Người giám thị ở trại giam hai lần nhận danh hiệu anh hùng
Nước da rám nắng, vóc người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm, ở Ðại tá Nguyễn Ðình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung kiêm Giám đốc Trung tâm Ayun toát lên vẻ cương nghị, thẳng thắn.
Vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Hà Nội, dịp tháng 3 vừa qua, vị Giám thị Trại giam này đã cuốn hút chúng tôi bằng những câu chuyện cảm động, nhân văn, ẩn giấu sự hy sinh thầm lặng, bền bỉ của anh và đồng đội. Họ đang từng ngày, từng giờ dùng nhân tâm thu phục lòng người, giúp phạm nhân cải tạo tốt để sớm trở lại hòa nhập với cộng đồng.
Lan tỏa niềm tin hướng thiện
“Một sáng mùa hè năm 2016, cầm lá thư “Gửi lời xin lỗi’’ do phạm nhân Ðinh Cường (SN 1987), trú tại TP. Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk viết gửi Trại, tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần với cảm xúc thật đặc biệt.
Việc phạm nhân này đã biết quý trọng cuộc sống, hướng tới sự lương thiện, cải tạo tốt để hoàn lương là niềm vui giản dị, nhỏ bé của những người quản giáo...” – Giám thị Nguyễn Ðình Ba đã mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên về chuyện nghề, chuyện đời của những “thầy giáo đặc biệt“ mà học sinh của họ là các phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù bằng một câu chuyện đẹp trong ký ức như thế.
Khi nghiên cứu hồ sơ của Ðinh Cường mới được chuyển từ Trại giam Ðắc Trung đến Trại giam Gia Trung, Ðại tá Nguyễn Ðình Ba cảm thấy trăn trở. Với tội danh cướp tài sản, mang trên mình mức án hơn 8 năm tù giam, phạm nhân Cường đã có lần tự tử không thành khi bị người yêu và người thân xa lánh. Anh đã quyết định giao nhiệm vụ cho một quản giáo có kinh nghiệm trong công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân thường xuyên động viên Cường yên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, khi thấy Cường có biểu hiện chán nản, bỏ ăn, lầm lỳ không nói chuyện, đôi lúc bày tỏ ý định muốn tự vẫn để khỏi làm xấu hổ tới gia đình, Ðại tá Nguyễn Ðình Ba đã quyết định trực tiếp tới gặp gỡ phạm nhân này; đồng thời, mời người thân đến tận trại gặp gỡ, động viên Cường.
Cảm động trước sự chân tình của Giám thị, quản giáo và người thân, Cường đã từ bỏ ý định tự sát, tự nguyện viết cam kết học tập và cải tạo tiến bộ. Sau 2 năm phấn đấu, Cường đã được xếp loại cải tạo khá, được phạm nhân bình bầu và Trại giam xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Lá thư này, Cường đã viết bằng cả tấm lòng của một người lầm lỗi đã vượt qua được chính mình, hướng tới sự hoàn lương, bày tỏ lòng biết ơn đối Giám thị và quản giáo đã một lần nữa cứu sống mình để anh ta có cơ hội làm lại cuộc đời.
“Phạm nhân mới vào trại đều có chung suy nghĩ có thể sẽ không được đối xử tốt; bao năm cải tạo sẽ là bấy nhiêu năm bị hành hạ, nhục hình… Ðể xóa đi tâm lý đó, cá nhân tôi đã trực tiếp gặp gỡ các phạm nhân mới vào trại để giáo dục đường lối chính sách nhân đạo của Ðảng, pháp luật của Nhà nước nhằm động viên phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo”, Ðại tá Nguyễn Ðình Ba bộc bạch.
Cùng với đó là giao trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) quản lý, giám sát trong lao động, sinh hoạt nếu có hiện tượng “anh, chị” bắt nạt phạm nhân mới phải giải quyết, xử lý kịp thời. Trại còn giao nhiệm vụ cho Ban tự quản phạm nhân thường xuyên tiếp xúc, giáo dục, động viên để nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân; chủ động giáo dục cải tạo tại chỗ, làm tốt công tác phòng ngừa, không để sự việc phức tạp nảy sinh mới giải quyết, nhằm tạo cho phạm nhân có lòng tin đối với chính sách cải tạo của Ðảng và Nhà nước.
Ở Trại giam Gia Trung, Ban Giám thị đã luôn chú trọng gặp gỡ, đối thoại với phạm nhân để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn và thắc mắc, thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với phạm nhân; tăng cường quản lý phạm nhân đi điều trị bệnh tại Bệnh viện tuyến trên và phát động phong trào “Tố giác phạm nhân vi phạm nội quy trại giam”, “Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”, phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”...
Ðặc biệt, phong trào giáo dục phạm nhân bằng “Tình thương, trách nhiệm” đem lại hiệu quả thiết thực. Trại đã kịp thời đề xuất và khen thưởng những tập thể, CBCS có thành tích trong công tác; tập thể và các phạm nhân có thành tích trong học tập, lao động cải tạo.
