Người đi ''Dọc đường thơ''
Tôi quen biết Phạm Đình Ân đã lâu, cũng đọc nhiều thơ anh trên báo. Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam vừa rồi tôi mới được nhà thơ tặng cùng một lúc ba tập thơ: 'Cao nguyên đá' (Nhà xuất bản Kim Đồng); 'Trong người có lá' (Nhà xuất bản Thanh Niên) và 'Dọc đường thơ' (Nhà xuất bản Hội Nhà văn).
Đọc một số bài viết về Phạm Đình Ân in trong tập "Dọc đường thơ", tôi thấy nhiều nhận định khá chuẩn về đường thơ, đời thơ của Phạm Đình Ân.
Phạm Ngọc Luật viết: "Phạm Đình Ân từ khi tôi quen biết, tôi chẳng thấy anh có một đam mê nào khả dĩ so đọ được với thơ. Anh làm thơ bằng những hoàng hôn ngẫu nhiên. Và đặc biệt bằng nhiều hoàng hôn nung nấu. Anh làm thơ bằng tất cả sự đảm đang và cẩn trọng. Anh làm thơ bằng cả tâm và lực...". Tôi rất tâm đắc với nhận định này, bởi Phạm Đình Ân, như tôi biết, đã đi "Dọc đường thơ" bằng tất cả cuộc đời mình! "...Thắt buộc vào nhân thế/ Muôn mặt đời dại, khôn/ Còn cái còn mà mất/ Mất cái mất lại còn''/ (Người trong ảnh).
Là vậy! Nhân tình thế thái khi gắn chặt vào NGƯỜI THƠ, thì chính là đời, là người với những mất còn mà chỉ người thơ mới cảm nhận được.
Những phân tích của nhà phê bình Hà Quảng, tôi cho là đã nắm bắt được người thơ Phạm Đình Ân: " Nhiều bài thơ suy nghiệm về nhân tình thế thái của tác giả khá sâu sắc. Ngắn gọn, bắt đúng cái thần sự vật, trình bày khi là biểu tượng, khi là ẩn dụ, khi bằng những câu kết lửng lờ hay bột phát gợi suy nghĩ chìm sâu trong tâm tưởng người đọc...". (Thơ vòng quay và đời quay vòng).
Bây giờ không ít nhà thơ cũng viết nhiều về nhân tình thế thái. Nhưng, Phạm Đình Ân khác, đúng hơn, anh không viết theo kiểu thơ "chống tiêu cực". Nhà thơ cảm nhận từ tâm thức của chính mình, từ những "... hoàng hôn nung nấu", từ tâm can đau đáu: "...Ngẫm lẽ thường mặn nhạt/ Muối biển đời trắng tinh/ Ngày đầu năm mua muối/ Cầm trên tay, giật mình/" (Đầu năm mua muối). "... Dại gì mong kiếp người/ Sống làm người khó quá..." (Phóng sinh). "...Rủi nhiều hơn may, khổ nhiều hơn sướng/ Mười người xuôi tay đến chín chẳng yên lòng/ Ngay cả đến kẻ bất nhân cũng nổi chìm, khiếp đảm/ Huống chi đức tài, cao cả, trắng trong...". (Nghìn thu).
Khi người thơ sống hết mình, yêu hết mình, khổ đau vui sướng hết mình và cũng hết mình vì cái tốt, cái đẹp... thì chính những câu thơ viết ra dù cho bản thân, soi chiếu chính bản thân, cũng làm rung động, cảm hóa được người đời: "... Anh đã tồi đi nhiều lắm/ Thế mà/ lại vui/ Vì biết buồn/ Rằng mình tồi hơn trước" (Niềm vui và nỗi buồn).
Ông cha xưa thường nói đến thơ hay phải là "Ý tại ngôn ngoại", ngày nay thơ ca phát triển, có thơ văn xuôi, trường ca, thơ "tràng giang đại hải"!... Nhưng, cái cuối cùng của thơ hay vẫn là ít chữ, kiệm lời... Đó cũng là điều mà giải NOBEL văn chương năm 2020 được trao cho nữ nhà thơ Mỹ Louise Gluck, bởi thơ bà ÍT CHỮ, KIỆM LỜI và "mang phong cách tư tưởng".
Tôi không so sánh thơ Phạm Đình Ân với thơ của bà. Nhưng tôi cảm nhận cái cốt lõi của thơ là Ý TẠI NGÔN NGOẠI trong nhiều bài thơ của Phạm Đình Ân. Bài Cỏ xanh" trong tập thơ này có bốn câu nhưng rất nhiều sức gợi, sức mở ... "Cỏ vô tư, mãnh liệt/ Đất đâu cũng đất lành/ Mặc thăng- trầm, mất - được/ Trời xanh thì cỏ xanh".
Ngày nhà thơ cuối cùng của Phong trào Thơ mới Nguyễn Xuân Sanh ra đi, tôi tìm đọc lại bản tuyên ngôn tượng trưng của nhóm DẠ ĐÀI (1946) mà sinh thời ông là một trong những người tham gia khởi xướng, mới hay rằng quan điểm thơ mà một thời chúng ta nhất nhất phê phán lại có nhiều ý, nhiều câu nói đúng bản chất của thơ: "... Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới trên hàng chữ phải ẩn giấu muôn nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy...".
Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Phạm Đình Ân đã nói được sau cái thế giới trên hàng chữ còn "... ẩn giấu muôn ngàn thế giới...": "Một dòng sông muôn nghìn đời người/ ...Lam lũ khắp đất cằn khao khát/ dòng sông đục bùn" (Dòng sông đục bùn). "...Ông Bình Vôi buổi bão mưa/ Đem đi nghìn tuổi mà chưa thấy về" (Ông Bình Vôi). "...Thoát hiểm được không?/ Những ai không cần?/ Cửa nào dành riêng?/ Cửa nào còn lại?/ Mở/ Không mở..." (Cửa thoát hiểm).
"Sợi tóc" là một trong những bài thơ tôi thích bởi sự bất ngờ trong ý tưởng, chính sự bất ngờ tạo nên cảm xúc trong thơ với người đọc. Tôi thiển nghĩ, đó cũng chính là sức hấp dẫn của thơ: "Em tặng tôi sợi tóc của em/ Rồi ngày tháng vèo trôi em không nhớ nữa/ Năm mươi năm sau/ khi tìm được về chốn cũ/ tôi gặp một bà già tóc bạc/ bà chẳng biết tôi/ tôi tặng bà sợi tóc/ Bà khóc/ Sợi tóc vẫn còn đen".
Bây giờ mới biết Phạm Đình Ân cùng tuổi với tôi. Thế hệ chúng tôi đã trải qua nhiều biến động lịch sử của đất nước, để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn, trong thơ... Tôi xin mượn lời của nhà thơ Vũ Quần Phương viết về Phạm Đình Ân để khép lại bài viết này: "...Ông thể hiện chủ đề bằng thơ. Lấy tứ để khái quát chuyện đời. Bài thơ ngắn gọn mà giàu khêu gợi, ôm chứa rộng, xa... Phạm Đình Ân, thơ vốn khiêm nhường và lành, nhưng ở tập này đã tìm một đường mới... Mới chính mình và góp phần vào bước dịch chuyển của thơ..." (Đột biến Phạm Đình Ân).
Người đi dọc đường đời thế nào thì đi "Dọc đường thơ" cũng vậy. Bởi thơ chính là NGƯỜI.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguoi-di-doc-duong-tho-632761/