Người 'đưa đò' thầm lặng
Chưa từng nghĩ có ngày sẽ theo học chuyên ngành Sư phạm, ấy thế mà cô Quảng Thị Kiệp-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại bén duyên rồi gắn bó với sự nghiệp 'trồng người' suốt 26 năm qua. Như người 'đưa đò' thầm lặng, mỗi bài giảng của cô đều chứa đựng sự tận tâm, trách nhiệm, thậm chí là hy sinh để chắp cánh cho những ước mơ của học trò được bay cao, bay xa.
Tôi tìm đến con hẻm nhỏ số 51 đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) để gặp cô Kiệp vào một buổi sáng cuối tuần, trước khi cô lên đường ra Đà Nẵng tham dự lớp tập huấn nghiệp vụ dành cho các giáo viên trường chuyên. Mặc dù đã nhận lời với tôi, song khi mở đầu cuộc trò chuyện, cô vẫn khá dè dặt, bởi cho rằng bản thân không có gì quá xuất sắc để nêu gương.
“Nghề giáo đã chọn tôi”
Sinh ra tại miền biển Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) trong gia đình có 7 anh chị em, từ nhỏ, cuộc sống của Quảng Thị Kiệp đã phải chịu nhiều vất vả. Thế nhưng, hoàn cảnh không ngăn được niềm đam mê học chữ của cô gái này. Dù là theo anh trai đến trường làng “học lỏm” hay khi chính thức cắp sách tới lớp, Quảng Thị Kiệp đều cho thấy khả năng học tập vượt trội. Lên bậc THPT, trường cách nhà hơn 20 km, điều kiện học tập và đi lại còn nhiều gian khó nhưng cô vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ con chữ. “Có giai đoạn ba má muốn tôi dừng việc học chữ, chuyển sang học nghề may để nối nghiệp chị. Nhưng cuối cùng, ông bà vẫn đành thuận theo sự quyết tâm đi học tới cùng của con gái”-cô Kiệp nhắc nhớ.
Tốt nghiệp THPT, Quảng Thị Kiệp chọn khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) để đăng ký một số ngành vào đại học, trong đó có ngành Sư phạm Sinh của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). Cô Kiệp tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã không thích làm giáo viên nên chỉ đăng ký dự thi trường sư phạm cho vui lòng cô bạn thân chứ không xuất phát từ chủ đích ban đầu. Ấy vậy mà cơ duyên lại đưa đẩy tôi bước vào giảng đường đại học sư phạm. Tháng 8-1996, sau khi tốt nghiệp, tôi nộp hồ sơ xin việc ở Gia Lai và được phân công về giảng dạy môn Sinh học tại Trường Phổ thông chuyên Hùng Vương, nay là Trường THPT chuyên Hùng Vương”.
Những ngày đầu lên Gia Lai nhận nhiệm vụ công tác, nỗi nhớ nhà cứ quay quắt trong lòng cô giáo trẻ. Thế nhưng đổi lại, sự giúp đỡ nhiệt thành của đồng nghiệp và sự kính trọng, thương quý của học trò đã xoa dịu phần nào nỗi nhớ ấy, đồng thời tiếp thêm động lực để cô có được những tiết dạy chất lượng và cuốn hút. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là vào ngày 20-11-1996, lần đầu tiên tôi được đón Tết nghề trong vòng tay của học trò lẫn cha mẹ các em. Bữa tiệc nhỏ diễn ra ngay khu tập thể của nhà trường đầy ấm cúng khiến tôi không khỏi xúc động và nhớ mãi đến tận bây giờ. Tôi không chọn nghề giáo nhưng nghề giáo đã chọn tôi và cho tôi những giá trị tinh thần vô giá”-cô Kiệp bày tỏ.
Tận tâm với sự nghiệp “trồng người”
Cô Quảng Thị Kiệp được xem là một trong những tấm gương tự học, tự rèn luyện và bồi dưỡng để hoàn thiện bản thân. Lúc nào cô cũng mong muốn mình có thể trở thành một người “đưa đò” vững vàng tay chèo chở học trò đến bến bờ tri thức. Chính vì lẽ đó mà cô là một trong những giáo viên của Trường THPT chuyên Hùng Vương hoàn thành chương trình thạc sĩ từ khá sớm (năm 2003). 10 năm sau, cô Kiệp tham gia dự thi và được xếp vào ngạch Giáo viên Trung học cao cấp; được nhà trường giao nhiệm vụ dạy lớp chuyên Sinh học và là lãnh đội trưởng bộ môn Sinh học, chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia ở bộ môn này. Năm 2018, cô tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Tổ trưởng Tổ Sinh học-Công nghệ, quản lý và điều hành hoạt động chuyên môn của tổ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám hiệu nhà trường.
