Người giữ kho tàng văn hóa dân gian

Trong cộng đồng dân cư của các dân tộc thiểu số, người thầy cúng luôn được mọi người tôn trọng và hiện diện trong nhiều hoạt động của đời sống. Họ là những người thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống và đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền dạy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho thế hệ sau.

Vẹn nguyên giá trị truyền thống

Vượt qua cung đường quanh co gần 100 km chúng tôi tìm đến nhà ông Quan Văn Tướng, 40 tuổi, dân tộc Tày, - một người có uy tín thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình). Ông được bà con trong thôn phong tặng là “nghệ nhân, người truyền lửa” trong việc gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, ông Tướng kể ngay từ khi mới lọt lòng, tiếng đàn tính, câu hát Then của đồng bào dân tộc Tày đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi dưỡng tâm hồn và ngấm vào tâm hồn ông lúc nào không biết. Rồi cứ thế, không quản nắng mưa, ông đã theo bố đi gõ mõ, đánh trống trong các buổi bố đi làm thầy cúng cho dân bản. Năm ông 9 tuổi thì bố qua đời. Vì trách nhiệm với tổ tiên, ông đã chăm chỉ học hành, theo các thầy cao tay trong xã và huyện để học. Đến năm 17 tuổi ông được làm lễ cấp sắc và làm thầy.

Ông Tướng chia sẻ, để trở thành thầy cúng, phải trải qua một quá trình học tập và kiêng kỵ vô cùng nghiêm ngặt. Bắt đầu học từ phần sắp lễ, gõ mõ, đánh trống, học lễ khấn tiếng Tày bằng chữ Hán, đọc kinh theo các sách Tam tự kinh, Luận ngữ… Ở Bản Chúa, ông là người được bà con tín nhiệm, đứng ra thực hiện nghi lễ cầu mùa trong những dịp lễ Tết, lễ hội Lồng Tông... để cầu bản làng bình yên gặp nhiều may mắn.

Nghệ nhân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang truyền lại nghề cho con trai Sầm Văn Đạo.

Nghệ nhân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) đang truyền lại nghề cho con trai Sầm Văn Đạo.

Bận việc làm thầy, nhưng ông luôn dành nhiều thời gian và tâm huyết đi sưu tầm các bài hát then cổ lưu giữ trong đồng bào dân tộc Tày. Nơi nào có hát Then ông lại tìm đến nghe, sưu tầm bằng được. Ông còn theo chân những thầy cúng, đến từng nhà nghệ nhân hoặc thậm chí tranh thủ mỗi buổi biểu diễn, mỗi cuộc gặp gỡ để “gom” cho mình từng bài hát, điệu then. Ông đi nhiều nơi, sưu tầm được hàng nghìn bài hát then cổ, then theo phong cách mới, sưu tầm đàn Tính… ông Tướng khoe, mình cũng bắt đầu sáng tác được vài bài hát then dựa theo lời then cổ để biểu diễn cho bà con trong thôn nghe vào những dịp Tết, Ngày hội Đại đoàn kết, phiên chợ như bài hát Bản Chúa đổi mới; Lời ru của mẹ; Xây dựng nông thôn mới... Ông vui khi thấy các con, cháu mình biết say mê hát các làn điệu của dân tộc mình. Năm 2019, thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm động viên những người như ông tiếp tục công việc gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật hát Then, đàn Tính cho lớp trẻ.

Tâm huyết truyền dạy

Dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, thường xuyên thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng cho đồng bào dân tộc Cao Lan, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi Nghệ nhân Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) chuyên tâm viết và sưu tầm những cuốn sách về phong tục, tập quán của dân tộc mình và truyền lại nghề cho cậu con trai út là ông Sầm Văn Đạo. Tiếp nối truyền thống của gia đình đã có 4 đời gìn giữ truyền thống của dân tộc.

Ông Đạo được bố truyền nghề cho từ khi còn nhỏ tuổi, học xong THPT ông theo bố làm thầy cúng. Khi ở tuổi 20 ông đã thực hiện được các nghi lễ hàng ngày như: lễ đặt tên con, lễ đặt pháp danh, lễ cúng mụ, mừng cơm mới… Bản thân ông cũng không ngừng học hỏi nâng cao hiểu biết về các phong tục tập quán, ma chay cưới hỏi, đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Từ năm 2013, anh chính thức được bố truyền lại đam mê mà ông đã làm suốt hơn 25 năm qua. Không chỉ vậy, ông Đạo đã được bố truyền lại rất nhiều kinh nghiệm cách xây dựng luyện tập chương trình biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc...

Ông Quan Văn Tướng, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn, Lâm Bình làm lễ mừng cơm mới.

Ông Quan Văn Tướng, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn, Lâm Bình làm lễ mừng cơm mới.

Năm 2014, thể theo nguyện vọng của những thanh niên yêu thích bản sắc văn hóa dân tộc Cao Lan, ông đã đứng ra thành lập CLB “Thanh niên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” xã Đại Phú, đến nay, ông đã thành lập được thêm 2 CLB nữa ở thôn và trường học với gần 100 thành viên. Với nhiệm vụ trao đổi, học hỏi vốn văn hóa dân tộc như giao lưu tiếng nói, hát Sình ca, học các điệu múa, tìm hiểu nhạc cụ, mời các nghệ nhân hướng dẫn cách xây dựng luyện tập chương trình biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc...

Tận tâm với việc “truyền lửa” đánh đàn Tính cho bà con trong bản, ông Quan Văn Tướng, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) lập đội văn nghệ hát Then, đàn Tính của bản, với 12 thành viên là những người đam mê bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt hơn ông đang truyền nghề thầy cúng cho cậu con trai cả là cháu Quan Anh Kiệt, 14 tuổi, hiện cháu cũng đã học được một số nghi thức trong bài cúng.

Ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Dao của tỉnh, Trưởng ban liên lạc Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao toàn quốc cho biết, hiện nay CLB có 9 nhánh Dao, được chia làm 2 nhóm với trên 100 thầy cúng. Vì vậy, việc gìn giữ bản sắc văn hóa luôn được đồng bào các dân tộc đặc biệt chú trọng, nhất là việc truyền dạy cho thế hệ trẻ hôm nay. Bằng hình thức thành lập các CLB, đội văn nghệ truyền dạy những phong tục tập quán, nhất là lễ cấp sắc, tranh thờ cúng của dân tộc Dao… chính là giữ được cốt cách và tinh thần của dân tộc.

Dù cuộc sống bản làng của đồng bào các dân tộc có nhiều thay đổi, hơi thở hiện đại đã thấm qua những cánh rừng đại ngàn, nhưng vai trò của những người như ông Quan Văn Tướng, ông Sầm Văn Dừn, Sầm Văn Đạo đối với đời sống cộng đồng các dân tộc vẫn không thể thiếu. Họ là sợi dây kết nối cộng đồng, kết nối quá khứ và hiện tại, bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc.

Ghi chép: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nguoi-giu-kho-tang-van-hoa-dan-gian-152743.html