Người đưa clip nhạy cảm của Văn Mai Hương lên mạng sẽ bị xử lý thế nào?
Vừa qua sự việc ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán clip tại nhà riêng lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, Báo Bảo vệ pháp luật đã có thông tin về việc này, tôi xin hỏi việc truy cập vào hệ thống thông tin của Văn Mai Hương và đưa lên mạng như trường hợp trên sẽ bị xử lý thế nào? (Một số độc giả tại TP Hà Nội).
Việc ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán clip tại nhà riêng lên mạng xã hội người đưa clip nhạy cảm của Văn Mai Hương lên mạng có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.
1. Xử phạt hành chính:
Truy cập trái phép vào hệ thống thông tin, thư tín, điện tín của người khác, đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư cá nhân là trái quy định pháp luật vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8, Điều 17 và Điều 18 của Luật An ninh mạng.
Người thực hiện các hành vi post, share, like clip, hình ảnh có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 64 Nghị định số: 174/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng (Ở đây người vi phạm đã thực hiện hành vi “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan” ).
2. Xử lý hình sự:
Ngoài ra, nếu việc đưa phát tán clip gây những hậu quả thiệt hại khác cho nạn nhân thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật) về những tội danh sau: Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự (BLHS), Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS ; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 BLHS hoặc Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác theo Điều 289 BLHS”.
Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự (BLHS) có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS khung hình phạt cao nhất có thểbị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS có khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác, tội phạm và hình phạt đối với những người thực hiện hành vi này được quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài các chế tài hành chính và hình sự nói trên, những người thực hiện đăng bài, share, like… còn có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại, buộc gỡ bài, buộc xin lỗi công khai vì đã có hành vi xâm phạm đến đời tư người khác khi người bị hại có yêu cầu.