Người giữ nét tinh hoa nghề khảm trai Chuôn Ngọ

Hơn 20 năm dành trọn tình yêu với nghề khảm trai, nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng, thôn Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn tận tâm, chế tác ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Với tuổi đời hơn 1000 năm, làng Chuôn Ngọ nổi danh khắp đất nước với nghề khảm trai. Các sản phẩm của làng Chuôn Ngọ có đủ loại từ tủ chè, sập, tranh, khay đựng trà, ống bút,... Riêng với khảm tranh truyền thần thì cả làng chỉ có 3 nghệ nhân, trong đó anh Nguyễn Văn Lăng là nghệ nhân đi chuyên sâu nhất. Anh chia sẻ “Tỉa truyền thần yêu cầu độ chính xác cao nhất, chỉ cần tỉa sai một nét là hỏng cả bức tranh.”

Căn phòng nhỏ trưng bày đầy các sản phẩm đã hoàn thiện của nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng.

Căn phòng nhỏ trưng bày đầy các sản phẩm đã hoàn thiện của nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng.

Sinh ra ở cái nôi của nghề khảm trai, anh Nguyễn Văn Lăng được tiếp cận với nghề ngay từ khi còn nhỏ và sớm thạo nghề năm 16 tuổi. Sau 10 năm xa quê lập nghiệp, anh quyết định trở lại chính quê hương của mình để phát triển và truyền nghề cho thế hệ trẻ. Để giữ nghề, mỗi năm, anh tiếp nhận từ 5 đến 7 học viên, có người theo anh được gần 10 năm và đã thạo nghề.

Anh Lăng chia sẻ: “Để truyền thần chân dung một người trên chất liệu khảm trai thực sự rất khó, từ đường nét khuôn mặt, ánh mắt, phải toát lên được thần thái của nhân vật nên ít người dám khảm mặt hàng này.”

Khảm trai chia thành nhiều công đoạn cầu kỳ và tỉ mỉ nên mỗi người thợ sẽ làm một công đoạn nhất định từ dễ đến khó.

Khảm trai chia thành nhiều công đoạn cầu kỳ và tỉ mỉ nên mỗi người thợ sẽ làm một công đoạn nhất định từ dễ đến khó.

Cùng với tỉa truyền thần, công đoạn dũa cũng đòi hỏi người thợ có tay nghề cao và tập trung cao độ mới thành được hình mẫu đã định trước. Các mảnh ốc khi đã được mài dũa hoàn chỉnh sẽ được gắn tạm thời lên gỗ. Dùng bút tô theo viền các chi tiết để thành bức tranh hoàn chỉnh, sau đó người thợ lại cậy ốc lên để đục lõm. Phần lõm trên bức tranh gỗ sẽ được sử dụng keo ta gắn các chi tiết ốc bằng phẳng với mặt gỗ. Tiếp theo, người thợ sẽ dùng giấy ráp đánh sạch bức tranh và sử dụng dao chuyên dụng để tỉa chi tiết.

“Nghề này không phải muốn mà làm được, với người có tố chất cũng phải mất 5 - 7 năm mới học thành thạo. Sau đó vẫn phải học hỏi và trau dồi thêm rất nhiều; muốn làm công việc này ngoài có sở thích thì phải kiên trì và đam mê với nghề.”

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng đang tỉa truyền thần bức hình cho khách hàng.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lăng đang tỉa truyền thần bức hình cho khách hàng.

Anh Lăng là nghệ nhân trẻ có tính sáng tạo cao và tâm huyết với nghề. Những sản phẩm do anh tạo ra được giới chuyên môn, những người trong làng đánh giá cao và nể phục. Dù qua bao thăng trầm cùng với sự phát triển của đất nước, nghề khảm trai ở làng Chuôn Ngọ vẫn đứng vững và ngày càng phát triển bởi luôn có những nghệ nhân tận tâm như anh nguyễn Văn Lăng.

Nguyễn Huế

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nguoi-giu-net-tinh-hoa-nghe-kham-trai-chuon-ngo-post448048.html