Người già đơn côi

Ông cụ thở dài đánh thượt rồi xúc thìa cháo đưa lên miệng, hai giọt nước mắt lăn trên gò má...

Buổi sáng mùa thu trời mát mẻ, ông cụ ngồi trên chiếc tràng kỷ nhấp từng ngụm trà nóng. Có tuổi rồi, người ngợm dễ mỏi mệt, đau nhức. Hôm qua, ông mệt, đi nằm từ chập tối. Ông nghe như hương thị, hương ổi thoang thoảng đâu đây. Ông nhắm mắt hít hà rồi mường tượng ra bóng bà cụ lom khom bên dưới gốc cây thị ngoài vườn, hai đứa cháu trai nhỏ đùa nghịch bên cạnh, hai đứa cháu gái lớn đang vắt vẻo trên cây hái quả chín, được quả nào chúng lại bỏ vào chiếc làn cói treo chỗ chạc ba gần thân cây. Nhắm lúc đầy đầy lại dòng dây đưa xuống cho bà đổ ra thúng. Ông chợt cười, có mấy bà cháu thôi mà rộn cả góc vườn. Hái thị xong mấy bà cháu sẽ chuyển sang hái ổi… Bỗng ông cụ ngẩn người, mới đó mà giờ nhà chẳng còn ai. Cây ổi, cây thị đã chặt đi từ lâu, từ lúc mấy đứa cháu của ông lớn lên. Chính ông đã quyết định chặt mấy cái cây đó đi để xây thêm gian nhà ở cho rộng rãi. Còn bà cụ cũng đã về với tổ tiên cách đây mấy năm rồi.

Con cháu lớn lên, đi làm ăn xa cả. Vợ chồng con trai ông cũng phải chia nhau đi trông cháu cho con. Thành ra, nhà này rộng mà còn lại mỗi mình ông cụ. Con cháu thấy ông già yếu có lo lắng, muốn đón ông về ở cùng thì ông gạt đi. Ông còn tự lo được. Ngày ngày vẫn nhóm lửa nấu cơm, nấu canh. Một mình cũng buồn, nhiều khi cũng nhớ con nhớ cháu nhưng ông cụ vẫn nhất định không chịu đến ở cùng đứa nào, sợ phiền bận chúng nó.

Các con, các cháu ông cũng không xa xôi gì nhưng do bận bịu công việc mà lâu lâu mới ghé về thăm ông. Lần nào có con cháu về, ông tươi tỉnh hẳn, ăn uống cũng khá hơn. Còn thường một mình, ông nấu một bữa ăn hai. Buồn! Con cháu có sắm cho ông cái điện thoại nhưng mắt mũi giờ kèm nhèm nhìn không rõ, có thấy gì đâu mà gọi. Vả lại ông cũng sợ chúng bận, lại phiền. Ngay cả những lúc chúng gọi về, tai ông nghễnh ngãng nghe cứ câu được câu mất. Chán chết!

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ông rắc chút đường vào tô cháo vừa múc từ nồi ra, lấy muỗng đảo đều, xúc một muỗng đưa lên miệng, cảm nhận được vị thơm của gạo, vị ngọt của đường. Vậy là khỏe hơn rồi. Hôm qua, ăn miếng cơm mà miệng đắng chát. Lúc ông ăn cơm xong, đứng lên mang cái bát đi rửa, thấy chóng mặt, ngã đập xuống cái bờ kia, mãi mới dậy được. Vậy mà ông cụ vẫn không muốn báo cho con cháu biết, sợ chúng nó lo.

Ông cụ vừa ăn cháo vừa nghĩ đến hai cây na to phía bờ tường cuối vườn năm nào cũng sai quả. Thường ông cụ hái chờ con cháu về, chia cho mỗi đứa vài quả, có khi khỏe, ông cụ sẽ tự đạp xe mang đi. Hôm nay, không biết có đứa nào về chơi không. Ông cụ nghĩ vậy rồi ngóng ra ngoài như chờ đợi.

Chợt ông cụ ngẩn người: chín mươi, già quá rồi còn gì. Lứa tuổi của ông, các ông bà ấy đã đi cả. Bà nhà ông cũng mất cách đây bảy năm, lúc đó bà ấy mới tám mươi tuổi mà người ta đã xuýt xoa sống thọ. Ngày bà ấy mất, còn có ông bên cạnh, biết mà báo con cháu. Giờ mỗi mình ông, con cháu thì công kia việc nọ, có rảnh mà về luôn đâu. Con dâu thứ của ông cũng mấy lần năn nỉ ông xuống ở cùng vợ chồng nó cho tiện bề chăm sóc nhưng ông còn chùng chình. Đi rồi, ai trông nom nhà cửa trên này, ai ngày ngày ra vào hương khói cho các cụ và bà ấy. Nhà rộng, không có hơi người ra vào, chỉ vài hôm sẽ như cái nhà hoang ấy chứ.

Ông cụ thở dài đánh thượt rồi xúc thìa cháo đưa lên miệng. Bỗng ông bị sặc, ho liên hồi, mặt đỏ rồi tái dần, những đường gân ở cổ nổi cả lên. Ông ngả người ra ghế, đưa tay vuốt từ trên ngực xuống. Hai giọt nước mắt lăn trên gò má, lẩn vào những nếp nhăn.

Trương Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/nguoi-gia-don-coi-20221210195414574.htm