Người giữ hồn cồng chiêng M'Nông Gar

Dù đôi chân không còn vững nhưng trong ký ức của nghệ nhân ưu tú Y Krai Cil, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người M'Nông Gar vẫn vẹn nguyên.

Hơi thở linh thiêng của đại ngàn

Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn Tây Nguyên, từ thuở nhỏ, ông Y Krai Cil (hay còn gọi là Ma Lang Liêng, SN 1947) - người con của buôn Jiê Ýuk (xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã say mê những âm thanh vang vọng của cồng chiêng.

Trong ký ức của ông, những đêm hội dưới ánh lửa bập bùng, tiếng chiêng ngân vang đã kết nối bao thế hệ người M’Nông Gar (một nhánh của dân tộc M’Nông) trong buôn làng.

Dưới sự hướng dẫn của cha ông và những người lớn tuổi trong buôn làng, ông Y Krai không chỉ học cách đánh chiêng mà còn thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong từng âm sắc, từng nhịp điệu. Với ông, mỗi tiếng chiêng không đơn thuần là âm thanh của đại ngàn mà còn là linh hồn của dân tộc, là sợi dây thiêng liêng gắn kết con người với thần linh, cội nguồn.

Khi trưởng thành, ông Y Krai đã thuộc nhiều bài chiêng cổ như: Con Nai ăn lúa (hay còn gọi là sum họp), lễ kết nghĩa anh em, chào khách... Không chỉ vậy, ông còn miệt mài nghiên cứu và tích lũy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Dù mái tóc đã bạc trắng, đôi chân không còn vững chãi, nhưng nghệ nhân ưu tú Y Krai Cil (người thứ 2 từ phải qua, hàng đầu tiên) vẫn miệt mài tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của buôn làng.

Dù mái tóc đã bạc trắng, đôi chân không còn vững chãi, nhưng nghệ nhân ưu tú Y Krai Cil (người thứ 2 từ phải qua, hàng đầu tiên) vẫn miệt mài tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của buôn làng.

Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là âm vang cồng chiêng của người M’Nông Gar ở Đắk Phơi, chỉ thực sự được biết đến rộng rãi khi các nghệ sĩ tìm đến nơi đây để nghiên cứu, sáng tác.

Nhớ lại điều này, ông Y Krai chia sẻ: "Cách đây khoảng 40 năm, một nghệ sĩ đã ghé thăm các buôn làng ở Đắk Phơi để tìm cảm hứng sáng tác. Tại đây, ông phát hiện ra nét độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào M’Nông Gar.

Sau đó, nghệ sĩ đã mời một số nghệ nhân, trong đó có tôi, tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa. Cũng từ đó, tôi và các nghệ nhân trong buôn liên tục được mời đi biểu diễn, không chỉ trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Đà Nẵng, Tp.HCM, Hà Nội...".

Khi được hỏi về vai trò của cồng chiêng trong văn hóa người M’Nông, ông Y Krai cho biết: "Cồng chiêng là sợi dây gắn kết cộng đồng người M’Nông Gar, cũng như các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Trước đây, trong những nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ hỏi, kết nghĩa anh em, mừng lúa mới, đưa lúa vào kho… tiếng cồng chiêng luôn vang vọng, như sợi dây kết nối giữa con người với thần linh. Cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ, mà còn là vật thiêng, thay mặt gia chủ mời thần linh về chứng giám, chúc phúc và cùng chung vui. Nếu thiếu cồng chiêng, các nghi lễ xem như chưa trọn vẹn".

Theo nghệ nhân Y Krai, cồng chiêng là sợi dây gắn kết cộng đồng người M’Nông Gar, cũng như các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

Theo nghệ nhân Y Krai, cồng chiêng là sợi dây gắn kết cộng đồng người M’Nông Gar, cũng như các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên.

Chiêng cũng là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của các gia đình, dòng họ, buôn làng. Theo ông Y Krai, trước đây, để sở hữu một bộ chiêng 6 chiếc của người M’Nông Gar, có gia đình phải đổi đến 14 con trâu – một gia tài lớn vào thời bấy giờ.

Ông nhớ lại: "Hồi đó, gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện để mua bộ cồng chiêng. Mỗi lần có nghi lễ, tôi phải đi sang địa phương khác để mượn về sử dụng. Khi ấy, nơi đây, rừng núi bạt ngàn, đường đi lại hiểm trở, chẳng có phương tiện gì ngoài đôi chân. Do đó, có lần phải đi bộ cả ngày mới mượn được. Khi mượn chiêng về, mọi người nâng niu như báu vật, vì nếu lỡ làm mất hoặc hư hỏng thì phải đền lại đúng một bộ chiêng như thế. Đó là điều không dễ dàng".

