Người góp công xây ba trường học đạt chuẩn quốc gia
Chỉ trong 10 năm học, thầy Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã góp công xây ba trường đạt chuẩn quốc gia, mà trong đó hai trường ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn… Nhờ đó, học sinh được học tập trong ngôi trường khang trang, giúp mỗi thầy giáo, cô giáo thêm yêu nghề và có đủ điều kiện tổ chức dạy và học hiệu quả.
Chỉ trong 10 năm học, thầy Trần Văn Xuyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Hưng (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã góp công xây ba trường đạt chuẩn quốc gia, mà trong đó hai trường ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn… Nhờ đó, học sinh được học tập trong ngôi trường khang trang, giúp mỗi thầy giáo, cô giáo thêm yêu nghề và có đủ điều kiện tổ chức dạy và học hiệu quả.
Kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian bắt đầu năm học 2007 - 2008, khi được cấp trên điều về công tác làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Noong Luống, thầy Trần Văn Xuyên vẫn nhớ như in bao khó khăn, bộn bề. Trường mới chia tách, khó khăn đủ thứ. Khuôn viên trường là một khoảng đất trống lầy lội, hoang sơ; cơ sở vật chất gồm ba phòng học cấp bốn còn lại là nhà tạm, chung quanh trường là hàng rào bằng tre do cha, mẹ học sinh lấy cây trên rừng về rào, sân trường mấp mô, nhiều vũng lầy do trước đây là khu ruộng của nhân dân.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, thầy Xuyên đã tìm thấy hướng đi cho nhà trường. Họp bàn trong ban giám hiệu và giáo viên toàn trường, chúng tôi đã đồng lòng với mục tiêu “Góp sức tạo dựng trường lớp và nâng cao chất lượng dạy, học”. Theo hướng đó, thầy chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng tường bao; tham mưu Phòng Giáo dục và Đào tạo kiến nghị UBND huyện đầu tư xây dựng thêm một số phòng học. Các thầy giáo, cô giáo cùng cha, mẹ học sinh góp hàng nghìn ngày công vận chuyển đất, đá, sỏi tạo mặt bằng sân trường. Được phụ huynh ủng hộ, ngay trong năm học 2007 - 2008, Trường tiểu học số 2 Noong Luống đã hoàn thành 500 m2 sân bê-tông bảo đảm đủ diện tích sân chơi bãi tập cho học sinh. Đến tháng 1-2010, trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong niềm vui hân hoan như muốn vỡ òa của cả thầy và trò.
Đầu năm học 2013 - 2014, thầy Xuyên được cấp trên điều động làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hua Thanh. Ngôi trường thầy Xuyên mới nhận công tác cũng mới được chia tách, thành lập cùng với sự kiện chia tách xã Thanh Nưa thành hai xã Thanh Nưa, Hua Thanh. Nơi đây học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Thái, H’Mông; trường có hai điểm ở bản Nậm Ty và Pá Sáng, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trong đó, điểm bản Nậm Ty có tất cả học sinh con em đồng bào H’Mông, nhận thức về công tác giáo dục còn nhiều hạn chế, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học chung toàn trường.
Không nản lòng với nhiệm vụ mới, bằng kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn có được ở Trường tiểu học số 2 Noong Luống, thầy Xuyên đề xuất trong ban giám hiệu tập trung tập huấn bài bản cho đội ngũ giáo viên, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt đối với học sinh. Nhờ đó, học sinh đã có kỹ năng giao tiếp mạnh dạn hơn, khả năng đọc viết tính toán có nhiều đổi mới rõ nét; chất lượng giáo dục chuyển biến vượt bậc, được các cấp quản lý ghi nhận. Đến tháng 9-2014, trường được công nhận trường chuẩn quốc gia mức độ 1.
Năm học 2017 - 2018, thầy Xuyên một lần nữa được điều động công tác tại Trường tiểu học Thanh Hưng với cương vị Hiệu trưởng. Ngôi trường này thuận lợi hơn hai trường trước bởi đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2002, nhưng sau 15 năm được công nhận trường chuẩn, Trường tiểu học Thanh Hưng vẫn không được nâng hạng dù có nhiều lợi thế. Sau khi cùng tập thể Ban Giám hiệu nhà trường bàn bạc, quyết tâm hướng tới mục tiêu trường đạt chuẩn mức độ 2, thầy Xuyên tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, các đơn vị kết nghĩa, như: Trung đoàn 82 (Quân khu 2), Phòng Cảnh sát Cơ động (Công an tỉnh Điện Biên) giúp công tôn tạo cơ sở vật chất (chủ yếu tập trung vào các hạng mục còn thiếu hoặc đã xuống cấp như: sân trường, các phòng học, phòng chức năng, khu nhà ăn, nhà nghỉ trưa cho học sinh, xây dựng thư viện tiên tiến…); huy động nguồn xã hội hóa giáo dục để xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất bảo đảm theo yêu cầu của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chủ trương của trường đã nhận được sự đồng thuận cao của cha, mẹ học sinh và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Nhờ nỗ lực của tập thể giáo viên, sự ủng hộ của các đơn vị kết nghĩa và sự ủng hộ nhiệt tình của cha, mẹ học sinh, tháng 12-2019, Trường tiểu học Thanh Hưng đã bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Với những kết quả đạt được, thầy Trần Văn Xuyên nhiều năm liền được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND tỉnh, UBND huyện tặng bằng khen, giấy khen vì có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là đóng góp trong xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.