải là điều chỉ người Đông Á mới có thể làm được”, cô cho hay.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-deo-khau-trang-va-ung-ho-vaccine-o-anh-bi-tan-cong-post1254417.html