Người già kể chuyện

Ngay đoạn rẽ vào làng, tôi gặp 3 cụ bà đang ngồi ven lề đường. Đầu vấn khăn đen, miệng bỏm bẻm nhai trầu, các bà bình thản nói chuyện với nhau, chẳng cần biết đến sự hiện diện của dòng xe tấp nập qua lại.

Đi thêm một quãng, một cụ ông đang dò dò chống chiếc gậy bốn chân vừa từ quán nước bước ra. Xe đi qua không ai bấm còi, tự động giảm tốc độ, lựa đường tránh cụ. Trên đường làng, các cụ ngồi nói chuyện đã thành thói quen, những mảnh ghép quá khứ ngồi bên nhau như hình ảnh thời gian đang dịch chuyển chầm chậm.

Về làng, ngồi sán lại bắt chuyện thử xem, ta sẽ thấy các cụ gần gũi, nhiệt tình và cởi mở lắm. Chẳng ai nỡ chối từ những người đến hỏi chuyện, dù là người chưa gặp bao giờ. Dưới gốc đa xù xì, rêu mốc, các cụ sẽ kể những câu chuyện bao giờ cũng được mở đầu bằng hai chữ “ngày xưa”. Chẳng mấy khi có mốc thời gian cụ thể, đó là cách các cụ định tính để phân biệt với thời gian sống hiện tại.

 Minh họa: MẠNH TIẾN.

Minh họa: MẠNH TIẾN.

Câu chuyện của các cụ dài lắm mà thường đan cài nhiều mẩu chuyện khác nhau. Tôi từng ngồi nghe các cụ kể về những chiếc cổng của làng mình. Một cụ sẽ kể lại cho ta câu chuyện bằng cả tấm lòng của người yêu quê, vẽ lại hình ảnh của từng chiếc cổng làng xưa cũ một cách chi tiết bằng ngôn từ mộc mạc. Làng xưa có 3 cổng nhưng khi vừa nhắc đến cổng chùa, có cụ ngồi bên góp lời giải thích kỹ hơn ý nghĩa tên gọi. Nguyên do trước đây, chiếc cổng nằm ngay ngôi chùa cổ của làng. Rồi cụ lại kể thêm về trận lụt lịch sử, nước mênh mông trắng trời, nước dâng cả vào chùa khiến tượng thờ trôi ra sát bờ ao của mấy nhà ở gần cổng chùa. Nghe đến đấy, một vài cụ khác ngồi trầm ngâm, gật gù như xác tín cho điều mà mình cũng từng chứng kiến.

Người già kể câu chuyện của cộng đồng luôn tìm cho mình tiếng nói chung kết nối nhưng khi trở về với câu chuyện cuộc đời lại là những mảnh ghép ký ức sâu lắng. Tôi từng về làng Diềm ở Bắc Ninh thăm một nghệ nhân quan họ đã luống tuổi. Cụ ngồi trên chiếc giường cũ như chính cuộc đời mình. Mỗi khi có động tác dịch chuyển nhỏ, chiếc giường lại khẽ rung lên những thanh âm cót két. Cụ nhắc lại chuyện xưa, mỗi tối khi các liền chị í ới gọi nhau đầu ngõ là lại len lén trốn bố mẹ đi học hát. Kể đến đây, cụ trân trân nhìn vào khoảng không phía trước, đôi mắt ướt nhèm, chốc chốc lại lấy chiếc khăn tay chấm vào đuôi mắt. Tôi chợt nghĩ, phải chăng cụ đang thấy mình trở về với hình bóng cô bé nhỏ nhắn, đôi mắt long lanh, giọng ca trong trẻo, lanh lảnh “học đòi” lời hát cùng các liền chị...

Nhắc đến câu chuyện riêng lẻ của người già, tôi chợt nhớ đến bà ngoại mình. Trong khi ông ngoại là người thợ mộc lành nghề từng đi khắp dọc đất nước để xây dựng những ngôi nhà gỗ cổ thì bà là người phụ nữ của gia đình, dành trọn cuộc đời sau lũy tre làng. Tôi vẫn nhớ như in cái lưng còng của bà ngoại. Cái lưng ấy gần như song song với mặt đất. Nói chuyện với con cháu, bà phải chống hai tay lên đầu gậy, nghiêng nghiêng đầu gật gù. Bà có một chiếc túi vải đựng tiền thắt miệng bằng dây chun, lẩn bên cạp quần. Mỗi khi có đứa cháu sang chơi, bà lại lần dở túi tiền, dúi vào tay cháu mấy đồng lẻ. Bà hay kể đi kể lại nhiều lần câu chuyện khi tránh bom, mẹ và dì tôi ngủ quên luôn dưới căn hầm gần đống rơm khiến cả nhà phải ngược xuôi đi tìm. Mẹ tôi cười, bà còn kể được là còn khỏe.

Những câu chuyện của bà ngoại hay các cụ trong làng kể lại đơn giản là vậy. Nó đến trong những lần gặp gỡ, trò chuyện đôi khi không đầu không cuối. Mỗi câu chuyện là số phận của cộng đồng, số phận của con người với đầy đủ những hào sảng hay trầm lắng, mừng vui hay buồn thương. Tất cả gói lại trong lời kể chậm rãi, bình yên lạ thường, mặc cho những hối hả, gấp gáp đang chảy trôi quanh ta.

Tản văn của NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nguoi-gia-ke-chuyen-656934