Cô Kiệp chia sẻ: Với trọng trách vừa là tổ trưởng chuyên môn, vừa là lãnh đội trưởng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học, tôi đã cố gắng đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội tuyển cũng như phát huy tối đa sức mạnh nội lực của các giáo viên trong tổ tham gia bồi dưỡng; có kế hoạch bồi dưỡng chi tiết dài hạn, tăng thêm các chủ đề, chuyên đề; chủ động kết nối, mời giáo viên thỉnh giảng về trường để bồi dưỡng thêm cho đội tuyển và cả giáo viên trong tổ; đồng thời tự tìm tòi, nghiên cứu tài liệu chuyên ngành và học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp các trường bạn. Ngoài ra, tôi luôn chú trọng tăng cường năng lực tự học, sáng tạo của học sinh; bồi dưỡng kiến thức song song với phát hiện, khắc phục những điểm yếu, phát huy thế mạnh của từng em; thường xuyên động viên, lắng nghe ý kiến từ học sinh, mục đích là làm sao truyền được ngọn lửa yêu thích, đam mê và quyết tâm cao đến các em nhưng vẫn giữ được cho học trò tâm lý thoải mái nhất có thể.
“Trái ngọt” thu được của đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học trong nhiều năm qua chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của cô Kiệp cùng đồng nghiệp. Tính từ năm học 2013-2014 đến năm học 2021-2022, đội tuyển môn Sinh học đã mang về 33 giải học sinh giỏi quốc gia, gồm: 1 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 10 giải khuyến khích; trong đó có 4 học sinh được tham gia thi chọn Olympic quốc tế. Với thành tích này, cô Kiệp đã được lãnh đạo các cấp, ngành GD-ĐT vinh danh và khen thưởng. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, cô được tặng 4 bằng khen, 7 giấy khen; 5 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Cô cũng là người duy nhất của Trường THPT chuyên Hùng Vương được Bộ GD-ĐT khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án 959 về “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”.
Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: Là quản lý cũng là đồng nghiệp gắn bó lâu năm với cô Quảng Thị Kiệp, tôi nhận thấy cô có phong cách sống mộc mạc, tinh thần cầu tiến và thẳng thắn, chân thành với đồng nghiệp. Cô cũng là một tấm gương sáng về lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề; có năng lực chuyên môn. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, ở vị trí Tổ trưởng Tổ Sinh học-Công nghệ, cô Kiệp đã điều hành tổ triển khai thực hiện tốt kế hoạch giáo dục của nhà trường; xây dựng được sự đoàn kết, đồng lòng và huy động được khả năng, thế mạnh của các giáo viên trong tổ. Đội tuyển học sinh giỏi do cô làm lãnh đội trưởng hàng năm đều có giải cao ở các cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
Vậy nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những đóa hoa thơm ấy là sự hy sinh thầm lặng cho nghề và cho học trò của cô Kiệp suốt những năm tháng thanh xuân. Mãi đến năm 38 tuổi, cô mới tìm được hạnh phúc riêng cho mình. “Trong 30 năm công tác, tôi chưa từng thấy cô giáo nào nhiệt huyết và năng nổ với đội tuyển học sinh giỏi như cô Kiệp. Những ngày con còn nhỏ, cô vẫn sắp xếp để đưa học sinh đi bồi dưỡng ở tận Hà Nội; tạm gác việc gia đình, thiên chức của người vợ, người mẹ, xông xáo góp phần tạo nên thành công của đội tuyển. Tôi tự hào khi có một đồng nghiệp như cô Kiệp và mong rằng cô luôn giữ được lửa nghề để cùng chúng tôi làm nên thương hiệu trường chuyên của tỉnh”-thầy Lê Văn Thành-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương-nhận xét.
Bộc bạch cùng tôi, cô Kiệp bảo, chỉ cần nhìn thấy các thế hệ học sinh mà mình từng dìu dắt gặt hái được thành công nhất định, trở thành những người có ích cho xã hội là bản thân đã rất vui. Càng hạnh phúc hơn khi nhiều em trong số đó vẫn nhớ về cô giáo và bày tỏ sự tri ân bằng những lời nói, hành động thiết thực. Bác sĩ Hồ Ngọc Anh Vũ-Phó Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Mỹ Đức (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi là cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương niên khóa 2005-2008. Tôi được cô Kiệp dạy môn Sinh học từ năm lớp 10 và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia năm lớp 11. Hơn cả một giáo viên, cô còn là người mẹ hiền truyền cảm hứng để chúng tôi mạnh dạn theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ của mình. Cô chỉ dẫn cho chúng tôi cách học, lối suy nghĩ tích cực và tinh thần nỗ lực với những mục tiêu khác nhau trong cuộc sống. Tôi tự hào khi là học trò của cô và đang cố gắng từng ngày để trở thành 1 bác sĩ tử tế và chân thành như lời cô khuyên dạy”.
MỘC TRÀ
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12504/202207/nguoi-dua-do-tham-lang-5782002/