Người dưới 18 tuổi đứng tên thuê nhà sống tập thể là phạm pháp

Bạn đọc hỏi: Thời gian qua tại các thành phố lớn, nhiều trẻ vị thành niên đã thuê nhà nghỉ, phòng trọ tụ tập sinh sống tập thể, cùng thực hiện các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp tài sản… gây hoang mang dư luận. Xin luật sư cho biết, theo quy định hiện hành, người dưới 18 tuổi có được phép đứng tên ký hợp đồng thuê nhà không, trách nhiệm của bên cho thuê nhà ra sao? Phạm Đăng Khoa (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Đúng như thông tin bạn cung cấp, thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tài sản mà đối tượng thực hiện hành vi là người dưới 18, thậm chí dưới 16 tuổi. Những đối tượng này (gồm cả nam và nữ) thường thuê phòng trọ, sống tập trung và khi hết tiền thì lên kế hoạch phạm tội.

Mới đây, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã xác định, bóc gỡ ổ nhóm thiếu niên tụ tập sống tập thể, gây hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật, gồm P.H.T. (sinh tháng 1-2007, tạm trú ở phường Quang Trung, quận Hà Đông); P.G.K. (sinh tháng 7-2007, trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); P.X.H. (sinh tháng 5-2008 HKTT, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); B.D.L. (sinh tháng 5-2007, quê quán Hòa Bình) và Vũ Thùy P. (sinh tháng 8-2006, trú ở quận Hà Đông).

Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra nhân khẩu tạm trú nhằm phát hiện các sai phạm

Lực lượng công an thường xuyên kiểm tra nhân khẩu tạm trú nhằm phát hiện các sai phạm

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trong tháng 9-2022 đã thực hiện liên tiếp 4 vụ trộm cắp xe máy, 2 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn quận Hà Đông và quận Nam Từ Liêm, tổng trị giá tài sản khoảng 80 triệu đồng.

Có thể nói, việc để trẻ vị thành niên sống lang thang “bầy đàn” bên ngoài gia đình gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Đa số trẻ đó là những đối tượng đua đòi, lười lao động và nghiện game online. Để có tiền ăn chơi, tá túc tại các nhà nghỉ, khu trọ, bọn chúng thường bàn nhau thực hiện các hành vi phạm pháp luật như cướp giật, trộm cắp, trấn lột, tống tiền...

Phần lớn các đối tượng này đều xuất thân trong những gia đình có hoàn cảnh phức tạp, như bố mẹ sống ly thân, ly hôn, thiếu sự quản lý, quan tâm đến con cái, thậm chí không biết con em mình thường xuyên vi phạm pháp luật.

Về quy định liên quan đến việc cho thuê nhà trọ, để thực hiện các giao dịch liên quan đến bất động sản nói chung và thực hiện hợp đồng thuê nhà nói riêng, các cá nhân cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Đó là phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở. Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

 Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Đối chiếu quy định trên, người dưới 18 tuổi muốn thuê nhà trọ phải có chữ ký xác nhận, ý kiến đồng ý của người đại diện theo pháp luật bởi đây là giao dịch liên quan đến bất động sản (hợp đồng cho thuê nhà). Về người đại diện theo pháp luật, theo Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015, người đại diện của cá nhân gồm cha, mẹ đối với con chưa thành niên; Người giám hộ đối với người được giám hộ; Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. Trường hợp không có cha mẹ hoặc không có người giám hộ thì người đại diện theo pháp luật cho người dưới 16 tuổi là người do tòa án chỉ định. Đó có thể là anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại..

Với các giao dịch như ký kết hợp đồng thuê nhà trọ mà người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên chưa đồng ý thì hợp đồng thuê nhà trọ này sẽ bị vô hiệu vì khi người chưa thành niên giao kết hợp đồng thuê nhà trọ, họ là chủ thể chưa có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Điều này vi phạm về điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 và cũng là dấu hiệu để nhận biết giao dịch dân sự bị vô hiệu theo Điều 122.

Để tránh những rủi ro không đáng có, trước khi cho thuê nhà, bên cho thuê cần kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên thuê xem họ đã đủ tuổi để ký hợp đồng hay chưa, nếu chưa phải có văn bản với chữ ký xác nhận, ý kiến đồng ý của người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó. Trường hợp biết rõ bên thuê chưa đủ điều kiện theo quy định để ký hợp đồng nhưng bên cho thuê vì món lợi trước mắt vẫn cho thuê nhà thì không chỉ có nguy cơ bị “bùng” tiền thuê (giao dịch vô hiệu) mà còn có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu các đối tượng thuê nhà có hành vi vi phạm pháp luật.

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-duoi-18-tuoi-dung-ten-thue-nha-song-tap-the-la-pham-phap-post518715.antd