Người H'Mông ở Mường Lát (Thanh Hóa) đã sập bẫy tiền ảo đa cấp như thế nào?
Mường Lát là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, trong đó có người H'Mông. Cuộc sống của người H'Mông ở đây nhìn chung còn nhiều khó khăn nhưng yên bình. Thế nhưng gần đây, nhiều bản làng một phen dáo dác khi cơn sốt tiền ảo đa cấp tràn qua.
Người H’Mông đã sập bẫy tiền ảo như thế nào?
Từ năm 2019, nhiều bản làng của người H’Mông ở Mường Lát đã có người rủ rê đầu tư tiền ảo. Mặc dù không am hiểu nhiều về công nghệ hay tài chính, cũng chẳng biết blockchain là gì nhưng người người đã mù quáng tin theo vì những lời hứa trên mây vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Vết dầu loang bắt đầu bản Suối Phái, xã Tam Chung, loang sang xã Pù Nhi, bản Suối Lóng. Những người phụ nữ H’Mông ở đây kháo nhau về mức độ sinh lời của đồng tiền ảo TRON (TRX) với tỉ lệ sinh lời cao chót vót. Đặc biệt, các đối tượng cầm đầu, rủ rê từ Lào sang còn hứa hẹn, hàng ngày, chẳng làm gì, chỉ cần đi lại, lên nương, tiền cũng đẻ ra tiền. Tiền sinh lời theo từng bước chân lên nương, làm rẫy, tỉa ngô của người phụ nữ H’Mông. Kể cả khi đìu con, gùi ngô xuống chợ, tiền cũng đẻ ra tiền.
Theo tìm hiểu của phóng viên Doanh nhân Việt Nam, sau các dự án 3 tháng lợi nhuận tăng đến 300%, vài tháng đổi đời đã dần dần bị mọi người cảnh giác thì Tronbox đã biết rút kinh nghiệm, trình độ lừa đảo đã lên một tầm mới rất cao. Họ hạ mức lãi suất xuống thấp hơn nhiều so với các dự án khác để tránh sự chú ý, chú trọng phát triển cộng đồng, viết app, nhận thưởng với những hệ thống thưởng rất ngây ngô (như ngày xưa treo máy tính nhận tiền), hệ thống này sử dụng hình thức treo thưởng khác người: đi bộ nhận tiền.
Tiếp đó, như TRON còn thu phí người sử dụng để có được mức lợi suất khổng lồ lên tới 2080 lần với đủ loại điểm thưởng ngặt nghèo để dụ dỗ nhà đầu tư. Mức thu phí lên tới hàng trăm đô, chỉ khi đóng mức phí này người chơi mới có cơ hội nhân tài khoản của mình lên tới 33 lần theo dự kiến về mức vốn hóa đại nhảy vọt của đồng tiền ảo này tự công bố.
Và như mọi hình thức đa cấp khác, khi tham gia vào mạng lưới này, người chơi bắt buộc phải rủ rê, lôi kéo người khác tham gia để hưởng hoa hồng và leo lên vị trí, cấp bậc cao hơn trong hệ thống. Bạn là thành viên có phí, bạn giới thiệu cho 100 người, hưởng 3-5% hoa hồng của những người giới thiệu đó.
Nguồn thu nhập và hoa hồng dày đặc, những cụm từ quá quen thuộc “cân nhánh”, “thụ động”, “cấp bậc”, “thăng tiến”.
Bên cạnh đồng tiền ảo có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo TRON, một bộ phận người H’Mông ở bản Pha Đén (Pù Nhi) và Pa Búa (Trung Lý) đã tham gia đầu tư tiền ảo của mạng xã hội Vitae.
Bản Suối Phái, nơi có nhiều người dân tham gia đầu tư tiền ảo
Theo tìm hiểu của phóng viên, đứng đằng sau Vitae là Michael Weber, sáng lập kiêm CEO. Trước Vitae, Weber từng sáng lập ra nhiều dự án lừa đảo kiểu mô hình Ponzi khác nhau. Năm 2014, Weber thành lập X100K, dự án hứa hẹn trả thưởng cho người tham gia theo 4 loại ma trận với mức thưởng từ 0,25 USD tới 25 USD. Hiện tại trang X100K không còn truy cập được nữa và bị lật tẩy là dự án lừa đảo. Ít lâu sau, năm 2016, Weber tiếp tục tham gia dự án PIF2 Cash, tạo cơ hội kiếm 3.000 USD cho người dùng với số vốn chỉ 27 USD. Dự án này cũng dựa vào việc các ma trận thu nhập mà người dùng phải phát triển để nhận thưởng. Một lần nữa, PIF2 Cash bị phát hiện lả mô hình đa cấp lừa đảo dạng kim tự tháp Ponzi. Năm 2017, Weber thành lập Coin Nuggets và cũng tiếp tục hoạt động theo mô hình Ponzi. Sau Coin Nuggets, Weber tham gia BitConnect cùng Trevon James, dự án mà sau này trở thành phi vụ lừa đảo thế kỷ trong lĩnh vực tiền mã hóa. Theo kết quả điều tra, Việt Nam là quốc gia đổ tiền vào BitConnect cao thứ 2 thế giới, khoảng 18 triệu USD mỗi tuần. Tìm kiếm trên Google, bạn sẽ dễ dàng thấy các video Weber quảng cáo cho BitConnect.
