Người 'gieo mầm' du lịch cộng đồng

Dưới cái nắng vàng ươm, trải dài trên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, chúng tôi đã gặp gỡ anh Triệu Mềnh Kinh. Người đàn ông dân tộc Dao với dáng vẻ rắn rỏi, ánh mắt kiên định ấy đang âm thầm 'gieo những mầm xanh' du lịch cộng đồng, biến vùng quê nghèo khó trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Khát vọng vươn lên

Sinh ra và lớn lên tại Nậm Hồng, một thôn nghèo nằm sâu trong vùng núi non hiểm trở của xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, Triệu Mềnh Kinh thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Địa hình đồi núi dốc đứng, giao thông đi lại khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nương rẫy khiến cuộc sống của bà con quanh năm thiếu thốn.

Năm 2009, chàng trai trẻ Triệu Mềnh Kinh lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Sau khi xuất ngũ, Triệu Mềnh Kinh được xếp vào đơn vị dự bị động viên của Tiểu đoàn 6, Ban CHQS huyện Hoàng Su Phì. Chứng kiến cuộc sống nghèo khó của gia đình và bà con, anh trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Từ đây, Triệu Mềnh Kinh có bước ngoặt quan trọng khi quyết định tìm hiểu về lĩnh vực du lịch. Anh chia sẻ: “Sau khi xuất ngũ, tôi tìm đến Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Panhou để học hỏi, làm việc cùng những người có tri thức và tầm nhìn, từ đó hình thành tư duy mới về một hướng đi khác cho bản thân và quê hương”.

 Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Sau ba năm miệt mài làm việc, anh Triệu Mềnh Kinh đã tích lũy được vốn kinh nghiệm quý giá. Trong anh cũng nhen nhóm nhận thức về tiềm năng du lịch độc đáo ẩn chứa ngay tại mảnh đất quê hương. Bên cạnh niềm hy vọng, anh vẫn không khỏi trăn trở trước những khó khăn cố hữu của địa phương: Địa hình đồi núi dốc đứng gây trở ngại cho giao thông, những thửa ruộng bậc thang nhỏ bé, cheo leo khó canh tác, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Suốt nhiều đêm thao thức, anh ấp ủ ý tưởng biến những thách thức ấy thành cơ hội, thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm dấu ấn Hoàng Su Phì.

Tuy nhiên, tự nhận thấy bản thân còn thiếu kinh nghiệm và phương pháp bài bản để khởi nghiệp thành công, năm 2013, Triệu Mềnh Kinh quyết định “xuống núi”, một mình lặn lội tìm đến những “thủ phủ” du lịch cộng đồng phát triển như Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang). Tại mỗi vùng đất, anh dành vài tháng để trực tiếp quan sát, tỉ mỉ nghiên cứu, lắng nghe và học hỏi về cách thức tổ chức, quản lý, phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và hiệu quả.

Những thách thức ban đầu

Trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm học được, năm 2015, Triệu Mềnh Kinh trở về, quyết tâm khởi nghiệp làm thử du lịch theo hướng dựa vào văn hóa cộng đồng, gắn với sản xuất nông nghiệp với nguồn vốn ban đầu vỏn vẹn 5 triệu đồng. Với số vốn ít ỏi, anh đã bắt đầu bằng việc sửa sang lại chính ngôi nhà của gia đình, biến một phần không gian sống thành nơi đón tiếp những vị khách du lịch đầu tiên. Anh cũng tự tay làm những vật dụng trang trí mang đậm bản sắc văn hóa Dao, học hỏi cách nấu những món ăn truyền thống của dân tộc để phục vụ khách.

 Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Những ngày đầu khởi nghiệp đầy rẫy thách thức, không chỉ về nguồn vốn eo hẹp mà còn về việc thay đổi tư duy bao đời nay của người dân và xây dựng niềm tin với những du khách còn xa lạ. Anh Kinh đã phải kiên trì đến từng nhà giải thích, vận động người dân cùng tham gia, chia sẻ lợi ích và chứng minh hiệu quả của mô hình du lịch mới. Việc thu hút những du khách đầu tiên cũng là một bài toán khó, đòi hỏi anh phải tự mình quảng bá trên những trang mạng xã hội, tự thiết kế những tờ rơi đơn giản giới thiệu về vẻ đẹp của Nậm Hồng và những trải nghiệm văn hóa độc đáo mà du khách có thể có được.