Khắc khoải với văn hóa truyền thống

Tuy nhiên, trước những tác động của cuộc sống thị trường và sự du nhập của nhiều luồng văn hóa hiện đại, âm thanh thiêng liêng của cồng chiêng ngày càng trở nên thưa vắng.

Các bộ chiêng quý giá bị bán đi, lớp trẻ dường như không còn mấy hứng thú với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Trước nguy cơ mai một của không gian văn hóa cồng chiêng, ông Y Krai không cho phép mình đứng ngoài cuộc. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi khi được mời truyền dạy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, ông luôn nhiệt tình tham gia.

Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật đánh chiêng, ông còn truyền tải ý nghĩa sâu xa ẩn trong từng nhịp điệu, từng nghi lễ gắn liền với âm thanh cồng chiêng, giúp người học thấu hiểu và trân trọng hồn cốt của di sản văn hóa phi vật thể này.

Trải qua bao thăng trầm, gia đình ông Y Krai vẫn giữ được 1 bộ chiêng quý.

Trải qua bao thăng trầm, gia đình ông Y Krai vẫn giữ được 1 bộ chiêng quý.

Bên cạnh đó, ông Y Krai cũng dành nhiều tâm huyết để khôi phục các đội chiêng nam và đội múa nữ trong buôn. Nhờ sự nỗ lực ấy, buôn Jiê Ýuk hiện nay đã có một đội chiêng nam và một đội múa nữ.

Các nghi lễ truyền thống như Lễ cúng bến nước, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng sức khỏe và Lễ kết nghĩa anh em cũng đã được khôi phục. Ông còn trực tiếp tham gia các nghi lễ cúng trong buôn làng, nhằm truyền tải thông điệp, nguyện vọng của cộng đồng đến các thần linh.

Không chỉ gắn bó với hoạt động văn hóa trong buôn làng, ông Y Krai còn tích cực tham gia diễn tấu cồng chiêng tại các lễ hội văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức. Với ông, mỗi lần biểu diễn không chỉ là dịp để thể hiện tài năng, mà còn là cơ hội để giới thiệu âm thanh cồng chiêng đến nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ông luôn tin rằng, nếu thế hệ trẻ hiểu và yêu quý văn hóa cồng chiêng, thì giá trị truyền thống ấy sẽ còn mãi với thời gian.

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Y Krai cẩn thận lấy ra bộ chiêng quý giá gồm 6 chiếc, mà gia đình ông đã gìn giữ qua bao thăng trầm. Ông chia sẻ: "Mỗi khi tiếng chiêng vang lên, tôi cảm nhận không khí của những mùa lễ hội rộn ràng đang hiện ra trước mắt. Đó là động lực để tôi tiếp tục truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ".

Nghệ nhân Y Krai Cil luôn khuyến khích các thế hệ trẻ học đánh chiêng.

Nghệ nhân Y Krai Cil luôn khuyến khích các thế hệ trẻ học đánh chiêng.

Ông tâm sự: "Ngoài các dịp lễ hội, lễ cúng, tôi luôn khuyến khích các thế hệ trẻ, đặc biệt là con cháu trong gia đình tiếp cận, học đánh cồng chiêng, nhằm tìm ra những người kế cận có thể gìn giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông. Nhưng, ít ai có sự quan tâm sâu sắc. Nhiều người học đánh cồng chiêng chỉ được vài ngày rồi bỏ dở. Tôi lo nếu một mai những người lớn tuổi trong buôn làng không còn nữa, liệu có ai tiếp tục giữ gìn những giá trị tốt đẹp này nữa không?".

Với vẻ mặt trầm tư, ông nhẹ nhàng nâng từng chiếc chiêng lên, gõ những nhịp đầu tiên của một bài chiêng cổ, như để kết nối với quá khứ, với những gì thiêng liêng mà ông đang không ngừng bảo vệ.

Nghệ nhân Y Krai (người ngồi giữa) trực tiếp thực hiện Lễ cúng bến nước.

Nghệ nhân Y Krai (người ngồi giữa) trực tiếp thực hiện Lễ cúng bến nước.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Hoàng Thanh Bé, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi cho biết, ông Y Krai Cil một là nghệ nhân gạo cội, có rất nhiều đóng góp, cống hiến trong công tác gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc M’Nông tại địa phương. Với những đóng góp, cống hiến trong gìn giữ và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 9/2022, ông Y Krai Cil vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Hiện, ông Y Krai là nghệ nhân ưu tú duy nhất của xã. Đến nay, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương, cũng như truyền dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ.

Cùng với sự nỗ lực của các nghệ nhân, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, toàn xã có 2 đội cồng chiêng và múa xoang, với tổng cộng 43 nghệ nhân.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-giu-hon-cong-chieng-mnong-gar-204250401214713867.htm