Người duy nhất làng lò nồi còn làm nồi đất
Từ xa xưa, các dụng cụ nồi, ấm, ảng, ghè đất… đã khá quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Quế An (H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và các xã, huyện lân cận. Các sản phẩm này đều được làm từ làng nghề nồi đất ở thôn Thắng Tây (Thắng Trà cũ) thuộc xã Quế An. Vì vậy, người ta hay gọi là làng lò nồi.
Từ xa xưa, các dụng cụ nồi, ấm, ảng, ghè đất… đã khá quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Quế An (H. Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và các xã, huyện lân cận. Các sản phẩm này đều được làm từ làng nghề nồi đất ở thôn Thắng Tây (Thắng Trà cũ) thuộc xã Quế An. Vì vậy, người ta hay gọi là làng lò nồi.
Đến đầu xã Quế An, hỏi làng nghề làm nồi đất, rất nhiều người biết. Không những thế, họ còn biết ở đây chỉ còn duy nhất bà Võ Thị Sương theo nghề. "Anh cứ đi đi, nhìn thấy trên cổng và quanh hàng rào có úp nồi đất là cái nhà làm nồi đất đó", một người dân chỉ đường. Quả vậy, khi chúng tôi đến nơi nhìn cổng ngõ và trên đầu các cây trụ làm tường rào đều có úp nồi đất. Rất dễ nhận biết.
Gặp vợ chồng Giang Ngọc Sanh- Võ Thị Sương, anh chị cho biết: Nghề này có từ rất lâu đời. Trước đây, rất nhiều hộ làm, sản phẩm của làng nghề có mặt ở nhiều địa phương và rất được ưa chuộng, mang lại thu nhập chính cho làng nghề này. Đến khi đồ dùng bằng kim loại, nhựa… sản xuất theo hình thức công nghiệp ra đời, sản phẩm làng lò nồi bán không chạy, dẫn đến nhiều người bỏ nghề chuyển qua làm công nhân ở nhà máy xí nghiệp, số thì đi làm keo… Những người gắn bó với nghề nay đã lớn tuổi nên không đủ sức khỏe để theo nghề nữa. Hiện nay làng nghề chỉ còn một hộ của anh chị làm thôi. Chị Sương là người gốc làng Thắng Tây, học nghề từ nhỏ. Khi lấy chồng làm cùng mẹ chồng và duy trì nghề cho đến hôm nay. Cũng như mọi người trong làng, trước đây chị làm rất nhiều loại từ các sản phẩm lớn như ảng, ghè đất, cho đến nồi, ấm…. Nay chị chỉ làm các sản phẩm theo thị hiếu của thị trường như nồi đất lớn nhỏ các loại, ấm đất…
Anh Sanh chỉ tay về phía đống đất cao ngay trước sân nhà cỏ mọc um tùm cho biết, đất sét mua để dành làm nồi đất cả năm. Anh chị đã từng làm thử nghiệm các loại đất sét ở nơi khác dễ khai thác hơn, nhưng đều không thành vì khi nung sản phẩm bị nứt. Đất ở làng Thắng Tây cho ra sản phẩm khi nung không bị nứt, khi chín đúng độ rất chắc. Đất sét để làm nồi hiện nay tìm mua cũng khó, phải chọn địa điểm có đất sét, thương lượng giá cả với chủ đất rồi thuê xe múc ở độ sâu 1,5 m mới lấy được, sau đó "hoàn thổ" cho họ.
Hiện nay, gia đình anh chị làm ra bao nhiêu đem bỏ sỉ cho các chợ ở Hiệp Đức, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn. Nhiều lúc, gia đình làm không kịp mối đặt hàng. Bình quân 7 đến 10 ngày nung một mẻ, cho ra khoảng 200-300 sản phẩm (tùy sản phẩm lớn hay nhỏ), bán được khoảng 4 triệu đồng, trừ chi phí còn trung bình 300 nghìn/1 ngày. Các công đoạn kỹ thuật chính để làm ra nồi đất đều do chị Sương đảm nhận, anh Sanh chỉ phụ chị máy đất, tìm chất đốt, đưa nồi vào lò, lấy nồi ra lò… Để làm ra sản phẩm phải qua nhiều công đoạn, đầu tiên là nhồi đất cho nhuyễn, trước đây dùng cối và chày giã, cách đây vài ba năm anh chị dùng máy.
Nghe làm nồi đất cũng lắm công phu. Bột đất sau khi máy được ngâm 2 ngày, sau đó ve đất lại thành từng đoạn hình trụ tròn vừa phải để thuận lợi cho quá trình làm sản phẩm và đậy kỹ để đất không bị khô. Trước khi làm sản phẩm, chuẩn bị một thau bột đất khô (bột áo) và một thau nước. Đầu tiên, rải một lớp bột áo đều lên bàn xoay để chống dính, lấy từng đoạn đất ve sẵn để lên bàn xoay. Dùng tay nén cho đất thành hình dáng sản phẩm cần làm. Bàn xoay tự xoay theo chiều nén đất, cứ thế hết đoạn đất này lại nối tiếp đoạn đất khác cho đến khi hình thành nên cái cốt của sản phẩm. Sau đó dùng nước vuốt qua một bận cho láng cả bên trong và bên ngoài, rồi đem sản phẩm phơi khoảng 2 tiếng cho héo, tiếp tục đem sản phẩm vào làm nguội, đặt trên bàn xoay nạo, gọt cho sản phẩm hoàn chỉnh rồi tiếp tục phơi sản phẩm cho khô, đợi đến khi đủ số lượng thì sắp vào lò để nung.
Sản phẩm nồi đất ở Thắng Tây được nung bằng lò nung bán lộ thiên, nung chín bằng sức nóng của lửa ngọn và than chứ không đốt trực tiếp lên sản phẩm. Sản phẩm được sắp vào lò phải úp miệng xuống, úp chồng lên nhau, nồi ở dưới, nắp nồi ở trên. Sau khi sắp sản phẩm vào lò, nhúng rơm khô vào nước cho ướt, để hơi ráo rồi phủ một lớp dày lên trên sản phẩm cho kín, sau đó đổ một lớp tro lên trên khỏa bằng để hơi không bay ra ngoài… Củi được đốt ở hai cửa lò, hơi nóng sẽ làm sản phẩm chín dần (khoảng 3 tiếng), cho đến khi rơm phủ phía trên thành tro là nồi đã chín, chờ cho nguội lấy sản phẩm ra.
Chứng kiến chị Sương làm các công đoạn để ra một sản phẩm, chúng tôi mới hiểu hơn được hai từ "nghệ nhân", cái chất "nghề truyền thống" chất "phi vật thể" được đúc kết từ bao đời mới có được. Thế nhưng, nghề truyền thống này đang bị mai một. Làng nghề xưa quanh năm nhả khói một vùng nay chỉ còn một người duy nhất theo nghề. Tôi hỏi chị Sương sao chị không tìm người để truyền nghề lại, chị cười buồn: "Chừ không có ai học nghề ni hết, chỉ hy vọng đứa con trai út sau này có vợ và sống với anh chị ở đây để chị truyền nghề".
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_242531_nguoi-duy-nhat-lang-lo-noi-con-lam-noi-dat.aspx