Người giúp bạn bè quốc tế thêm yêu văn hóa Việt
Tôi tình cờ biết tới TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong một hội thảo quốc tế cách đây hơn 10 năm. Khi ấy, tôi khá ấn tượng bởi không nhiều lãnh đạo ngành văn hóa có thể trao đổi, tranh biện với các đối tác người nước ngoài bằng tiếng Anh chuyên ngành chuẩn xác như vậy. Hơn 20 năm gắn bó với công tác hợp tác quốc tế tại Bộ VHTTDL, bà đã có nhiều đóng góp trong việc đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới cũng như đưa các quan điểm tiến bộ về chính sách văn hóa của thế giới về Việt Nam. Điều này vô cùng có ích cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam cũng như giúp bạn bè thế giới hiểu và yêu hơn nền văn hóa phong phú của chúng ta, gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thúc đẩy nhận thức về công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Những năm gần đây, chúng ta dần làm quen và hiểu rõ hơn các khái niệm công nghiệp văn hóa (CNVH), công nghiệp sáng tạo, biểu đạt văn hóa... Thực tế, để những khái niệm đó được đưa vào chính sách và hiện thực hóa là cả một quá trình.
Trước khi biết tới CNVH, nhiều người Việt Nam vẫn coi văn hóa là lĩnh vực tư tưởng, đơn thuần chỉ để giải trí, tiêu tiền.
Vào khoảng giữa thập niên 2000, khi một số tổ chức nước ngoài đưa CNVH giới thiệu vào Việt Nam, cô chuyên viên trẻ và cũng là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết của Bộ VHTTDL Nguyễn Phương Hòa lần đầu được tiếp cận với khái niệm này. Cô nhận thấy sự khác biệt với quan niệm lâu nay của người Việt Nam khi thế giới có thể biến văn hóa làm ra tiền, phát triển và đóng góp cho nền kinh tế. Có quốc gia, ngành CNVH thậm chí còn tăng trưởng gấp đôi, gấp ba ngành công nghiệp truyền thống. Cô nhận thấy nếu CNVH được thực hiện ở Việt Nam thì sẽ có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.
Hơn nữa, giai đoạn này Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, cởi mở đón nhận cái mới và đã có những nền tảng nhất định về kinh tế, quan hệ đối ngoại, vai trò quốc tế. Vì thế, Nguyễn Phương Hòa càng muốn góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức về văn hóa. Cô đã chọn chủ đề về công nghiệp sáng tạo ở Vương quốc Anh như một câu chuyện truyền cảm hứng trong một cuộc thi hùng biện dành cho thủ lĩnh thanh niên của Bộ VHTTDL.
Sau này, khi ở những vị trí cao hơn, cô tiếp tục đề xuất để tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo và phối hợp đưa đoàn lãnh đạo cấp cao của Bộ đi nghiên cứu, tìm hiểu ở các nước với niềm tin rằng, muốn thay đổi, trước tiên cần đổi mới tư duy từ cấp lãnh đạo, quản lý. Cô tích cực chia sẻ và thuyết phục lãnh đạo Bộ bằng những hiểu biết của mình về CNVH; khích lệ, lôi kéo sự tham gia để tăng cường nhận thức và năng lực cho lãnh đạo cấp cục, vụ... Nhờ nỗ lực tổng hợp đó, góp phần để năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khái niệm CNVH, công nghiệp sáng tạo được chính thức đề cập trong văn bản chính sách, chiến lược tại Việt Nam.
![TS Nguyễn Phương Hòa (thứ hai, từ phải sang) với các diễn giả tại Hội nghị thượng đỉnh văn hóa Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) năm 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_16_51452731/e3bc6e2a5864b13ae875.jpg)
TS Nguyễn Phương Hòa (thứ hai, từ phải sang) với các diễn giả tại Hội nghị thượng đỉnh văn hóa Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) năm 2024. Ảnh do nhân vật cung cấp
TS Nguyễn Phương Hòa cho biết: “Chiến lược ra đời thành công nhất là ở mặt nhận thức, công nhận vai trò của văn hóa trong phát triển.
Đặc biệt, trong Hội thảo về xây dựng khung và cơ chế, chính sách phát triển các ngành CNVH do Cục Hợp tác quốc tế tổ chức năm 2011 với sự tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn tham dự và đã dành cả ngày để nghe các ý kiến từ hội thảo”.
Nguyên thứ trưởng Hồ Anh Tuấn chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi biết đến CNVH chính là qua hội thảo này. Tôi nhận thấy đây là một lĩnh vực cần quan tâm đặc biệt. Các nước trên thế giới rất quan tâm, làm từ lâu và coi trọng phát triển CNVH.
Với những lợi ích mà CNVH đem lại cho chính văn hóa và còn đóng góp vào lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, tôi quyết tâm bàn với anh em đưa nội dung này vào Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nội dung trọng yếu muốn đưa vào nghị quyết là văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội; phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế bằng văn hóa. Tôi vẫn nhớ kỷ niệm buổi chiều trình dự thảo nghị quyết lên Ban Bí thư nhưng nội dung về CNVH mà ta muốn trình đã không được bộ phận giúp việc tiếp thu. Tôi đã báo cáo gấp với Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và được phép triệu tập ngay Ban cán sự đảng Bộ VHTTDL để thống nhất về dự thảo nghị quyết. Tất cả đều thống nhất ký văn bản đề xuất đưa 3 nội dung trên vào dự thảo nghị quyết”.