Rõ ràng, Weber là một chuyên gia lừa đảo với thủ đoạn quen thuộc là vẽ ra những dự án với tiền thưởng hậu hĩnh cho người tham gia. Vitae chỉ là một trong những chiêu trò mới nhất của ông vua lừa này.
Đương nhiên, vai trò của những người giới thiệu tại Việt Nam là thu hút càng nhiều người dùng tham gia vào hệ thống Vitae càng tốt. Những người này không chứng minh được họ có kiến thức chuyên ngành về tài chính, đầu tư hay công nghệ. Trong những video kêu gọi tham gia, họ chủ yếu đưa ra những con số hấp dẫn, những thông điệp hứa hẹn, đánh vào lòng tham của mọi người. Không ít trong số này từng giới thiệu các dự án lừa đảo khác như Crowd1, MyAladdinz.
Vitae có hình kinh doanh phi thực tế, nguồn tiền lấy từ người dùng chia cho người dùng và lịch sử dính líu tới nhiều dự án lừa đảo của cả người sáng lập lẫn người giới thiệu. Có thể kết luận rằng 100% mạng xã hội Vitae là một dự án lừa đảo đa cấp theo mô hình kim tự tháp Ponzi, lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước.
Những chiêu lừa đảo tinh vi ấy đã khiến những cặp vợ chồng người H’Mông nhẹ dạ tin theo.
Chặn đứng “vòi bạch tuộc” của tiền ảo tại Mường Lát
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 1576-CV/VPTU ngày 08/9/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc kiểm tra, xác minh hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn huyện Mường Lát, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Lát đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ, bước đầu xác định hoạt động đầu tư của một bộ phận người dân tộc Mông trên địa bàn huyện đã và đang diễn ra theo 02 hình thức.
Thứ nhất, đầu tư đồng tiền ảo TRON (TRX) trên mạng internet: Có 35 người Mông đang tham gia, chủ yếu là phụ nữ và chia thành các nhóm, gồm: Nhóm bản Suối Phái, xã Tam Chung có 28 người (do Vàng A Chu đứng đầu); nhóm xã Pù Nhi có 03 người (do Lâu Văn Gấu đứng đầu); nhóm bản Suối Lóng, xã Tam Chung có 04 người (do Sùng Thị Cợ đứng đầu). Các nhóm trên tham gia theo cùng một đối tượng đứng đầu là Kouher Koukham (ở thành phố Viêng Chăn, Lào). Cách thức vận hành của hình thức này là mỗi người tham gia đóng 1 khoản tiền dao động từ 1 đến 2 triệu đồng, tùy thuộc vào tỷ lệ quy đổi giữa tiền Việt Nam đồng và đồng tiền ảo để mua được 510 TRX; sau khi đóng tiền, người tham gia sẽ lập 01 ví tiền ảo Klever với mã số riêng, khi người tham gia lôi kéo được người khác sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng từ người sau đóng góp theo hình thức đa cấp dạng bậc thang, số tiền hoa hồng này sẽ được chuyển về ví điện tử của người tham gia; đáng chú ý nếu người tham gia không giới thiệu được người khác cùng chơi theo sẽ mất số tiền đóng ban đầu.
Thứ 2, đầu tư thông qua Công ty Vitae: Hiện có 42 người dân tộc Mông tham gia, chủ yếu là các cặp vợ chồng ở các bản Pha Đén (xã Pù Nhi) và Pa Búa (xã Trung Lý). Hoạt động này xâm nhập vào địa bàn từ năm 2019 do một số đối tượng ở tỉnh Điện Biên tuyên truyền trên mạng xã hội. Về cách thức đầu tư, mỗi người tham gia đóng từ 5-6 triệu đồng với lời hứa được trả lương hàng tháng dựa trên lợi nhuận của Công ty Vitae và khi giới thiệu người mới tham gia, đến cuối năm 2021 mỗi người sẽ được nhận tổng số tiền từ 100 - 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, đến tháng 7/2020, Công ty Vitae tuyên bố phá sản nên người tham gia bị mất số tiền đã nộp, dẫn đến hệ lụy mâu thuẫn giữa những người tham gia và người thân, họ hàng khi lôi kéo họ tham gia.
Đối với hoạt động này, Công an huyện Mường Lát đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền cho người dân, đến nay chưa phát hiện người dân tiếp tục tham gia.