Từ chối trở thành tỷ phú để bảo tồn Cây Di sản Việt Nam

Những cây thị có tuổi đời gần 700 năm, được cánh thương lái trả giá đến gần 10 tỷ đồng nhưng gia chủ vẫn không đồng ý bán. Bởi quan điểm của gia đình cho rằng 'cổ mộc' hàng trăm năm cũng như di tích, không phải vô hạn và không phải bỗng dưng mà có được.

“Cụ thị” là nơi vua Quang Trung buộc voi chiến

Năm nào cũng vậy, hè đến mùi thơm từ những cây thị cổ thụ trong vườn nhà ông Lê Thanh Hà ở xóm 1 xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) lại tỏa mùi hương ngào ngạt khắp làng. Trong đó, nổi bật là 5 “cụ thị” có độ tuổi gần 700 năm, được trồng theo hình chòm sao Bắc Đẩu và cũng là "báu vật" vô giá của cả dòng họ Lê.

Ông Lê Thanh Hà và cháu gái đứng bên cây thị Di sản "báu vật" của cả gia đình. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Ông Lê Thanh Hà và cháu gái đứng bên cây thị Di sản "báu vật" của cả gia đình. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Năm 2011, 5 cây thị cổ trong vườn nhà ông Hà được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Gia đình ông Hà cũng tôn tạo khu vườn thêm khang trang, sạch sẽ với những lối đi được bê tông hóa. Đồng thời, ông Hà cũng trồng thêm một số loại cây để tạo cảnh quan cho khu vườn. Trải qua hàng trăm năm, với những thăng trầm, 5 cây thị trở nên già cỗi nhưng vẫn phát triển, xanh tốt. Mùa quả, 5 cây thị cho trái sum suê, thơm ngát cả một vùng quê.

Nhìn từ trên cao, 5 cây thị cổ thụ xanh mướt đầy sức sống. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Nhìn từ trên cao, 5 cây thị cổ thụ xanh mướt đầy sức sống. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Cũng theo ông Hà, tương truyền rằng từ nửa cuối thế kỷ 17, vua Quang Trung từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc đánh giặc, ông đã đóng đại bản doanh ở đây và những cây thị cổ thụ là nơi buộc giữ đàn voi chiến, đàn voi nhờ quả thị mà sung sức. Ban ngày, Hoàng đế Quang Trung cho quân lính cùng voi chiến xuống cánh đồng gần đây tập trận. Đêm về, voi chiến được buộc vào 5 cây thị này. Sau đó, đại quân của vua Quang Trung đã đánh tan giặc Thanh.

Nơi trú ấn, cứu đói của dân làng

Theo lời kể của những nngười dân nơi đây, trong nạn đói năm 1945, riêng làng Xuân Tình (xóm cũ) không có ai chết đói là nhờ vườn thị này. Ngày đó, quả xanh gọt chấm muối biển, quả chín bóp nục, mềm rồi ăn, mọi người nhờ đó mà cầm hơi qua cơn đói. Theo ông Hà, nạn đói quay quắt năm 1945 đã khiến nhiều người chết, tuy nhiên nhiều người dân vùng biển đã sống nhờ vào quả của những cây thị già này. Cây xanh tốt quanh năm, cho ra quả thị ngon ngọt, bổ dưỡng, cứu đói hàng trăm người dân. Bởi vậy giá trị của nó để lại là vô giá, không thể đong đếm bằng tiền được.

Cụ thị có gốc lớn 7 - 8 người ôm, từng được trả giá hàng tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Cụ thị có gốc lớn 7 - 8 người ôm, từng được trả giá hàng tỷ đồng. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Theo quan sát của chúng tôi, 5 cây thị cổ thụ này có thân to lớn, cao khoảng 20 m, cành lá sum suê phủ kín cả khoảng vườn. Chủ nhân 5 cây cổ thụ cho biết, có gốc cây đường kính gần 4 m, phải 7 - 8 người ôm mới xuể. Một cây thị bị khuyết ruột từ dưới gốc lên đến tận ngọn, nhiều phần khô cứng, mục ra nhưng bên ngoài vẫn chứa đầy sức sống, xanh tốt, bên trong có thể chứa đến 10 người.

Gần đây, gia đình ông Hà đã phải lấp căn hầm dưới gốc thị để tránh cây bị chết. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Gần đây, gia đình ông Hà đã phải lấp căn hầm dưới gốc thị để tránh cây bị chết. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trong thời kỳ chiến tranh, hốc cây này được nhân dân sử dụng làm hầm chữ A tránh bom đạn của kẻ thù. Đây còn là nơi để lực lượng bộ đội cao xạ của Nghệ An làm đài quan sát máy bay địch. Ông Lê Thanh Hà cho biết, vào những năm chiến tranh, đặc biệt vào giai đoạn năm 1968 – 1972, vì ở gần đây có trận địa tên lửa nên bom đạn rất ác liệt. Ông bà nội tôi đã nghiên cứu, khoét hầm trú ẩn dưới gốc cây thị. Hầm rộng khoảng 3m2, chạy ra vào thoải mái. Ông Hà vẫn thường ngủ, học bài dưới căn hầm này. Gần đây, gia đình ông Hà đã phải lấp căn hầm dưới gốc thị để tránh cây bị chết.