Đầu năm 2017, khi thấy hướng đi phát triển du lịch bắt đầu mang lại những hiệu quả tích cực, anh đã vận động một số đoàn viên, thanh niên trong thôn cùng chí hướng tham gia thành lập hợp tác xã (HTX), mang tên HTX du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, khởi đầu chỉ có 5 thành viên trẻ đầy nhiệt huyết. Các thành viên đã cùng nhau góp vốn để xây dựng những homestay nhỏ mang đậm nét văn hóa địa phương, tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ truyền thống và hướng dẫn du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của vùng đất này. Nhờ hướng đi đúng đắn, HTX ngày càng lớn mạnh, thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, mang lại nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống cho người dân trong thôn. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương, HTX còn góp phần giảm thiểu tình trạng thanh niên phải rời quê hương đi làm ăn xa, giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống.

Đến nay, HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng đã xây dựng được khu nghỉ dưỡng Hoàng Su Phì Bungalow với 14 phòng bungalow khép kín và 2 nhà cộng đồng, bao quanh là không gian sân vườn rộng lớn, cùng với các khu homestay có bể bơi vô cực miễn phí. Trong đó, 8 homestay đã đạt tiêu chuẩn cơ sở lưu trú, có khả năng đáp ứng nhu cầu lưu trú cho 120-200 khách mỗi đêm. Doanh thu của HTX năm 2024 đạt 1,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại HTX du lịch đạt từ 6-7 triệu đồng/người.

Đến với HTX du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn được phục vụ một cách chu đáo với những bữa ăn mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng Hà Giang. HTX còn tổ chức các trải nghiệm du lịch phong phú, giúp du khách khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc như: Tham gia vào các nghề thủ công truyền thống, hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân qua những buổi lao động sản xuất cùng họ, hay khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của Hà Giang qua các tour du lịch được thiết kế riêng theo nhu cầu và sở thích của từng nhóm du khách.

Điểm nổi bật là HTX đã xây dựng thành công mô hình chuỗi dịch vụ khép kín, từ việc nuôi trồng, cung cấp nguồn thực phẩm tươi ngon cho du khách, đến đội ngũ hướng dẫn viên địa phương thân thiện, am hiểu văn hóa và những chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc, tái hiện những nét văn hóa truyền thống. Chính sự chuyên nghiệp và những giá trị văn hóa độc đáo này đã giúp HTX du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hà Giang.

 Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Anh Triệu Mềnh Kinh (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.

Những đổi thay tích cực mà mô hình du lịch cộng đồng đã thay đổi cuộc sống của từng người dân thôn Nậm Hồng. Tiêu biểu là chị Triệu Mùi Moang, một phụ nữ Dao trẻ, từng phải rời xa quê hương để làm công nhân, giờ đây đã trở về và trở thành một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình. Chị bày tỏ: “Tôi rất tự hào khi được giới thiệu văn hóa độc đáo của dân tộc mình với du khách. Công việc này giúp tôi thêm yêu và hiểu biết về chính quê hương mình”. Với ông Triệu Tạ Chòi, người đàn ông trung niên trước đây chỉ quen với ruộng lúa, việc mở một homestay nhỏ đón khách du lịch đã mang đến một luồng gió mới cho cuộc sống gia đình. Ông tâm sự: “Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của HTX, giờ đây, mỗi tháng gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập đáng kể, đủ để lo toan cuộc sống”.

Với những đóng góp không ngừng của mình, Triệu Mềnh Kinh đã được các cấp chính quyền ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen danh giá, trong đó tiêu biểu là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019 và nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang từ năm 2017 đến 2024 về những thành tích xuất sắc trong phong trào khởi nghiệp, thi đua yêu nước và hoạt động du lịch...

Chia sẻ về hành trình của mình, Triệu Mềnh Kinh bày tỏ: “Với tôi du lịch cộng đồng không chỉ là một mô hình kinh tế, mà còn là sứ mệnh. Đó là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên độc đáo của quê hương, đồng thời mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con. Tôi mong muốn, từ kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích cho các địa phương khác trong tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng giàu đẹp”.

Bài, ảnh: TRẦN HÀO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-gieo-mam-du-lich-cong-dong-835841