Người đi bộ 'tim đập, chân run' vì không được nhường trên chính phần đường của mình
Xe lạng lách, phóng nhanh, ngang nhiên dừng đỗ xe lên vạch sang đường... là những hình ảnh thường thấy khi tham gia giao thông trên các tuyến phố ở Hà Nội.
Nhịp sống nơi đô thị vội vã, hối hả đã khiến cho văn hóa nhường đường cho người đi bộ dần bị bỏ quên sau những cú đánh lái, nhấn ga. Với người dân ở thành phố lớn mỗi lần qua đường được ví như là một "thử thách".
Gặp khó khăn khi qua đường
Trên mặt đường tấp nập ô tô, xe máy, xe buýt và cả xe đạp tất cả cứ đan vào nhau chen lấn vượt lên rồi bấm còi inh ỏi. Ở tại những nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ, văn hóa nhường đường liên tiếp bị xâm phạm.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ, xe đạp, xe lăn tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và cả những nơi không có vạch kẻ đường, cũng như khi chuyển hướng, quay đầu, lùi xe... Thế nhưng điều này áp dụng vào thực tế đang là một điều quá "xa xỉ".
Ghi nhận của chúng tôi ở những tuyến đường lớn tại Hà Nội, các phương tiện hết luồn lách, lao trực diện vào người qua đường đến giơ tay xin qua đường nhưng cũng không được nhường. Ở những nơi được trang bị đèn giao thông, các xe buộc phải dừng xe cho người qua đường thì tình trạng vi phạm vượt đèn cũng thường xuyên xảy ra. Rất hiếm khi bắt gặp được cảnh phương tiện phanh đỏ đuôi để nhường đường cho người đi bộ.
Những người dân thường xuyên phải qua đường chia sẻ nhịp tim của họ luôn tăng cao vì hồi hộp, lo sợ cho sự an toàn của bản thân mỗi khi băng qua đường. Hầu hết các xe đều vội vàng, lượn lách, lao trước mặt hoặc sau lưng chứ không chịu dừng lại cho người đi bộ băng qua đường.
"Mọi người thường không tôn trọng đèn giao thông, mình đã bấm đèn giao thông rồi nhưng các phương tiện thường không dừng lại nhường đường cho người đi bộ", một bạn trẻ tham gia giao thông chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến trên, một nữ sinh viên phải thường xuyên đi bộ qua đường bày tỏ: "Rất là khó khăn, mình phải đứng tầm mấy phút mới sang được đường."
Ở những nơi gần trường học, nhu cầu qua đường của học sinh tăng cao nhưng văn hóa nhường đường cũng thường xuyên bị xâm phạm. Hầu hết các em học sinh đều trong trạng thái run rẩy, chần chừ từng bước qua đường. Có thể thấy, kỹ năng tham gia giao thông của học sinh còn rất hạn chế, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ trở thành điều đáng lo ngại.
Trên thực tế, đã có không ít những vụ việc đau lòng xảy ra vì vội vã, ngại nhường đường. Rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông "vô tư" phóng xe với tốc độ cao tại các điểm giao nhau mà không thực hiện đúng các quy tắc đảm bảo an toàn và nhường đường theo quy định. Thậm chí có trường hợp không hề quan sát phía trước và hai bên đường nên xảy ra tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi.
“Lối thoát” nào cho văn hóa nhường đường?
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 7,6 triệu phương tiện các loại, ở TP.HCM con số này là hơn 8,7 triệu phương tiện. Điều này cho thấy rằng giao thông đô thị lớn đang bị quá tải, nếu văn hóa tham gia giao thông không được chấn chỉnh ngay từ đầu sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
Nhường đường không chỉ là một quy định bắt buộc mà còn là nét văn hóa khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn, hạn chế tai nạn xảy ra. Hiện nay, rất nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa ý thức được điều này.
Trong khi kết cấu hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông thì ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Nên bắt đầu từ việc xây dựng ý thức sẽ là nền tảng, hạt nhân lan rộng cho thế hệ trẻ và toàn xã hội.