Người đứng đầu muốn nghe phản biện trung thực?
Ngày 6- 10, Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức buổi tọa đàm góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng dưới sự chủ trì của GS TS Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng T.Ư.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phùng Hữu Phú (giữa) trao đổi
với các đại biểu bên lề buổi tọa đàm. Ảnh: H.N.
Cần có cơ chế để dân phản biện
Ông Việt Phương, cán bộ lão thành cách mạng, bày tỏ, các văn kiện chuẩn bị cho đại hội XI đã bỏ đi 5 điều rất quan trọng như việc không còn đấu tranh đối kháng, giai cấp; động lực chủ yếu để phát triển đất nước là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa phát huy đại đoàn kết toàn dân với thực hiện dân chủ.
Ông Phương nhấn mạnh việc văn kiện không đề cập đến cơ chế để MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân thực hiện phản biện xã hội đối với đường lối, chủ trương, chính sách và các quyết định lớn của Đảng, Nhà nước, kể cả về tổ chức và cán bộ. Và cuối cùng là việc tiến bộ, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tổ chức tự quản của nhân dân, các hội… Đây là 5 điều đã có trong các văn kiện trước nhưng lần này không còn được ghi đầy đủ.
Ngoài ra, ông Việt Phương kiến nghị, hãy loại bỏ những yếu tố cũ kỹ, lỗi thời, lạc hậu, giáo điều trong các văn kiện của đại hội XI.
Thiếu “gián quan” có trách nhiệm
Ông Hữu Thọ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, từ sau năm 1975 đã có hai lần những ý kiến đóng góp của cơ sở và nhân dân giúp Đảng đột phá tư duy đổi mới. Đó là tại hội nghị T.Ư 6 khóa IV năm 1979 và đại hội VI năm 1986. Khi đó tình hình thực tiễn xã hội đòi hỏi đổi mới tư duy của Đảng; lãnh đạo đã chọn những vấn đề then chốt nhất để xử lý. Tại Đại hội VI, Bộ Chính trị chỉ chọn ba vấn đề để tiếp thu và thảo luận làm xoay chuyển tình hình.
Ông Hữu Thọ cho rằng, tình hình hiện nay có những nét tương ứng như hai thời điểm trên để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Để thực hiện cần thẳng thắn phân tích và tìm ra đúng nguyên nhân của 4 vấn đề bức xúc. Thứ nhất là văn kiện nào cũng nói đến phát triển bền vững mà không thực hiện được. Hiệu quả kinh tế ngày càng thấp.
Phải chăng là bệnh chạy theo thành tích với những con số tăng GDP cao nhưng không bền vững; thiếu những tranh luận, phản biện thẳng thắn, thiếu các gián quan có trách nhiệm. Dẫn chứng vụ việc tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Hữu Thọ băn khoăn, tại sao 11 lần thanh tra, kiểm toán đều không thấy gì. Ngoài ra, phải xem người đứng đầu có muốn lắng nghe những ý kiến phản biện trung thực không.
Điều thứ hai mà ông Hữu Thọ trăn trở là: Vì sao tham nhũng chưa bị đẩy lùi? Kết luận của hội nghị tham nhũng thế giới là, chống tham nhũng không được là do tham nhũng nằm ngay trong cơ chế, đó là cơ chế nuôi dưỡng chứ không phải cơ chế đẩy lùi. Ngoài ra, tuyệt đối không nên cho bộ đội và công an làm kinh tế.
Một số học giả cho rằng, việc gì cũng nên làm từ dưới lên nhưng riêng tham nhũng phải làm từ trên xuống. Nói vậy không phải cấp trên tham nhũng nhiều hơn mà vì trên trong sạch, gương mẫu thì mới kiểm tra được cấp dưới. Ông Thọ đề xuất, cơ quan chống tham nhũng nên là cơ quan của Quốc hội chứ không phải là thủ trưởng các cơ quan hành chính như hiện nay.
Bức xúc thứ ba là kinh tế lên nhưng văn hóa xuống cấp, nhất là văn hóa chính trị và văn hóa ứng xử, dẫn đến nguy cơ lúc nào đó thì “hồn cốt” dân tộc không còn, dễ bị lệ thuộc. Thứ tư là vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ra sao.
“Chúng ta chậm đổi mới tư duy là do giáo điều hay là lo chệch hướng”- Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư băn khoăn. Hiện trong nước còn nhiều vấn đề bức xúc. Tham nhũng, mua quan, bán chức vốn xa lạ với đảng cộng sản, nay lại diễn ra ở ta. Do vậy, phải xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền nhưng không chuyên quyền, lạm quyền.
Dân được quyền bãi miễn người mình bầu ra
Ông Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đặt vấn đề vì sao các cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng không thu được kết quả như mong muốn. Ông Quát cho rằng, phải coi dân chủ là động lực, có dân chủ thì sẽ đại đoàn kết. Dân bầu ra những người lãnh đạo các cơ quan nhà nước, đại diện cho quyền lực của dân, nhưng dân lại chưa có quyền bãi miễn các đại biểu không làm tròn lời hứa với dân.
Ông Quát kiến nghị, văn kiện cần bổ sung, giữa nhiệm kỳ các khu vực cử tri có quyền bãi miễn những đại biểu không làm đúng lời hứa. Quốc hội có thể họp phiên giữa nhiệm kỳ để bỏ phiếu bất tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân. Do vậy, cần thể chế bằng luật, dân được quyền bãi miễn những người mình bầu ra.
Ông Quát kiến nghị: “Cần có quy chế để cán bộ từ chức và buộc phải từ chức như đồng chí Lê Đức Thọ từ khóa IV đã nói, làm sao để cán bộ lên được nhưng cũng xuống được”.
Chống tham nhũng phải là nhiệm vụ số 1
Phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình Đại hội Đảng XI do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm qua, GS Hoàng Tụy cho rằng cơ chế quản lý và chính sách tài chính đã hợp thức hóa tham nhũng, lôi kéo ngày càng đông người vào tham nhũng và vì vậy chống tham nhũng phải là nhiệm vụ số 1 trong nhiệm kỳ tới.
GS Hoàng Tụy cho rằng nhận định tham nhũng đã giảm càng làm cho người dân thêm lo lắng.
Liên quan đến giáo dục, theo GS Hoàng Tụy, Nghị quyết Đại hội X và 3 nghị quyết của các hội nghị Trung ương đều đề cập vấn đề cải cách giáo dục. Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ, các đảng viên phụ trách giáo dục đều lảng tránh cải cách giáo dục, thời gian gần đây còn coi giáo dục đã đạt được “siêu thành tích”. “Đại hội này cần kiểm điểm về nghị quyết giáo dục. Đây là vấn đề sống còn của đất nước. Ai không thực hiện, ai cản trở những nghị quyết này cần phải kiểm điểm cho rõ” – Giáo sư Hoàng Tụy kiến nghị.
Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam kiến nghị cần phải làm rõ những khái niệm vốn từ lâu rất mù mờ, khó hiểu như “nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa”, “chủ đạo”, “nền tảng”…
Ông cho rằng cần làm rõ nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gì trong thế giới hiện tại, nhà nước pháp quyền Việt Nam là nhà nước gì; xã hội dân sự là gì. “Đây là những khái niệm cơ bản, tiến bộ của loài người, trong khi chúng ta né tránh. Vậy thì chúng ta sánh vai với các cường quốc làm sao được” – ông Thiên đặt vấn đề.