Người góp phần làm khởi sắc bản biên giới Mùa Xuân

Từ trung tâm xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo hướng Bắc trên con đường ngoằn ngoèo ven sườn núi chừng hơn 20km là đến bản Mùa Xuân của người dân tộc Mông. Năm 1992, người Mông từ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát di cư về đây sinh sống. Người có uy tín của bản Mùa Xuân - Thao Văn Dia kể, khi theo gia đình về đây, anh chưa đầy 10 tuổi, không nhớ ai đã đặt tên cho bản, nhưng bà con trong bản và anh rất ưng cái bụng vì sau bao năm tháng quây tụ, đoàn kết, gắn bó, cần cù lao động, vượt qua khó khăn, đến nay, bản đã phát triển khởi sắc, bình yên đúng như cái tên Mùa Xuân.

Anh Thao Văn Dia (người đi đầu) tham gia tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Ảnh: Quốc Toản

Anh Thao Văn Dia (người đi đầu) tham gia tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Ảnh: Quốc Toản

Chiếc xe máy của Đại úy Hà Văn Ban, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo, BĐBP Thanh Hóa chở tôi bon trên con đường bê tông về bản Mùa Xuân. Đi trong màu xanh bạt ngàn của rừng luồng, rừng vầu, màu vàng trải dài của ruộng bậc thang, ngan ngát mùi hương nếp nương đang vào mùa gặt. Sắc màu bình yên ấy là cả quá trình gắn bó, đi lên từ gian khó, nhọc nhằn của đồng bào Mông. Để có được màu no ấm ấy, biết bao công sức của bà con, trong đó, phải kể đến vai trò của những cán bộ Biên phòng cắm bản và những người luôn gương mẫu, tiên phong đi đầu như người có uy tín của bản Mùa Xuân - Thao Văn Dia.

Trong ký ức của anh Thao Văn Dia chưa bao giờ quên những ngày tuổi thơ nghèo khó. Sinh ra trên quê hương Mường Lát, dù đất bao la, nhưng không nuôi nổi hàng trăm hộ dân. Trồng cây lúa ít hạt, cây ngô không cho bắp. Đôi chân cậu bé chưa tròn 10 tuổi đã theo gia đình và hơn 60 hộ dân cắt rừng tìm về Sơn Thủy, Quan Sơn sinh sống. Đất đồi núi ở đây yên bình, nhưng những ngày đầu lập bản vẫn chưa làm cho người Mông ấm bụng.

Hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, nhưng may mắn nhờ sự vận động của địa phương và cán bộ Biên phòng, anh Dia được gia đình cho đi học bán trú tại trường cách nhà 16km. Đó là quãng thời gian dài, vất vả trên con đường tiếp thu tri thức của Thao Văn Dia. Đầu tuần gùi gạo xuống trường, cuối tuần đi bộ cắt rừng về với bố mẹ. Với nghị lực của mình, anh đã vượt qua. Học hết lớp 12, anh Dia về tham gia lao động phụ giúp gia đình, lên rừng kiếm củi, ra ruộng trồng ngô. Mang sức trai khai phá đồi hoang trồng sắn. Sức trai vạm vỡ, chàng trai chân đất ấy đạp băng đá sỏi, gai cào, bảo vệ màu xanh cánh rừng được Nhà nước giao.

Vừa cần cù, chịu khó, anh Dia còn biết thương đồng bào mình, hướng dẫn bà con lao động sản xuất đến nơi đến chốn. Anh là một người trẻ tiêu biểu về tinh thần yêu lao động, lại biết thương yêu đùm bọc bà con. Người Mông ở Mùa Xuân chỉ suốt ngày trong rừng, trên nương, chăm chỉ làm ăn nhưng vẫn chẳng giàu lên được. Họ bắt đầu tin và học theo cách làm của chàng trai trẻ.

Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, anh Dia được kết nạp Đảng. Và suốt 19 năm liền (2003-2022), anh luôn được bà con tín nhiệm bầu vào các vị trí từ phó bản, trưởng bản, bí thư chi bộ. Đảm nhiệm trọng trách nào, anh cũng quyết tâm đem sức lực phục vụ quê hương.

