Người 'gieo' chữ

Con đường trở thành giáo viên nơi bản Mông của anh Sùng A Giàng gập ghềnh như chính cái dốc, cái đèo mà anh phải đi qua hằng ngày, nhưng để chinh phục tri thức, mang lại cái chữ cho trẻ em bản làng, anh đã vượt qua mọi khó khăn, kiên trì với sự nghiệp giáo dục của quê hương.

Vượt qua những con đường quanh co, chúng tôi đến với bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn. Nằm giữa núi đồi hùng vĩ, điểm Trường Tiểu học Thu Cúc 2 hiện ra như một điểm sáng của tri thức giữa vùng núi cao của huyện Tân Sơn. Điểm trường nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, đón tiếp chúng tôi là thầy Sùng A Giàng với khuôn mặt rạng rỡ.

Bên ly trà ấm trong những ngày trời se lạnh, anh Giàng tâm sự: Sinh ra và lớn lên tại bản Mỹ Á, trong một gia đình người Mông thuần nông. Từ nhỏ, anh đã phải theo cha mẹ lên rẫy, lội suối, đi rừng để kiếm sống. Nhà anh ở sâu trong khe núi heo hút, hồi đó chưa có đường sá, phải đi bộ xuyên qua đồi núi cây cối rậm rì. Nhưng được đi học, được biết cái chữ anh vui lắm, cứ băng rừng, lội suối mà đi.

Thầy Sùng A Giàng uốn nắn từng nét chữ cho các em học sinh bước vào lớp 1

Thầy Sùng A Giàng uốn nắn từng nét chữ cho các em học sinh bước vào lớp 1

Được đến trường, anh Giàng trò chuyện cùng các thầy cô giáo từ xuôi lên, nghe bao nhiêu câu chuyện hay, mới lạ ở bên kia ngọn núi. Và anh cũng hiểu được sự vất vả của thầy cô miền xuôi lên dạy học sinh vùng cao, nhất là việc giáo viên không hiểu được ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, còn học sinh chưa hiểu được tiếng phổ thông, nên việc truyền đạt kiến thức bị hạn chế. Nhưng chính những tháng ngày ấy đã cho anh một khát khao - khát khao thay đổi cuộc đời mình và mong muốn mang lại một tương lai khác cho bản làng, bởi anh nhận thấy, chỉ có việc học tập mới có thể thay đổi được những suy nghĩ tiêu cực, hủ tục, tập quán lạc hậu của người Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh quyết định ở nhà làm việc, phụ giúp bố mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống, và dành dụm thêm tiền để có thể theo đuổi ước mơ. Đến năm 2009, anh thi vào Trường Trung cấp Sư phạm tại thị xã Phú Thọ (thuộc Trường Đại học Hùng Vương). Trong suốt những năm tháng học tập, anh vừa học, vừa làm thêm để có tiền trang trải chi phí. Cuối cùng, anh cũng hoàn thành giấc mơ của mình, năm 2012, anh trở thành giáo viên và trở lại ngôi trường nơi quê nhà – Trường Tiểu học Thu Cúc 2, để dạy dỗ các em nhỏ nơi bản làng xa nhất của tỉnh Phú Thọ.

Được trở về quê hương, với anh, là một niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao. Để giữ các em ở lại lớp, anh thường xuyên phải đến từng nhà, nói chuyện với phụ huynh, thuyết phục họ cho con đi học, anh mang câu chuyện của mình ra để trò chuyện với các phụ huynh, như một minh chứng về sự kiên trì, kiên nhẫn theo đuổi cái chữ, để có ích với đồng bào quê mình, với xã hội. Vì thế, rất nhiều học sinh đã được bố mẹ cho trở lại trường học, với mong muốn sau này được thành tài như thầy Giàng.

Thầy Giàng dạy học sinh cách tự tin thể hiện bản thân thông qua bài học

Thầy Giàng dạy học sinh cách tự tin thể hiện bản thân thông qua bài học

Bà con ở bản Mỹ Á rất tự hào và quý trọng thầy Giàng vì sự chân tình, hết lòng vì học sinh. Nhớ lại thuở nhỏ, nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng vì cuộc sống khó khăn, ăn còn không đủ no huống chi đi học, rồi trình độ văn hóa, nhận thức xã hội của bà con còn thấp,... mà nhiều người đã bỏ học. Nên anh ra sức động viên, khích lệ đồng bào cho con em đến trường.

Là người ở địa phương, nên anh đã khắc phục được những hạn chế về ngôn ngữ, giảng dạy một cách hiệu quả nhất đến các em học sinh, thường xuyên lồng ghép giáo dục địa phương vào chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm, lấy những ví dụ gần gũi, dễ hiểu để khơi gợi sự tò mò và sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, anh dạy học sinh cả cách tự tin thể hiện bản thân – những kỹ năng cần thiết mà trước đây các em ít được tiếp xúc.

Năm 2017, anh tiếp tục học lên Đại học và không ngừng cố gắng, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn. 13 năm công tác trong ngành giáo dục, sự tâm huyết, nhiệt huyết của thầy Giàng đã được ghi nhận qua những tấm bằng khen, những danh hiệu cao quý như: Giáo viên dạy giỏi trong nhiều năm; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Không chỉ là người thầy, anh Sùng A Giàng còn là người cha, người bạn đồng hành cùng các em nhỏ ở bản Mỹ Á.

Không chỉ là người thầy, anh Sùng A Giàng còn là người cha, người bạn đồng hành cùng các em nhỏ ở bản Mỹ Á.

Không chỉ thực hiện tốt công tác giảng dạy, anh còn tích cực trong các hoạt động thanh niên địa phương như: Dọn vệ sinh đường liên xóm, trồng cây xanh, bảo vệ an ninh trật tự thôn bản, giao lưu văn hóa thể thao... Anh còn là chỗ dựa tinh thần cho nhiều bà con ở Mỹ Á, khi có người bị ốm đau bệnh tật đều, anh đều chỉ dẫn cụ thể cách đi khám, khuyên giải hạn chế mời thầy cúng; anh chỉ dẫn bà con cách sử dụng điện thoại thông minh, tìm hiểu về trồng cây gì là phù hợp, sử dụng thuốc trừ bệnh thế nào cho an toàn, chăn nuôi con gì là kinh tế cao, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu... Những thông tin bà con chưa hiểu rõ, anh dùng ngôn ngữ dân tộc mình để diễn giải, hướng dẫn.

Với bà con người Mông ở Mỹ Á, thầy Giàng là tấm gương điển hình của ý chí, niềm hy vọng và sự nỗ lực không ngừng để đem lại cuộc sống mới cho thế hệ trẻ bản làng. Và dù chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, anh Giàng tin tưởng rằng “con chữ” mà anh đang “gieo mầm” sẽ nảy nở, đem đến hy vọng cho cả một bản làng, một vùng cao xa xôi.

Quỳnh Như

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nguoi-gieo-chu-221579.htm