Những cây dương xỉ bám trên cây thị cổ thụ. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Những cây dương xỉ bám trên cây thị cổ thụ. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Khi giặc Mỹ ném bom bắn phá, vùng biển Nghệ An là một trong những vùng trọng điểm. Khi đó, một đơn vị phòng không của quân khu 4 đã đóng trong vườn nhà ông Hà. Ở dưới mỗi gốc thị là một căn hầm lớn, có giao thông hào thông nhau. Một số cây thị lớn được người dân và bộ đội khoét rỗng để làm bếp nấu và trú bom. Cũng theo ông Hà, chỉ huy phòng không của quân khu 4 từng ngồi trong hầm cây thị này để chỉ huy bắn hạ nhiều máy bay địch.

Tài sản vô giá

Tiếng lành đồn xa, nhiều người cũng đã tìm về tham quan, có những người đã trả giá tiền tỷ để sở hữu cây thị lớn nhất trong vườn của gia đình ông Hà nhưng ông nhất quyết không bán. Đến năm 2006, một đoàn khách du lịch khi đi nghỉ ở Cửa Lò đã vào thăm 5 cây thị cổ của dòng họ Lê. Sau một hồi xem xét những khối u sần sùi, những cái hốc đen ngòm của 5 cây thị, một đại gia đã trả giá cây nhỏ nhất 30.000 USD, cây to giá cao hơn. Đến lúc đó, con cháu họ Lê mới biết dòng họ mình đang giữ bảo vật, tài sản vô giá.

Với gia đình ông Hà, 5 cây thị cổ thụ là tài sản vô giá. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Với gia đình ông Hà, 5 cây thị cổ thụ là tài sản vô giá. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Sau nhiều lần tìm đến mua cây thị, nhưng không có kết quả, vị đại gia nọ đã nâng giá lên gần 10 tỷ đồng cho 5 cây nhưng ông Lê Minh Thưởng (bố của ông Lê Thanh Hà) kiên quyết không bán vì đây là báu vật của tổ tiên, là nguồn mạch phát triển của cả dòng họ. Theo ông Hà: “Có trả giá bao nhiêu gia đình tôi cũng không bán, bởi vì tiền dần sẽ tiêu hết, giá trị của cây thị cổ thụ sẽ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là cả giá trị tinh thần mà không thể đong đếm được bằng giá trị vật chất”.

Ngày 16/3/2012, Gia tộc họ Lê, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) tổ chức đón nhận và gắn biển cây Di sản văn hóa quốc gia cho 5 cây thị cổ do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao tặng. Đây là cây di sản đầu tiên của một dòng họ được xếp là cây di sản quốc gia. Theo báo cáo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, 5 cây thị cổ này có niên đại 670 năm tuổi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa xã hội của địa phương.

Đã 12 năm trôi qua, 5 cây thị cổ được đón nhận và gắn biển Cây Di sản văn hóa quốc gia của Gia tộc họ Lê. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Đã 12 năm trôi qua, 5 cây thị cổ được đón nhận và gắn biển Cây Di sản văn hóa quốc gia của Gia tộc họ Lê. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trên thực tế, cây thị tuổi đời trăm năm trở lên cũng rất nhiều. Chúng thuộc sở hữu cá nhân các gia đình hoặc là cây mọc tự nhiên. Và vấn đề là, hễ khi được hỏi mua, thì hầu hết chủ cây đều sẵn sàng bán. Nhiều “cổ mộc” đang xanh tốt, yên ổn thì bị bứng gốc và được các nghệ nhân nhà vườn chăm sóc, tỉa tót, rồi bán cho các đại gia, các công trình công cộng. Thân phận của cây đã bị thay đổi. Thậm chí, không ít “cổ mộc” bị bứng đi đã chết ngay sau đó.

Theo ông Hà, bảo tồn cây di sản không chỉ có giá trị tạo không gian xanh, tăng giá trị các công trình văn hóa, kiến trúc mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Cũng vì thế, nhiều em học sinh trên địa bàn được thường xuyên tới chiêm ngưỡng và lắng nghe những câu chuyện về cây. Từ đó, khơi gợi lòng yêu mến, trân trọng của các em với cây cối nói chung, cây di sản nói riêng và hơn hết là khơi gợi tình yêu, ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

Tuấn Quỳnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tu-choi-tro-thanh-ty-phu-de-bao-ton-cay-di-san-viet-nam-93654.html