Nhớ lại những tháng ngày tham gia công tác ở bản, anh Dia kể: "Hơn 100 hộ dân trong bản, giữa một vùng rừng núi hoang sơ, đường giao thông khó khăn, trình độ văn hóa của bà con còn thấp, biết làm gì để bà con phát triển kinh tế? 100% số hộ trong bản thuộc diện nghèo. Một số tập tục lạc hậu từ bao đời còn đeo đẳng. Trong khi đó, có tà đạo ngấm ngầm, luồn lách tìm đến lừa phỉnh, ru ngủ những người dân lạc hậu. Luồng tư tưởng đó đã tác động, làm một bộ phận đồng bào thờ ơ với các phong trào chung, ngoảnh mặt lại các chính sách, những dự án phát triển kinh tế ở địa phương". Được sự động viên, hỗ trợ của cán bộ Biên phòng và lãnh đạo địa phương, anh Dia đến từng nhà giải thích, vận động bà con. Nói đúng, hợp lòng người thì ai cũng nghe. Rồi anh trực tiếp cùng bà con lên nương, ra ruộng, chỉ bảo từng việc cụ thể. Anh Dia thăm hỏi, dành ưu tiên những ưu đãi của Nhà nước cho gia đình khó khăn hơn.

Mùa Xuân là bản có đoạn biên giới từ cột mốc 322 đến cột mốc 323 giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Anh Dia nắm rõ từng đường mòn, thuộc từng gốc cây. Xác định việc bảo vệ biên cương không chỉ là trách nhiệm, mà còn là quyền lợi, niềm tự hào của mỗi người dân, nên anh luôn tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Anh cùng cán bộ Biên phòng cắm bản, người có uy tín, Đoàn Thanh niên trong bản đến nhà nhắc nhở, khuyên mọi người chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ đường biên, cột mốc; khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên đường biên, cột mốc thì kịp thời báo cáo ngay với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Làm việc gì cũng phải được lòng dân, phải biết vì lợi ích của đồng bào mình. Anh mang tiếng nói của người Mông lên xã, đề đạt nguyện vọng chính đáng. Anh có ý kiến không hỗ trợ cho người nghèo bằng tiền mặt mà thay bằng hạt giống, cây củ quả, con giống, trâu bò, dê, gà... Anh tiên phong thay đổi thói quen canh tác, nhân dân trong bản từ việc quen gieo lúa nương, nghe theo lời anh đã trồng lúa nước 2 vụ. Thấy anh Dia làm hiệu quả, nhà nọ, nhà kia đua nhau chăn nuôi, trồng, cấy. Anh cho biết, tổng diện tích lúa nước của bản bây giờ đã hơn 6ha, đàn trâu 101 con, đàn bò 251 con, hơn 100 con lợn và gần 2.000 con gia cầm. Cái bụng người Mông đỡ dần cảnh thiếu đói, bà con trong bản tấm tắc khen anh.

Anh Thao Văn Dia (thứ 4, từ trái sang) tham gia tuyên truyền cho bà con nhân dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Quốc Toản

Anh Thao Văn Dia (thứ 4, từ trái sang) tham gia tuyên truyền cho bà con nhân dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Quốc Toản

Để giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông, Thao Văn Dia thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân trong bản thực hiện nếp sống mới, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như giữ gìn trang phục dân tộc, múa khèn, múa ô, các trò chơi, trò diễn như chọi cù, ném còn... Anh vận động người dân từng bước xóa bỏ thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là việc nặng nề khi tổ chức tang lễ. Đến nay, 100% người ở bản khi về trời đã được cho vào quan tài, tang lễ được tổ chức gọn nhẹ, không để dài ngày, không giết trâu, bò lãng phí như trước đây.

Vợ chồng anh Dia chỉ sinh hai con thôi. Các con anh đều ngoan, hiếu thảo. Một đứa lao động tại địa phương, một đứa trong quân đội. Chúng đã có tổ ấm. Vợ chồng anh đã lên chức ông bà.

Người Mùa Xuân hay nói đùa, bản mình cũng có “siêu thị” đấy. Đó là cửa hàng bán tạp hóa của vợ chồng anh Dia. Quán nhà anh ở đầu bản, thứ gì cũng có, phục vụ bà con ngay tại nhà, từ cá, mắm muối đến bánh kẹo, rượu bia...

Nói về Thao Văn Dia, Thiếu tá Mai Chí Thức, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo cho biết: "Anh Thao Văn Dia là người có trách nhiệm với công việc, hiền lành, chịu thương, chịu khó, gần gũi với đồng bào. Anh có nhiều đóng góp trong việc tham gia cùng BĐBP bảo vệ vững chắc đường biên, mốc quốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xây dựng làng bản; là tấm gương sáng trong học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ".

Từ năm 2020 đến nay, anh Thao Văn Dia vinh dự được trao Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa; Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; 4 Giấy khen của Huyện ủy, UBND huyện Quan Sơn vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, trong xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc và thành tích xuất sắc trong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Tháng 10/2023, anh là đại biểu chính thức tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quan Sơn giai đoạn 2021-2023.

Quốc Toản

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-gop-phan-lam-khoi-sac-ban-bien-gioi-mua-xuan-post477378.html