Gia tăng “sức mạnh mềm” Việt Nam
Vào những ngày đầu năm mới 2025, tại Hà Nội, Đại sứ quán Italy đã tổ chức lễ trao Huân chương Công trạng (bậc Hiệp sĩ) của Cộng hòa Italy tặng TS Nguyễn Phương Hòa.
Đây là phần thưởng cao quý của Cộng hòa Italy ghi nhận những đóng góp xuất sắc của TS Nguyễn Phương Hòa cho việc thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa hai quốc gia trong nhiều năm qua. Đề cập đến lý do TS Nguyễn Phương Hòa được trao Huân chương Công trạng, Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam Marco Della Seta cho biết, trong hơn 20 năm sự nghiệp đến nay, TS Nguyễn Phương Hòa đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ văn hóa chặt chẽ giữa Italy và Việt Nam, cũng như phát triển và thực hiện các sáng kiến hợp tác văn hóa song phương.
Một số thành tựu nổi bật như TS Nguyễn Phương Hòa giữ vai trò tiên phong trong việc thành lập Ngôi nhà Ý (Casa Italy); trực tiếp điều hành việc xây dựng và ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Italy giai đoạn 2023-2026; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước tại Phủ Tổng thống Italy... “Phần thưởng này không chỉ là sự ghi nhận cho cá nhân bà Nguyễn Phương Hòa mà sẽ góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác thành công vì những lợi ích chung giữa Việt Nam và Italy”, Đại sứ Italy khẳng định.
Ngoài Italy, với vai trò cơ quan tham mưu về quản lý nhà nước, trực tiếp triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại, Cục Hợp tác quốc tế với sự dẫn dắt của TS Nguyễn Phương Hòa đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài tại nhiều quốc gia. Kể từ năm 2015, khi Chiến lược văn hóa đối ngoại được ban hành, Bộ VHTTDL đã tổ chức gần 30 chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các nước, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược, củng cố tình hữu nghị với bạn bè truyền thống.
Bộ VHTTDL cũng chủ trì và điều phối tổ chức 80 sự kiện Tuần-Ngày Văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Các hoạt động văn hóa đối ngoại của Việt Nam diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, được đầu tư tổ chức quy mô, có trọng tâm, trọng điểm nhân dịp kỷ niệm năm chẵn, năm tròn quan hệ ngoại giao với các nước, tiêu biểu như Năm chéo Pháp-Việt (2013-2014), Năm chéo Việt-Nga, Năm đoàn kết hữu nghị Việt-Lào 2017 và 2022, Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2017 và 2022, chuỗi chương trình văn hóa-nghệ thuật Việt Nam tại Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha...
Lễ hội văn hóa-du lịch Việt Nam thường niên tại Nhật Bản, Hàn Quốc từ năm 2010 đến nay đã thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự và tạo thành thương hiệu đặc biệt của văn hóa Việt Nam tại các quốc gia này, góp phần quan trọng tăng trưởng, thu hút khách du lịch từ hai địa bàn trọng điểm của du lịch Việt Nam. Đề án Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới EXPO 2020 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (một trong 3 sự kiện lớn nhất hành tinh sau Giải bóng đá thế giới và Thế vận hội-Olympic) đã làm nên những thành tựu nổi bật về văn hóa đối ngoại của Việt Nam ở cấp độ toàn cầu khi Nhà Triển lãm Việt Nam giành giải đồng về diễn giải chủ đề và giải nhất Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc. Nhiều chương trình văn hóa đối ngoại lớn, lần đầu tiên được tổ chức và tạo được sức lan tỏa sâu rộng, giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam đến cộng đồng quốc tế...
Khối lượng công việc khổng lồ, trong khi đầu tư Nhà nước hạn chế, TS Nguyễn Phương Hòa cùng đồng nghiệp phải xoay xở bằng nhiều cách. Năm 2015, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Bộ VHTTDL tổ chức 4 đêm giới thiệu hàng loạt hoạt động văn hóa-nghệ thuật Việt Nam tại thủ đô Washington và thành phố New York, Hoa Kỳ. Không có địa điểm tổ chức, chỉ bằng những cuộc trao đổi và liên lạc qua email, TS Nguyễn Phương Hòa đã thuyết phục được bạn tài trợ địa điểm biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Kennedy danh tiếng và Bảo tàng Lịch sử New York cùng hàng loạt hỗ trợ trong khâu tổ chức, quảng bá, truyền thông...
Nhìn đoàn người xếp hàng dài đến tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại xứ sở cờ hoa, dường như mọi mệt nhọc do làm việc thâu đêm suốt sáng bất chấp lệch múi giờ của cả đoàn đều tan biến. TS Nguyễn Phương Hòa chia sẻ: “Văn hóa là sức mạnh mềm, tạo ra tầm ảnh hưởng của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa cũng là sức mạnh nội sinh góp phần thu hút nhân tâm, kêu gọi sự ủng hộ đồng thuận, xây dựng lòng tin, thu hút đầu tư, thúc đẩy trao đổi thương mại và xúc tiến du lịch. Vì thế, chúng tôi luôn hướng tới việc tối đa hóa nguồn lực mình có để góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới một cách sâu rộng nhất có thể”.