Người giành giật sự sống từ tay tử thần
Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, có những con người vẫn lặng lẽ giành giật từng hơi thở, từng nhịp tim cho bệnh nhân. Trong số họ, có một bác sĩ với dáng người nhỏ nhắn nhưng ý chí vững vàng - bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Cậu học trò xứ Nghệ và hành trình chinh phục ước mơ blouse trắng
Giữa không gian đặc quánh mùi thuốc sát trùng, những tiếng máy thở đều đặn vang lên trong căn phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ở đây, mỗi ngày là một cuộc chiến sinh tử, và trong cuộc chiến ấy, những bác sĩ và nhân viên y tế chưa bao giờ buông tay, dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1990) không phải là một người hùng bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Bằng đôi tay, khối óc và cả trái tim, anh đã níu giữ biết bao sinh mạng khỏi bàn tay tử thần.
Mọi người vẫn thường nói, chọn nghề y là chấp nhận bước vào những tháng ngày không có chỗ cho sự an nhàn. Nhưng với bác sĩ Phúc, đó không chỉ là lựa chọn, mà là sứ mệnh. Một sứ mệnh mà suốt bao năm qua, anh đã dùng cả thanh xuân và sức lực để theo đuổi.
Chàng thanh niên Phạm Văn Phúc sinh ra và lớn lên ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ của bác sĩ Phúc chứng kiến bố mình thường xuyên ốm đau. Chính vì thế, anh nhen nhóm trong lòng mình một khát khao trở thành bác sĩ.
Ước mơ ấy lớn dần theo năm tháng. Cậu học trò Phúc học ngày, học đêm, cặm cụi bên ngọn đèn dầu, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo bằng con đường tri thức. Bằng tất cả sự nỗ lực của mình, anh đã trở thành Thủ khoa đầu vào Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5/30.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc.
6 năm học y đa khoa, 3 năm bác sĩ nội trú chuyên ngành Truyền nhiễm - hành trình ấy là những ngày bác sĩ Phúc vùi đầu vào sách vở, là những đêm thức trắng trong bệnh viện để học từ các thầy cô, từ những ca bệnh khó. Anh chọn làm việc tại khoa Hồi sức tích cực, chọn những ca bệnh nặng nhất, nơi bác sĩ không chỉ cần chuyên môn vững vàng, mà còn phải có một tinh thần thép.
Bác sĩ Phúc trải lòng: “Đã có những khoảnh khắc mệt mỏi đến kiệt sức, tôi tự hỏi liệu mình có chọn sai con đường. Nhưng mỗi khi chứng kiến một bệnh nhân giành lại sự sống, tôi lại nhận ra chính những nhịp tim hồi sinh ấy là câu trả lời, là lẽ sống và là lý do tôi vẫn ở đây, ngày, đêm không ngừng cố gắng”.
Những cuộc chiến không khoan nhượng với tử thần
Câu chuyện mà bác sĩ Phúc kể với chúng tôi không phải là những ngày làm việc 8 tiếng rồi trở về nhà nghỉ ngơi, anh làm việc với cường độ gấp nhiều lần như thế. Một ngày trực có thể kéo dài 24 giờ, thậm chí lâu hơn nếu bệnh nhân nguy kịch.
Bác sĩ Phúc cho rằng, nếu có một nơi mà bác sĩ phải đứng giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết mỗi ngày, thì đó chính là Khoa Hồi sức tích cực. Ở đây, không có chỗ cho sai lầm. Một quyết định chậm trễ, một phán đoán sai lầm, có thể khiến một sinh mạng ra đi vĩnh viễn.
Những ca trực kéo dài vô tận, những giấc ngủ chập chờn trên chiếc ghế đặt vội trong góc phòng bệnh. Và có những khoảnh khắc anh chỉ kịp ngả lưng một chút rồi lại bật dậy khi có bệnh nhân trở nặng.
Có lần, một bệnh nhân viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp cấp, dù đã đặt ống thở nhưng tình trạng vẫn nguy kịch. Trong suốt 48 giờ, bác sĩ Phúc gần như không rời khỏi giường bệnh. Anh trực tiếp theo dõi, điều chỉnh máy thở, cân nhắc từng liều thuốc. Khi bệnh nhân dần ổn định, anh mới cho phép mình ngủ vội trên chiếc ghế ở hành lang. Nhưng chưa đầy một tiếng sau, một bệnh nhân khác lại cần anh. Và thế là anh lại đứng lên...

Bác sĩ Phạm Văn Phúc theo dõi từng chỉ số sinh tồn của bệnh nhân.
Nhớ về một bệnh nhân Covid-19 nặng phải đặt ECMO (tim, phổi nhân tạo), suốt ba ngày liền, bác sĩ Phúc gần như không rời phòng bệnh. Mỗi lần bệnh nhân có dấu hiệu xấu đi, anh lại chạy đến, điều chỉnh máy móc, kiểm tra từng chỉ số sinh tồn. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, mọi người mới phát hiện anh chưa kịp ăn một bữa tử tế.
