Người du nhập nghề mới cho phụ nữ nông thôn
'Không đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, mà cần sự tỉ mỉ, khéo léo để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ. Thời gian làm việc không gò bó, vừa tăng thu nhập vừa chăm sóc gia đình, con cái. Với những đặc điểm ấy, nghề làm mi giả phù hợp với phần lớn phụ nữ nông thôn' - đó là tâm sự của chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung, thôn Thành Thượng, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa).
Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung được thành lập từ năm 2022, trên cơ sở xưởng sản xuất mi Hiền Chung được thành lập từ năm 2019. Thời gian đầu thành lập, xưởng có 4 lao động, sau đó số lượng lao động tăng dần, nghề làm lông mi giả dần trở nên quen thuộc đối với chị em phụ nữ. Để mở rộng sản xuất, kinh doanh chị Hiền đã quyết định thành lập Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung. Đến nay, Công ty đã tạo việc làm cho hơn 60 lao động tham gia thường xuyên, với thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động làm thô tại nhà trong thời gian nhàn rỗi, với thu nhập từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Đến thăm Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung, chúng tôi khá bất ngờ với không khí làm việc ở đây. Các công nhân làm việc thoăn thoắt, tỉ mẩn với công việc của mình. Người ghép từng sợi mi, người cuốn ống... Chốc chốc mọi người lại trò chuyện, trao đổi công việc trong không khí vui vẻ. Chị Nguyễn Thị Hòe, người gắn bó với nghề mi ngay từ ngày đầu thành lập, cho biết: “Từ khi lập gia đình, tôi đã chuyển sang nghề làm mi giả. Nghề này phù hợp với nhiều người, lại dễ học. Thường thì học nghề khoảng 1 tuần, sau đó vừa học, vừa làm là quen nghề. Công việc cũng nhẹ nhàng, thu nhập ổn định. Như tôi thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng mà vẫn có thể chăm sóc gia đình, đưa đón con đi học”.
Theo quan sát, các công đoạn làm mi hầu như không cần thiết bị, máy móc hiện đại mà phần lớn được thực hiện bằng các bước thủ công. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, giám đốc công ty vừa hướng dẫn cho người làm vừa chia sẻ: “Nghề mi giả không đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật cao, mà chỉ cần sự tỉ mỉ, khéo léo để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ. Đồ nghề chỉ là chiếc nhíp và cây kéo nhỏ. Chỉ tính lao động làm việc trong những lúc nông nhàn mà vẫn có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đây có thể nói là nghề phù hợp với phụ nữ nông thôn, vừa tăng thu nhập mà vẫn có thể chăm sóc gia đình, con cái nên tôi đã thành lập xưởng sản xuất và thành lập công ty nhân rộng nghề cho nhiều chị em ở địa phương”.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Vinh, chị Hiền đã trở thành cô giáo mầm non như mơ ước. Với mong muốn tăng thu nhập cho gia đình, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Thu Hiền đã kết nối với bạn bè, người quen và luôn tìm hiểu, tìm kiếm việc làm thêm lúc rảnh rỗi. Nhờ thành thạo sử dụng internet và tinh thần ham học hỏi, chị Hiền đã lên mạng tìm kiếm việc làm, kết nối với các trang dịch vụ giới thiệu việc làm. Sau một thời gian tìm kiếm, chị Hiền đã kết nối với một tài khoản facebook hướng dẫn dạy làm mi giả. Thời gian đầu chị Hiền đã nhận làm thô tại nhà cho các xưởng sản xuất. Vừa làm vừa tìm hiểu, chị Hiền bắt đầu thấy yêu thích công việc này.
Từ niềm đam mê, gắn bó với nghề, chị Hiền đã quyết định xin nghỉ nghề “gõ đầu trẻ” để chuyên tâm sản xuất mi giả. Nhờ có mẫu mã đẹp và chất lượng nên sản phẩm được nhiều đối tác đặt hàng. Ngoài ra, chị Hiền đã kết nối với một số công ty thương mại đưa sản phẩm lông mi giả lên các sàn thương mại điện tử, qua các group, website, từ đó đã có nhiều đơn hàng với đối tác nước ngoài. Đến nay, mỗi tháng công ty cung ứng từ 40.000 - 60.000 hộp mi cho công ty thương mại và các đối tác quốc tế.
Đánh giá về Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thành Thân Văn Dũng cho biết: “Công ty TNHH Lông mi Hiền Chung là một mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với lao động địa phương, đặc biệt là những lao động nữ. Công ty đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.