Người già gãy xương khớp háng nguy hiểm thế nào, phòng tránh ra sao?
Gãy xương khớp háng ở người cao tuổi gây nguy hiểm bởi những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng, đặc biệt tăng cao ở những người có bệnh lý đi kèm.
Người già gãy xương khớp háng nguy hiểm thế nào?
Theo số liệu thống kê năm 2010 của Bệnh viện NHDS (National Hospital Discharge Survey) tại Mỹ, 80% gãy xương vùng khớp háng gặp ở người trên 65 tuổi, trong đó 72% là nữ giới.
PGS.TS Dương Đình Toàn, phó Trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết gãy xương vùng khớp háng không chỉ gây hạn chế khả năng vận động mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh vì họ phải trải qua các quá trình điều trị như bất động, phẫu thuật, nằm viện, tập phục hồi chức năng,...
“Khi bị gãy xương vùng khớp háng, hàng ngày người bệnh phải cần đến sự trợ giúp chăm sóc từ người khác, quá trình này có thể kéo dài hàng năm, tạo tâm lý phiền phức cho người già. Hơn thế nữa, gãy xương vùng khớp háng nếu điều trị không kịp thời, không đúng phương pháp dễ dẫn đến các biến chứng như loét tỳ đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, tắc mạch chi, tắc mạch phổi, cuối cùng là tử vong” – PGS.TS Dương Đình Toàn nói.
Nguyên nhân gãy xương vùng khớp háng
Phần lớn gãy xương vùng khớp háng xảy ra trên nền loãng xương ở người cao tuổi, sau một chấn thương vào vùng háng. Cơ chế thường thấy là ngã ngồi đập mông xuống nền cứng (nền nhà, cầu thang, nhà vệ sinh). Loãng xương là yếu tố thuận lợi, làm cho thành xương mỏng, xương mềm, giảm khả năng chịu lực, dễ gãy, đặc biệt xương vùng khớp háng.
Các yếu tố nguy cơ
PGS.TS Dương Đình Toàn chỉ ra yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến gãy xương vùng khớp háng, gồm hai nhóm: nhóm liên quan đến tình trạng loãng xương và nhóm các bệnh lý dễ té ngã.
Nhóm loãng xương
Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ loãng xương càng tăng.
Giới: nữ giới có tỷ lệ loãng xương cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi.
Di truyền: trong gia đình có người từng gãy xương vì loãng xương (loãng xương nặng) thì các thành viên khác trong gia định có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn khi có tuổi. Người có thể trạng gầy, nhỏ dễ mắc loãng xương.
Dinh dưỡng: người nhẹ cân, dinh dưỡng kém, có chế độ ăn kiêng làm giảm calxi và vitamin D trong khẩu phần ăn, dễ mắc loãng xương và gãy xương.
Lối sống: hút thuốc lá, lạm dụng rượu, cùng với ít rèn luyện thể lực là những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương, dễ gãy xương.
Bệnh mạn tính: một số bệnh mạn tính phải sử dụng thuốc nội tiết hoặc corticoid thường xuyên như lupus ban đỏ, viêm đa khớp dạng thấp… dễ dẫn đến loãng xương (loãng xương thứ phát).
Nhóm nguy cơ dễ té ngã
Người suy giảm về thể chất và tinh thần: liệt yếu chi, viêm khớp mãn tính, thị lực kém, lão hóa, sa sút trí tuệ, Alzheimer…
Sử dụng thuốc: nhiều loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị động kinh, thuốc an thần… có tác dụng phụ làm giảm khả năng giữ thăng bằng của cơ thể, hoặc gây buồn ngủ, chóng mặt, mất tập trung… dễ gây té ngã.
Cách phòng tránh gãy xương vùng khớp háng
Môi trường sống an toàn
“Phần lớn các trường hợp gãy xương vùng khớp háng ở người cao tuổi do trượt chân ngã tại nhà (cầu thang, bậc thềm, sàn nhà tắm). Đa phần chúng ta có thể ngăn ngừa được những tai nạn này bằng những cách như sắp xếp các vật dụng trong nhà gọn gàng, tránh vướng chân, vấp ngã; trong nhà phải đầy đủ ánh sáng để người già dễ quan sát; trong phòng tắm phải gắn các thanh vịn, có thảm chống trượt; gạch lát nhà tăng độ ma sát…” – PGS.TS Dương Đình Toàn nói.
Tập luyện
Tập thể dục vừa giúp chậm loãng xương, vừa tăng cường sức khỏe cho cơ bắp. Ngoài ra tập thể dục giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Các môn thể dục phù hợp người có tuổi gồm leo cầu thang, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe…
Tập cách giữ thăng bằng góp phần làm giảm nguy cơ té ngã
PGS.TS Dương Đình Toàn khuyên người cao tuổi nên trang bị những hiểu biết về tự chăm sóc sức khỏe, để ý tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng.
“Hàng năm người cao tuổi nên khám mắt, kiểm tra thị lực, khám tim mạch định kỳ. Khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cũng nên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ và liều lượng phù hợp, đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, lưu ý những tác dụng phụ như chóng mặt, mất thăng bằng, buồn ngủ, mất tập trung…” – BS Toàn nhấn mạnh.