Ths Nguyễn Thị Thường, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kể rằng: “Có đêm, tôi thấy anh Phúc ngồi ngủ gục ngay trước phòng bệnh nhân, dựa lưng vào bức tường lạnh, mắt trũng sâu vì mệt. Nhưng chỉ cần nghe báo có ca nặng, anh lập tức bật dậy, như chưa từng có cơn buồn ngủ nào”.
Không chỉ là bác sĩ điều trị, bác sĩ Phúc còn là người thầy của nhiều bác sĩ trẻ. Những ngày dịch Covid-19 căng thẳng, anh trực tiếp hướng dẫn từng kỹ thuật đặt ống thở, hồi sức tim, phổi, xử lý biến chứng. Anh luôn nhắc nhở: “Làm nghề y, không có chỗ cho sự chủ quan. Một sai lầm nhỏ cũng có thể đánh đổi bằng cả sinh mạng bệnh nhân”.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trở thành điểm nóng với hàng nghìn bệnh nhân nặng. Các bác sĩ ở đây không chỉ đối diện với áp lực công việc, mà còn đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao.
Bác sĩ Phúc nhớ lại: “Có những đêm cả phòng bệnh vang lên tiếng thở dốc của bệnh nhân, có người cố gắng níu kéo hơi thở cuối cùng. Các bác sĩ làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi ướt sũng, nhưng chẳng ai dừng tay. Tất cả chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: Giữ lại sự sống cho bệnh nhân”.
Một ca bệnh đặc biệt khiến bác sĩ Phúc không thể quên là sản phụ 30 tuổi, mang thai đôi, mắc Covid-19 nặng. Khi nhập viện, bệnh nhân đã suy hô hấp nghiêm trọng. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân ngừng tim. Cả ê-kíp lao vào cấp cứu. Các bác sĩ vừa đặt ECMO, vừa hồi sức cấp tốc. Sau hơn một tiếng, bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Hai tháng sau, khi nhận tin sản phụ và hai em bé khỏe mạnh, bác sĩ Phúc đã lặng đi. Đó là một trong những lần hiếm hoi anh bật khóc vì hạnh phúc. “Có những lúc tưởng như đã mất bệnh nhân. Nhưng chỉ cần còn một tia hy vọng, chúng tôi không bao giờ buông tay”, ánh mắt của bác sĩ Phúc kiên định.
Người thầy thuốc mang màu áo xanh
Năm 2020, anh được vinh danh là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. Nhưng khi nhắc đến những danh hiệu ấy, anh chỉ cười: “Chúng tôi không làm vì giải thưởng. Chúng tôi làm vì bệnh nhân cần chúng tôi.”
Bác sĩ Phúc luôn quan niệm: “Tuổi trẻ không chỉ để ước mơ mà quan trọng hơn là để hành động. Tôi luôn tin rằng tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất, là lúc chúng ta có đủ nhiệt huyết để cống hiến, có đủ sức khỏe để dấn thân và có lý tưởng để làm những điều lớn lao. Khi còn trẻ, hãy đừng ngại khó, đừng ngại khổ. Hãy dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thấy rằng cuộc sống này cần chúng ta nhiều đến nhường nào”.
Là một Bí thư Đoàn cơ sở, bác sĩ Phúc không chỉ truyền cảm hứng bằng lời nói mà bằng chính hành động của mình. Từ những ngày còn là sinh viên, anh đã tham gia các chương trình khám, chữa bệnh tình nguyện, rồi khi trở thành bác sĩ, anh vẫn tiếp tục mang y tế đến những vùng khó khăn, giúp những người nghèo không có điều kiện chữa bệnh.
Bác sĩ Phúc cho rằng, tuổi trẻ không phải để chờ đợi hay chần chừ. Nếu ai cũng nghĩ mình chưa sẵn sàng, ai cũng ngại gian khó, thì ai sẽ là người đứng lên để thay đổi? Đất nước cần những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh để mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Với bác sĩ Phúc, tuổi trẻ không chỉ là thời gian để sống, mà còn là khoảng thời gian để gieo những hạt mầm của lòng nhân ái, trách nhiệm và lý tưởng cao đẹp. Chính từ những người trẻ như anh, xã hội có thêm niềm tin vào một thế hệ thanh niên không ngại gian khó, luôn sẵn sàng vì cộng đồng, vì đất nước.
Mỗi ngày, khi nhiều người thức dậy bắt đầu công việc, là lúc bác sĩ Phúc rời bệnh viện sau một ca trực thâu đêm. Anh về nhà trong tiếng gà gáy sớm, đôi mắt còn mệt mỏi nhưng trong lòng luôn thanh thản. Với anh, nghề y không chỉ là một công việc, mà là sứ mệnh. Sứ mệnh ấy không có chỗ cho sự do dự, không có thời gian để chần chừ. Đó là một cuộc chiến không ngơi nghỉ, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.
Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG