Người dùng thương mại điện tử Việt Nam vượt Thái Lan
Lãnh đạo Shopee nhận định Việt Nam không thua Thái Lan về thương mại điện tử, thậm chí phát triển tốt hơn về lượng người dùng.

Lãnh đạo Shopee Việt Nam nhận định thị trường Việt Nam không thua Thái Lan gì về thương mại điện tử. Ảnh: Đào Phương.
Tại buổi Tọa đàm "Không gian phát triển TP.HCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ" diễn ra chiều 11/7, ông Trần Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO nhìn nhận Việt Nam hiện đứng thứ 3 Đông Nam Á về dung lượng thị trường thương mại điện tử.
Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, ông cho rằng Việt Nam dự kiến vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí thứ 2 trong thời gian ngắn, có thể ngay trong năm nay.
Trong đó, TP.HCM sau sáp nhập trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất và quy mô nhất cả nước.
Vượt Thái Lan về lượng người dùng
Là sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động ở cả 2 thị trường, ông Phan Mạnh Hà - Giám đốc Đối ngoại Shopee Việt Nam cho rằng Việt Nam "không thua Thái Lan gì về thương mại điện tử". Thậm chí, Shopee Việt Nam phát triển tốt hơn Shopee Thái Lan về số lượng người dùng.
Ông cũng nhấn mạnh tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt với TP.HCM, một trung tâm siêu đô thị.
Tuy nhiên, Shopee hiện đối mặt với hai trăn trở. Cụ thể, đối với thị trường Việt Nam nói chung, thương mại điện tử giữa các địa phương phát triển không đồng đều. Các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa bắt kịp tốc độ phát triển của TP.HCM hay Hà Nội.
Riêng với TP.HCM, khoảng cách giữa các doanh nghiệp lớn và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tiểu thương cũng khá rõ rệt. "Đây là hai khoảng trống cũng như cơ hội mà chúng tôi nhìn thấy", ông Hà nói.
Theo ông, các tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ còn thiếu kỹ năng vận hành, gặp khó khăn trong việc thích ứng với chính sách thay đổi, năng lực quản lý còn hạn chế và cần được hỗ trợ thêm về hình ảnh cũng như logistics.
Chính vì vậy, đại diện Shopee cho rằng TP.HCM cần tăng cường truyền thông về lợi ích của thương mại điện tử. Việc truyền đạt rõ ràng giá trị mà thương mại điện tử mang lại sẽ giúp các đối tượng này "thông tư tưởng" và quyết tâm hành động. Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo thực chiến, cầm tay chỉ việc dành riêng cho SME và tiểu thương, bởi năng lực tiếp cận và triển khai của họ còn hạn chế.
Ông Hà nhấn mạnh thương mại điện tử không bị giới hạn bởi yếu tố địa lý. Các doanh nghiệp nhỏ tại TP.HCM có thể mở rộng thị trường không chỉ trong thành phố mà còn ra toàn quốc, thậm chí vươn ra quốc tế. Với kinh nghiệm hoạt động tại 8 quốc gia, Shopee tin rằng thương mại điện tử là công cụ hiệu quả để doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa ra thế giới.
Lời giải thương mại điện tử của Kido
Là đơn vị trực tiếp bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, đại diện Tập đoàn KIDO đã đề xuất 3 nhóm giải pháp quan trọng cùng một khuyến nghị then chốt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hiệu quả trên nền tảng số.
Theo ông, điều đầu tiên là doanh nghiệp cần khơi thông nội tại trước khi tham gia thương mại điện tử. Việc này đòi hỏi mỗi đơn vị phải tự đánh giá và chuẩn bị kỹ lưỡng, không nên tham gia chỉ vì xu hướng thị trường.
Doanh nghiệp cũng cần xác định rõ liệu sản phẩm của mình có khách hàng tiềm năng trên sàn thương mại điện tử hay không. Đồng thời, trang bị đầy đủ kiến thức về công nghệ và phương thức bán hàng mới.
Một yếu tố quan trọng khác là lựa chọn đúng sản phẩm để đưa lên sàn, tránh gây xung đột kênh phân phối, bởi với nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng hiện nay, doanh số từ kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tới 98-99%.
Về phía chính sách, ông Bảo cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các sàn thương mại điện tử, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, việc giảm phí sàn đối với sản phẩm Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận thị trường, mà còn nên được xem như một hình thức tái đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sử dụng khoản tiết kiệm này tái phát triển kinh doanh.
Trong khi đó, các hiệp hội cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực số, đây là yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Về phía cơ quan quản lý, ông đề xuất cần đưa các chương trình hỗ trợ truyền thống từ môi trường ngoại tuyến lên trực tuyến. Đơn cử như chương trình bình ổn giá của Sở Công Thương TP.HCM hiện chỉ đang triển khai offline, trong khi hoàn toàn có thể mở rộng dưới hình thức online để tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn.
Ngoài ra, cần thiết lập kênh phân phối hàng Việt trên thương mại điện tử. Ông Bảo nhấn mạnh đây phải là kênh "phân phối" thực sự để bán hàng, chứ không chỉ dừng lại ở việc "xúc tiến" như đã làm trong hai năm qua.
Cuối cùng, thay vì chỉ tổ chức nhiều hội thảo, đại diện Kido nhấn mạnh TP cần cụ thể hóa các giải pháp bằng những hoạt động thực tế, để nhanh chóng đưa Việt Nam vượt Thái Lan trở thành quốc gia đứng thứ hai về thương mại điện tử.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dung-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-vuot-thai-lan-post1567815.html