Người Hà Nhì ở Ka Lăng: Học cái chữ để đuổi cái nghèo
'Trẻ em đến tuổi là đi học thôi, không ai cho con ở nhà đâu. Nhà giàu hay nghèo cũng đều đến trường hết…' - anh Sì Hừ Che - Bí thư bản Nhù Te cười nói. Không riêng bản Nhù Te, ở tất cả 11 bản của xã Ka Lăng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) hỏi về việc học, người dân nào cũng rất tự hào bởi hiếu học vốn là truyền thống của người Hà Nhì nơi đây.
Được thông báo là ô tô đã có thể đi được đến trung tâm bản, nhưng chúng tôi cũng khá vất vả để đi được đến bản Nhù Te bởi đường vào bản đa số là đường đất nhỏ hẹp, nhấp nhô.
Trò chuyện với Bí thư bản Nhù Te - Sì Hừ Che - tôi khá ngạc nhiên khi được biết: Nhù Te có tới 34/40 hộ dân là hộ nghèo, nhưng không có đứa trẻ nào ở đây đến tuổi mà không đến trường hay bỏ học giữa chừng. “Nghèo thì cũng phải cho con đi học, hết mẫu giáo rồi lên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cháu nào học tốt nữa thì học lên đại học, cao đẳng” - Bí thư Sì Hừ Che nói. Minh chứng cho lời anh Che là hình ảnh những em bé Hà Nhì nói tiếng phổ thông khá rõ, tự tin, vui vẻ chơi đùa, giao tiếp với khách phương xa. Đặc biệt, trong những căn nhà truyền thống của người Hà Nhì ở Nhù Te, những tấm giấy khen của con cháu luôn được treo ở chỗ trang trọng nhất, tô điểm cho căn nhà thêm tươi sáng và ấm cúng.
Rời bản Nhù Te, vượt qua nhiều con dốc lên với bản Tạ Phu, tôi lại được nghe thêm câu chuyện về cố gắng của một gia đình để cả 9 người con đều được đi học - không chỉ học hết lớp 12, mà còn học lên cao đẳng, đại học. Đó là gia đình ông Lý Xừ Xá – nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng. Nhắc đến câu chuyện học hành của người Hà Nhì ở Ka Lăng, ông Xá cho hay, người Hà Nhì vốn có truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa. Thế hệ ông Xá, trường lớp không sẵn, muốn học lên trung học phải đi xuống trung tâm huyện, đi bộ mất cả mấy ngày đường… “Khó là vậy, nhưng chúng tôi vẫn rất chịu khó đi học. Nhà nào neo người lắm, đói lắm mới cho con nghỉ học” – ông Xá nói. Ngay với bản Tạ Phu, cả bản có 17 hộ dân thì có tới 10 hộ nghèo nhưng không nhà nào không cho con đi học. Đói cái ăn thì chịu được, nhưng để con cái đói con chữ… không bố mẹ nào đành lòng! Được bố mẹ ủng hộ, lại sống trong bản có phong trào học tập như vậy, nên những đứa trẻ Hà Nhì ở Tạ Phu đều xem việc đến trường là việc hiển nhiên và có thái độ khá tích cực đối với việc học tập.
Hiện, Ka Lăng là một trong số ít xã vùng cao khó khăn, có tới hơn 70 em học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao tỷ lệ cán bộ là người Hà Nhì ở địa bàn huyện Mường Tè. Với đa phần người Hà Nhì ở Ka Lăng, học cái chữ để đuổi cái nghèo nay đã là chuyện phải làm chứ không còn là vấn đề phải vận động hay thuyết phục.
Cũng chính bởi tinh thần hiếu học của người Hà Nhì nên nhiều thầy, cô giáo từ miền xuôi lên Ka Lăng dạy học đã kiên trì, nhiệt huyết ở lại mảnh đất Ka Lăng xa xôi, khó khăn, cùng con em người Hà Nhì theo đuổi hành trình đi tìm con chữ. “Hơn tất cả, sự hiếu học của các em, sự quan tâm của cha mẹ đối với việc học của con cái chính là “men say” để giữ chúng tôi ở lại với vùng đất này” – thầy Đỗ Danh Chiều – Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ka Lăng cho hay.
Đến nay, mặc dù điều kiện đường xá đi lại vẫn còn khá khó khăn, trắc trở, nhưng tại trung tâm xã Ka Lăng đã có 3 trường học. Trong đó, Trường Tiểu học Dân tộc bán trú đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS đang được nâng cấp mở rộng theo chuẩn; trường mầm non đang được kiểm tra, khảo sát đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Với hệ thống trường lớp dần được chuẩn hóa, trẻ em ở xã Ka Lăng đang có điều kiện tốt hơn để học tập, để truyền thống hiếu học đáng quý của người Hà Nhì được gìn giữ, nhân rộng. Đây cũng chính là nền tảng để tạo nên những thế hệ người Hà Nhì giàu tri thức, bản lĩnh, góp phần dựng xây quê hương Ka Lăng giàu mạnh, tươi đẹp.