Người giàu nhất Ukraine định kiện Nga đòi bồi thường
Người giàu nhất Ukraine nói sẽ kiện Nga vì thiệt hại từ 17 đến 20 tỷ USD tại nhà máy luyện kim của ông ở thành phố Mariupol.
Nhà máy thép Azovstal và nhà máy thép Illich, cùng thuộc sở hữu của Rinat Akhmetov, chịu thiệt hại nặng nề trong các cuộc giao tranh và pháo kích ở Mariupol. Trong đó nhà máy Azovstal từng được xem là “thành trì cuối cùng” của quân Ukraine ở Mariupol.
“Chúng tôi chắc chắn sẽ kiện Nga và đòi bồi thường thỏa đáng cho tất cả những thiệt hại”, Akhmetov nói. Ông ước tính số tiền doanh nghiệp của mình - Metinvest mất vì nhà máy Azovstal và Illich rơi vào khoảng 17 đến 20 tỷ USD.
“Con số cuối cùng sẽ được quyết định trong vụ kiện với Nga”, ông nói.
Công việc kinh doanh của tỷ phú Akhmetov trước khi xung đột Ukraine nổ ra cũng đã chịu thiệt hại vì các cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine. Nhưng khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, Metinvest đã không thể hoàn thành các hợp đồng đúng hạn.
Một số doanh nghiệp khác của Akhmetov trong khi đó phải tái cơ cấu các khoản nợ.
Theo The Guardian, cuộc chiến đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Ukraine với chi phí ước tính 4,5 tỷ USD một tuần, khi các cuộc giao tranh làm hư hại hoặc phá hủy hàng nghìn tòa nhà, tiện ích công cộng và hàng km đường. Theo ước tính do Trường Kinh tế Kiev (KSE) tổng hợp và, tổng số thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng đã lên tới 92 tỷ USD từ đầu cuộc xung đột.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Ukraine đang chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và sẽ rất tốn kém để sửa chữa hoặc xây dựng lại.
KSE cho biết thiệt hại kinh tế tổng cộng của cuộc chiến - bao gồm thiệt hại về cơ sở hạ tầng cùng với tác động lên GDP, việc ngừng đầu tư và dòng người lao động đi khỏi đất nước - có thể tăng lên 600 tỷ USD, gần gấp 4 lần giá trị GDP hàng năm của nước này.
Trong khi đó Ngân hàng Thế giới vào giữa tháng 4 ước tính cơ sở hạ tầng vật chất đã bị hư hại khoảng 60 tỷ USD và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định nền kinh tế Ukraine có thể sẽ suy giảm khoảng 35% trong năm nay. Bên cạnh đó, thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và việc di cư của người lao động sẽ cản trở phát triển kinh tế trong nhiều năm tới, ngay cả khi chiến tranh kết thúc sớm. IMF đã cung cấp 1,4 tỷ USD tài trợ khẩn cấp để giúp đáp ứng nhu cầu chi tiêu tức thời của Ukraine, trong khi Ngân hàng Thế giới đang huy động hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 2,5 tỷ USD.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguoi-giau-nhat-ukraine-dinh-kien-nga-doi-boi-thuong-ar679147.html