Người già cô đơn

Theo dõi bộ phim Bống thời 4.0, tôi chợt bất giác nhận ra, những hoàn cảnh như của ông Bảy trong phim dễ dàng bắt gặp ở ngoài đời. Đó là câu chuyện của những ông bố bà mẹ khi tuổi xế chiều sống cô quạnh một mình, khi con cái tất tả lên thành phố hay xuất ngoại mưu sinh.

1. Ông Bảy trong phim đáng thương vì hoàn cảnh gà trống nuôi… ba con. Khi con cái đủ lớn, ngoài chuyện không ai muốn theo nghề gia truyền, chúng còn rời xa ông. Vòng tay ấm của cha giờ chỉ còn là những ký ức đọng lại bởi thế giới rộng lớn, hào nhoáng ngoài kia mới là thứ những người trẻ như các con của ông tìm kiếm.

Cảnh ông trên đường đi lấy cá ngất lịm phải nhờ hàng xóm dìu về nhà, rồi lại nhờ người liên lạc gấp kêu con cái về quê xem cứ thấy nghẹn lòng. “Câu chuyện con cái lên phố mưu sinh để lại cha mẹ già một mình ở quê là thực trạng xã hội chưa có lời giải”, biên kịch Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ.

Không chỉ trong Bống thời 4.0, những Về nhà đi con, Thương ngày nắng về, Cuộc đời vẫn đẹp sao… cũng có biết bao nhiêu những khoảnh khắc ta nhìn thấy những ông bố, bà mẹ đơn chiếc trong chính ngôi nhà của mình. Có người, dù có con cái kề bên nhưng đôi khi vẫn thấy cô đơn, trống vắng và lạnh lẽo.

Sự đầm ấm, sum vầy của gia đình luôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của những bậc cha mẹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Sự đầm ấm, sum vầy của gia đình luôn là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của những bậc cha mẹ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

2. Ấy là chuyện trên phim. Nhưng phim ảnh cũng chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ hiện thực cuộc sống. Và, những câu chuyện như thế ta có thể dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tôi còn nhớ khi bạn tôi sinh con đầu lòng, mẹ chồng phải tất tả thu xếp mọi công việc đồng áng, từ miền quê nghèo Hà Nam vào TPHCM suốt 3 năm chăm sóc cháu.

“Ông nhà tôi lần nào gọi điện cũng giận lẫy nói bà bỏ tôi, bỏ Tết nhất giỗ chạp, bỏ cả họ hàng đi biền biệt không thấy mặt”, bà nói với giọng rưng rưng. Bà kể, có khi ông giận cả tháng không gọi điện, có gọi cũng không bắt máy. Rồi bà lại nghĩ, nhìn ông một thân một mình ra vào cô quạnh trong ngôi nhà ba gian, sao không chạnh lòng cho được.

Có lúc, bà bàn với con, thu xếp sẵn quần áo để ra ga tàu về quê. Nhưng nhìn đứa cháu nhỏ một mình, bố mẹ ngày nào cũng đi làm tối mịt mới về, bà lại dặn lòng ráng ở lại thêm đến khi cháu vào mẫu giáo. Thở dài một tiếng, bà ví mình chẳng khác nào con cá trong giỏ cua, bỏ thì thương vương thì tội.

Hay như câu chuyện của cô bạn đồng nghiệp trong hoàn cảnh đơn chiếc một mẹ một con. Nhà mẹ ở Long An, còn bạn làm ở TPHCM, cách nhau chừng 40km và tuần nào bạn cũng về thăm mẹ. Nhưng một ngày bác sĩ nói bà bị rối loạn lo âu đến mất ngủ. Hỏi ra mới biết, bà nói một mình ở trong căn nhà rộng lúc nào cũng thấy cô đơn, đêm nằm không dám ngủ.

Trước đây khi ông còn sống, cả hai còn thủ thỉ với nhau sáng tối. Từ ngày ông mất, chỉ thấy bà ra ngóng vào trông, dù kế bên nhà còn có họ hàng nhưng cũng không thể khỏa lấp. “Tôi từng nghĩ hay kiếm công việc gì về quê gần mẹ cho bà đỡ buồn. Nhưng rồi nhìn lại, mình ở phố đang có công việc, thu nhập ổn định, không dám mạo hiểm. Vậy nên tuần nào cũng chạy xe về với mẹ, tâm sự đủ thứ để bà bớt lo, bớt nghĩ”, bạn tâm sự.

3. Ở thành phố, vào những buổi sáng sớm hay chiều muộn, tại khuôn viên công cộng của các khu chung cư luôn có rất nhiều người lớn tuổi - là những người ông, người bà từ quê vào chăm cháu. Hiếm lắm mới thấy gia đình có cả ông và bà cùng vào chăm cháu, còn phần lớn là bà đi, nghĩa là ông sống một mình.

Trong xã hội hiện đại, người trẻ ngày càng có xu hướng thích cuộc sống tự lập, tách riêng khỏi cha mẹ, thậm chí dù sống cùng thành phố vẫn thuê nhà riêng để ở. Ở nhiều vùng quê, ra ngõ cũng chỉ bắt gặp người già và trẻ con, vì người trong độ tuổi lao động đều mải miết lên các thành phố lớn, đi xuất khẩu lao động kiếm sống.

Hay như câu chuyện ông, bà phải bỏ quê ra phố chăm cháu cũng rất phổ biến. Và, trong muôn hình vạn trạng ấy, cảm giác cô đơn khi tuổi già ập đến mỗi ngày lại nhiều hơn. Không ít người có cảm giác bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình, thậm chí có con đàn cháu đống.

Người già và trẻ con có điểm chung: luôn thích được quan tâm, chia sẻ và có người kề bên để tâm sự, giãi bày. Với sự phát triển của công nghệ, khoảng cách đã phần nào được thu hẹp với những kết nối để có thể nghe - nhìn mọi lúc, mọi nơi. Nhiều người già bắt đầu tập sử dụng mạng xã hội, xài điện thoại thông minh với mong muốn được nhìn, trò chuyện cùng con cháu mỗi ngày.

Bởi thế, dù trước áp lực phải xa nhà mưu sinh, những cuộc điện thoại hỏi han của con cái phần nào giúp xoa dịu sự cô đơn của ông bà, cha mẹ. Nếu không thể giúp cha mẹ bớt cô đơn, chúng ta cũng đừng làm chúng đầy thêm!

MINH KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-gia-co-don-post704126.html