Hằng tháng, các phân trại đều tổ chức diễn đàn giữa CBCS và phạm nhân về văn hóa giao tiếp, ứng xử, thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao… từ đó tạo ra không khí mới, xóa đi sự mặc cảm giữa người vi phạm pháp luật với người quản lý thi hành án và làm cho phạm nhân tự giác cải tạo.
Nhiều sáng kiến trong quản lý trại giam
Hai lần Trại giam Gia Trung được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, để đạt được điều này, Trại giam đã có những thành tích đặc biệt gì? Ði tìm hiểu câu trả lời, chúng tôi bất ngờ với những cống hiến, sáng tạo của Ban Giám thị và những “người thầy đặc biệt” ở đơn vị đặc biệt này.
Ðại tá Nguyễn Ðình Ba cho biết, Trại giam Gia Trung có 4 phân trại đóng quân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Trên cương vị Giám thị, gần chục năm nay, anh luôn trăn trở, tìm nhiều biện pháp, học tập kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo công tác ở các trại giam trong toàn quốc; năng động sáng tạo cùng tập thể lãnh đạo, CBCS trong đơn vị phấn đấu, liên tục 10 năm đạt “Ðơn vị quyết thắng”, trở thành Lá cờ đầu của Bộ Công an trong khối các trại giam.
Một trong những sáng kiến ưu việt nhất của Trại giam Gia Trung là sử dụng thiết bị bảo vệ hệ thống điện trong trại. Quá trình sử dụng đã mang lại hiệu quả to lớn như: Phòng ngừa tai nạn cháy nổ trong các buồng giam, khu giam, đảm bảo tính mạng, sức khỏe của phạm nhân; vô hiệu hóa việc phạm nhân sử dụng điện thoại di động trong trại giam; tiết kiệm được nguồn tiêu hao năng lượng điện, tiết kiệm chi phí mỗi năm hàng trăm triệu đồng; phòng ngừa được tai nạn do sét đánh vào mùa mưa bão...
Từ sáng kiến này đã góp phần làm giảm tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy kỷ luật, ngăn chặn triệt để tình trạng phạm nhân sử dụng điện thoại di động, ma túy trong trại. Với thành tích đặc biệt xuất sắc này, năm 2016, Giám thị Nguyễn Ðình Ba đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Nhiều đơn vị trại giam trên cả nước đã tìm đến Trại giam Gia Trung học tập và vận dụng sáng kiến, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực tiễn công tác giáo dục và quản lý phạm nhân.
Ðể giảm tình trạng phạm nhân vi phạm nội quy một cách bền vững, Ðại tá Nguyễn Ðình Ba đã sáng tạo, đề ra nhiều giải pháp trong quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân được CBCS và phạm nhân ủng hộ như: Thường xuyên quán triệt CBCS ý thức được thủ đoạn và cách thức phạm nhân lợi dụng sơ hở của cán bộ để đưa vật cấm vào trại; tăng cường kiểm tra công khai, đột xuất cả trong và ngoài trại để phát hiện những thiếu sót, kịp thời ngăn chặn và xử lý không để xảy ra phức tạp; củng cố Hội đồng tự quản trong phạm nhân, sắp xếp đội phạm nhân phù hợp...
Là hạt nhân của các phong trào, sáng kiến và có vai trò đầu tàu gương mẫu nhưng cách sống, cách làm việc của Giám thị Nguyễn Ðình Ba rất giản dị, thân thiện.
Ðọc bản báo cáo mà anh gửi Hội đồng thi đua, chúng tôi thực sự xúc động và cảm phục khi biết người con quê hương huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam này đã mồ côi mẹ khi mới tròn 4 tuổi.
Mẹ anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và đã được Ðảng, Nhà nước công nhận là liệt sỹ; bố anh nén nỗi đau để tiếp tục chiến đấu, đóng góp nhiều cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tặng Bằng khen.
Hơn 35 năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, Giám thị Nguyễn Ðình Ba không nói nhiều về mình mà chỉ say sưa nói về công việc của những người “thầy giáo đặc biệt”, về những trăn trở của anh và đồng đội trong công tác giáo dục, quản lý phạm phân, để mầm thiện tỏa đi muôn nơi...
Một việc làm nhân văn nữa là, Giám thị Trại giam Gia Trung đã đề xuất và thống nhất trong tập thể lãnh đạo xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” để giúp đỡ, hỗ trợ những phạm nhân có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào ở trong trại, khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Từ năm 2011 đến nay, Quỹ đã thu được hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ cho hàng trăm phạm nhân vơi bớt khó khăn. Những việc làm thiết thực ấy đã lan tỏa niềm tin hướng thiện tới từng phạm nhân, giúp họ vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời.